|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Heo ăn chuối, ăn chay' có là yếu tố quyết định chất lượng thịt?

07:26 | 28/10/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng ý tưởng về phát triển chuỗi giá trị “heo ăn chuối” và “heo ăn chay” của hai doanh nghiệp HAGL và BaF đều khả thi, song chất lượng thịt không chỉ phụ thuộc vào yếu tố thức ăn chăn nuôi mà còn giống.

Chất lượng thịt heo phụ thuộc vào giống và thức ăn

Thị trường vừa ghi nhận sự gia nhập của hai sản phẩm thịt heo được doanh nghiệp công bố là "heo ăn chuối" của Hoàng Anh Gia Lai, "heo ăn chay" của BaF.

Điểm tương đồng trong hai sản phẩm này là công thức thức ăn chăn nuôi không chứa các thành phần gốc đạm động vật, nghĩa là chỉ sử dụng 100% thức ăn từ thực vật. Với công thức thức ăn chăn nuôi khác biệt, cả hai doanh nghiệp đều khẳng định rằng chất lượng thịt heo thơm, nạc nhiều, ít béo, luộc không nhiều bọt. 

 Sản phẩm heo ăn chuối (trái) của HAGL và heo ăn chay của BaF. (Ảnh: Minh Hằng, Như Huỳnh)

Trao đổi với người viết, một chuyên gia chăn nuôi phía Nam cho biết việc tung ra thị trường sản phẩm “heo ăn chuối”, “heo ăn chay”, các doanh nghiệp có thể tạo ra điểm nhấn, sự khác biệt trong bối cảnh cạnh tranh. Tuy nhiên chất lượng thịt có được như lời đồn hay không còn phải xem xét công thức thức ăn chăn nuôi và giống.

“Việc cho heo ăn chuối không phải là chuyện lạ trong ngành chăn nuôi. Trong những thời điểm giá heo xuống, giá cám lên, nông hộ vẫn thường xuyên độn bột chuối, cây chuối vào cho heo ăn và thường áp dụng với heo bản địa.

Còn trong quy mô công nghiệp, chuối chiếm tới 40% trong thức ăn cho heo sẽ có rất nhiều yếu tố phức tạp”, chuyên gia này cho biết.

Do đó, vị này cho rằng chất lượng thịt có ngon như doanh nghiệp mô tả hay không thì cần thời gian kiểm chứng. Thực tế, khu vực phía Nam chưa ghi nhận mô hình nào nuôi heo ăn chay theo quy mô lớn.

Nếu chất lượng và sản phẩm không được như công bố thì đây có thể là cách doanh nghiệp quảng bá cho sản phẩm mới gia nhập thị trường.

“Doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng thực vật thay thế đạm động vật nhưng phải đảm bảo thức ăn chăn nuôi đầy đủ các nhóm chất như tinh bột, đạm, béo, xơ… thì heo mới có thể phát triển và sinh trưởng tốt”, chuyên gia chăn nuôi phía Nam nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng một lần nữa khẳng định thịt heo thơm ngon phụ thuộc yếu tố về giống và thức ăn.

Ông Trọng phân tích đối với dòng heo bản địa, đặc sản, người dân nuôi theo kiểu dân dã, thức ăn từ cám gạo và rau củ tận dụng cũng phải mất 8 tháng mới đạt được 30-40 kg. Loại heo này cho chất lượng thịt thơm ngon, có độ dai, không bở.

“Nếu doanh nghiệp muốn nuôi heo theo kiểu ăn chay (thuần thực vật) cũng được nhưng phải tính toán công thức phối trộn các loại thức ăn như ngô, đậu tương, cám gạo… cho phù hợp.

Nếu con heo cần 15% đạm nhưng công thức phối chỉ đáp ứng 12% thì con heo sẽ phát triển kém, thời gian nuôi kéo dài thêm vài tháng...”, ông Trọng nói.

Đối với công thức thức ăn chăn nuôi chứa 40% bột chuối của HAGL, ông Trọng đánh giá việc doanh nghiệp tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp là rất tốt, song cần xem xét kỹ tỷ lệ các chất trong thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là các chỉ số như axit amin, canxi, protein… để đảm bảo heo sinh trưởng bình thường.

Chi phí nuôi sẽ tăng hơn so với đạm động vật

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam có khả năng vươn lên vị trí thứ hai châu Á về tiêu thụ thịt heo vào năm 2022, chỉ sau Trung Quốc.

Năm 2021, sản lượng thịt heo của Việt Nam đạt gần 4,2 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng lên 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 3,1% trong giai đoạn 2021-2030.

Với đà tăng trưởng này, mảng thịt heo ở Việt Nam được coi là "mảnh đất màu mỡ" cho các doanh nghiệp lớn. Thời gian gần đây, ngành này liên tục đón nhiều tay chơi mới như HAGL, Thaiholdings… gia nhập thị trường.

Đứng trước những đối thủ lớn như Dabaco, Masan MeatLife, bản thân HAGL và BaF đã chọn một lối đi khác biệt với sản phẩm thịt heo được nuôi bằng thức ăn không chứa đạm động vật. Song, các doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với bài toán về nguyên liệu và giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Trọng nhận định doanh nghiệp chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi sẽ có lợi thế hơn khi tham gia vào chuỗi sản xuất thịt heo ăn chay.

“Đầu ra của trồng trọt là đầu vào của chăn nuôi. Ngược lại, phế thải từ chăn nuôi có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng, tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.

Chúng tôi luôn khuyến cáo doanh nghiệp sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo về tiêu chí dinh dưỡng”, ông Trọng nói.

Đối với heo ăn chuối, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL cho biết khoảng 200.000 tấn chuối không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu của HAGL sẽ được sấy khô, nghiền thành bột và phối trộn với đạm thực vật làm thức ăn cho heo. Việc này giúp chi phí nuôi heo của HAGL chỉ khoảng 38.000 đồng/kg.  

Còn theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch BaF, giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp có tăng vài %, song nhờ tối ưu công nghệ và quản trị, giá thành không chênh lệch nhiều so với thức ăn hỗn hợp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này có thể tận dụng một phần phụ phẩm từ CTCP Tập đoàn Tân Long (doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu gạo do ông Trương Sỹ Bá làm chủ) giúp giảm giá thành sản xuất. Mặt khác, ông Bá cho biết giá bán của thịt heo ăn chay sẽ cao hơn 5-10% so với ngoài chợ, cạnh tranh trực tiếp với các sạp hàng. 

Năm 2023, cả hai doanh nghiệp này dự kiến mở 1.000 cửa hàng thịt theo thương hiệu Bapi Food (HAGL) và BaF Meat Shop. Ai sẽ làm về đích trong cuộc đua này, thời gian sẽ trả lời tất cả.

Hoàng Anh