|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chặng đường cán đích lợi nhuận 2022 của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi còn dài vì giá heo hơi giảm

15:30 | 03/11/2022
Chia sẻ
Trong quý III, hầu hết doanh nghiệp chăn nuôi đều ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống. Khép lại 9 tháng đầu năm, một số doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết vẫn chưa hoàn thành được 30% kế hoạch lợi nhuận.

Một số doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết mới hoàn thành dưới 30% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng

Sau khi tăng bật lên 75.000 đồng/kg vào giữa tháng 7, giá heo hơi đã lao dốc ba tháng liên tiếp và hiện đang ở mức 54.000 - 56.000 đồng/kg. Đây cũng là mặt bằng giá chung trong hơn 10 tháng đầu năm.

(Số liệu tổng hợp, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Giá heo hơi vẫn ở mức thấp trong khi chi phí đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi vẫn neo cao khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi đi xuống, đường về đích kế hoạch doanh thu, lợi nhuận vẫn còn khá xa.

Số liệu thống kê 5 doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết cho thấy ba doanh nghiệp đã hoàn thành được 70-80% kế hoạch lợi nhuận năm 2022, còn lại hai doanh nghiệp vẫn ở khá xa so với mục tiêu. Dưới đây là thông tin chi tiết về kết quả lợi nhuận quý III và 9 tháng của từng doanh nghiệp.

  Phạm Mơ tổng hợp từ  của các công ty 

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với 3.567 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với quý III/2021; lợi nhuận sau thuế ghi nhận tăng 49% lên 206 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Dabaco đạt 9.339 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm sản xuất chiếm 87% với 8.374 tỷ, tăng gần 13% so với 9 tháng năm 2021. Tuy nhiên, các loại chi phí tăng cao kéo lợi nhuận sau thuế giảm 68% còn 229 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp cho biết quý III tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng địa chính trị tại một số nước trên thế giới, ngành chăn nuôi cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ do chi phí đầu vào, giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao.

Dabaco đánh giá ngành chăn nuôi vẫn còn khó khăn, do dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, tái đàn kéo doanh thu và lợi nhuận các đơn vị chăn nuôi cũng đi lùi so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong quý III công ty cũng ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản giúp lãi ròng của doanh nghiệp tăng cao.

Trong cơ cấu doanh thu 9 tháng, doanh thu bán thành phẩm sản xuất chiếm chủ yếu (87%) với 8.374 tỷ, tăng gần 13% so với 9 tháng năm 2021. Mảng bất động sản đem về 843,5 tỷ doanh thu, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Còn lại là doanh thu thương mại, siêu thị, khách sạn và nhà hàng 419,5 tỷ. 

 

Năm 2022, doanh nghiệp lên mục tiêu tổng doanh thu 22.558 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 918 tỷ đồng. Kết thúc 9 tháng đầu năm, Dabaco mới hoàn thành được 41% kế hoạch doanh thu và gần 25% chỉ tiêu lợi nhuận.

Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III hợp nhất của các doanh nghiệp.  

Với CTCP Masan MEATLife (Mã: MML), doanh thu thuần trong quý III đạt 1.291 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty ghi nhận lỗ sau thuế 97 tỷ đồng trong khi quý III/2021 có lãi 120 tỷ đồng.

Như vậy doanh thu và lợi nhuận của Masan MEATLife đã đi xuống ba quý liên tiếp do đã thoái vốn mảng thức ăn chăn nuôi và chỉ tập trung vào mảng thịt thương hiệu kể từ đầu năm nay.

Nếu tính riêng mảng chăn nuôi, doanh thu quý III của công ty vẫn tăng 28% so với quý II nhờ doanh thu từ mảng trang trại tăng 54%, mảng thịt có thương hiệu tăng 35%, mảng thịt gà tăng 16%. 

Luỹ kế 9 tháng, Masan MEATLife ghi nhận 3.232 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 79%. Lỗ sau thuế 9 tháng là 63 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 379 tỷ.

Năm 2022, Masan MEATLife lên kế hoạch doanh thu thuần đạt mức 5.000 – 6.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 – 670 tỷ đồng. Với mức kế hoạch tối thiểu, Masan MEATLife đã thực hiện được 65% chỉ tiêu về doanh thu, còn lợi nhuận vẫn đang âm.

Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III hợp nhất của các doanh nghiệp.  

Trong khi đường về đích lợi nhuận của Dabaco và Masan MEATLife còn khá xa thì ba doanh nghiệp khác là HAGL, BaF, Vissan đã hoàn thành được 70-80% kế hoạch.

Trong số các ông lớn ngành chăn nuôi, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) là doanh nghiệp duy nhất ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng dương ở cả quý III và 9 tháng đầu năm.

Cụ thể, doanh thu thuần quý III hợp nhất của doanh nghiệp này đạt 1.441 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu mảng heo đem về 357 tỷ doanh thu và đóng góp gần 25% vào tổng doanh thu.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, HAGL ghi nhận 3.471 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 154% và lợi nhuận sau thuế 892 tỷ gấp gần 30 lần cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 281 tỷ quý III. Nhờ khoản hoàn nhập dự phòngđầu tư vào CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HNG) và chi phí quản lý doanh nghiệp âm mới giúp HAGL lãi sau thuế 370 tỷ quý III, gấp 17 lần cùng kỳ năm ngoái. 

Năm 2022, HAGL kỳ vọng doanh thu đạt 4.820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.120 tỷ đồng. Kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 72% doanh thu và 80% lợi nhuận cả năm.   

Tương tự, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) ghi nhận doanh thu thuần 9 tháng đầu năm đạt 4.889 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2021 song lợi nhuận sau thuế lại tăng 17% lên 286 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng chăn nuôi chiếm gần 20% với 955 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2021. BaF cho biết giá heo hơi trong III này tăng 21% so với năm trước, giúp lợi nhuận của BAF cải thiện. Với kết quả này, doanh nghiệp hoàn thành 82% kế hoạch doanh thu, 71% mục tiêu lợi nhuận.

Chặng đua nước rút sẽ cạnh tranh hơn

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tính hết tháng 9, tổng đàn heo cả nước khoảng 28,6 triệu con, tăng 8,8% so với cùng kỳ 2021.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết năm 2022, chúng ta dự kiến giết mổ 51 triệu con heo, sản lượng thịt khoảng 4,3 triệu tấn, nhỉnh hơn một chút so với năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt heo của 16 doanh nghiệp chăn nuôi chiếm gần 50%.

“Chúng ta cũng đã có vắc xin dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh… đây là công cụ rất quan trọng để khống chế dịch bệnh, tái đàn thuận lợi.

Cùng với đó, giá đầu ra hiện nay tương đối thuận lợi cũng thúc đẩy tăng trưởng đàn heo ở mức cao, đảm bảo nguồn cung thịt cho thị trường cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

Ở chặng đua nước rút quý IV, các doanh nghiệp chăn nuôi sẽ phải cạnh tranh hơn khi nguồn cung thịt heo không thiếu, trong khi thị trường liên tục ghi nhận nhiều tân binh tham gia vào mảng thịt. Và con át chủ bài của nhiều doanh nghiệp là sản phẩm.

Chỉ trong vòng hơn một tháng, hai doanh nghiệp HAGL và BaF tung ra thị trường hai sản phẩm mới là “heo ăn chuối” và “heo ăn chay”.

Điểm tương đồng trong hai sản phẩm này là công thức thức ăn chăn nuôi không chứa các thành phần gốc đạm động vật, nghĩa là chỉ sử dụng 100% thức ăn từ thực vật. Với công thức thức ăn chăn nuôi khác biệt, cả hai doanh nghiệp đều khẳng định rằng chất lượng thịt heo thơm, nạc nhiều, ít béo, luộc không nhiều bọt. 

VNDirect đánh giá sự gia nhập của HAGL và BaF đang “phù hợp với thời đại” khi người tiêu dùng thay đổi thói quen từ mua thịt ở chợ, không rõ nguồn gốc sang mua ở những nơi có thương hiệu, có tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trước heo ăn chuối và heo ăn chay, một cái tên khác là Meat Deli (thương hiệu của Masan Meatlife) ra mắt thị trường vào cuối năm 2019. Sau hai năm ra mắt, sản phẩm Meat Deli đã có mặt rộng rãi trên hệ thống siêu thị Winmart và chiếm khoảng 2-3% thị phần.

VNDirect nhận định sân chơi “3F” hiện đang cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Việt Nam cho biết phân khúc thịt heo thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng khoảng 10 -15% mỗi năm, do phân khúc này mới chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường.

Do vậy đây vẫn là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thịt đi theo câu chuyện “thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng”.

Phạm Mơ