Chủ tịch BaF lý giải việc 'heo ăn chay' ra mắt ngay sau 'heo ăn chuối' của HAGL
Bên lề buổi công bố thương hiệu heo ăn chay BaF Meat sáng ngày 26/10, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF), cho biết việc tung sản phẩm "heo ăn chay" lúc này hoàn toàn không phải vì HAGL cho ra đời "heo ăn chuối" thành công thu hút được sự chú ý.
Theo ông Bá, "heo ăn chuối" về bản chất là dùng chuối thay thế nguyên liệu đầu vào khác trong thức ăn chăn nuôi như ngô, khoai, sắn, còn heo ăn chay là dùng đạm gốc thực vật.
Cụ thể, công thức "cám chay" của công ty được làm từ 100% nguyên liệu thực vật và gốc đạm thực vật, không chứa các thành phần từ gốc đạm động vật như bột xương thịt, bột cá… và công thức thức ăn này chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ và không bán thương mại ra thị trường.
"Heo ăn chay là tâm huyết của chúng tôi xây dựng từ đầu, mất nhiều thời gian để bộ phận dinh dưỡng thử nghiệm cho ra được công thức phù hợp. Những công thức trước đó có giá thành cao, người tiêu dùng khó chấp nhận, do đó chúng tôi phải tối ưu lại công thức. Vì sao bây giờ BaF mới công bố? câu trả lời là vì bây giờ chúng tôi mới nghiên cứu xong", ông Bá nói.
Cũng theo ông Trương Sỹ Bá, tại Việt Nam "thức ăn chay" cho heo không có nhiều, còn về đạm gốc động vật thực chất là rẻ nhất, được các doanh nghiệp châu Âu sản xuất từ xương, phụ phẩm heo, những bộ phận không dùng đến của heo để chế biến thành bột xương thịt được bán chưa đến 10.000 đồng.
“Ở các nước phát triển, phần phụ phẩm này nếu không làm bột xương thịt họ phải tốn kém thêm chi phí để xử lý, đảm bảo cho vấn đề môi trường, do đó, đạm gốc động vật được chế biến thực chất không tính đế lợi nhuận, nên giá rất rẻ”, ông Bá nói.
Và với phương pháp sử dụng "cám chay" của BaF, câu hỏi đặt ra là lượng thức ăn cho heo tiêu thụ và chi phí chăn nuôi có thay đổi? Trả lời vấn đề này, ông Bá cho biết chi phí nuôi heo theo phương pháp sử dụng đạm gốc thực vật trong thức ăn sẽ cao hơn so với sử dụng đạm gốc động vật. Bên cạnh đó, số ngày nuôi cũng kéo dài hơn.
"Đội ngũ nghiên cứu của công ty cũng đang trăn trở vấn đề làm sao để số ngày nuôi không kéo dài. Hiên tại, với cách nuôi heo thông thường, sau 4 tháng heo sẽ đạt khoảng 1 tạ (100kg) nhưng với cách nuôi heo này thời gian có thể khoảng 4 tháng vài ngày, tức thời gian nuôi có tăng hơn. Chi phí nuôi sẽ cao hơn khoảng vài % nhưng đổi lại chất lượng thịt sẽ cao hơn nên chúng tôi vẫn chấp nhận", Chủ tịch BaF chia sẻ với người viết.
Nói về chiến lược cạnh tranh của BaF, ông Trương Sỹ Bá cho biết công ty không cạnh tranh với các nhà chăn nuôi nhỏ lẻ mà thay vào đó, doanh nghiệp này tập trung xây dựng quản lý chuỗi và tự phân phối sản phẩm thông qua thương hiệu Siba Food, chuỗi siêu thị tiện lợi đã hiện diện tại TP HCM, Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng.
Theo kế hoạch, năm 2023, Siba Food sẽ mở rộng thêm 100 siêu thị và 1.000 BaF MeatShop, phát triển theo mô hình mẹ - con để tối ưu chi phí vận hành và điều chuyển hàng hóa. Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống này sẽ đạt quy mô 1.500 siêu thị và 15.000 BaF MeatShop.
Trước đó không lâu, thị trường thịt heo vừa tiếp cận sản phẩm thịt "heo ăn chuối" của HAGL. Theo HAGL, công ty sử dụng phương pháp phương pháp đưa bột chuối vào 40% thức ăn chăn nuôi giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó hạ giá thành chăn nuôi bởi thức ăn đang chiếm 75% trong tổng chi phí sản xuất.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT công ty cam kết chất lượng heo ăn chuối của HAGL đảm bảo tiêu chí "3 không" gồm không thuốc kháng sinh, không thuốc tăng trọng, không đạm động vật.
Doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ cho ra 1 triệu con "heo ăn chuối". 3-4 năm tới HAGL sẽ xây dựng nhà máy riêng để khép kín quy trình và kiểm soát chất lượng. Đồng thời mở 1.000 cửa hàng Bapi để phân phối sản phẩm “heo ăn chuối”, bao gồm cả mô hình nhượng quyền.