|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao BaF chọn câu chuyện 'heo ăn chay' để gia nhập thị trường Feed - Farm - Food?

14:58 | 26/10/2022
Chia sẻ
Theo Chủ tịch HĐQT BaF, nếu chọn bán heo hơi ra thị trường, sẽ rất khó cạnh tranh với khoảng 90% công ty hàng đầu bán heo hơi trên thị trường nên công ty đã chọn mô hình Feed - Farm - Food (3F) và cung cấp sản phẩm thịt BaF Meat từ "heo ăn chay".

Sáng 26/10, tại TP HCM, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF) công bố thương hiệu heo ăn chay BaF Meat. 

Chia sẻ tại sự kiện, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BaF, cho biết: "Theo nhiều người, thịt heo bây giờ ăn không ngon như ngày xưa là do ngày xưa đói khổ nên ăn gì cũng thấy ngon, còn bây giờ no đủ, ăn thịt heo nhiều nên không còn thấy ngon nữa. Nhưng tôi nhận thấy giải thích này là không đúng. Với đầu tư bài bản, sản phẩm "heo ăn chay" BaF Meat, chất lượng ở mức tiệm cận thịt heo ngày xưa".  

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BAF chia sẻ tại buổi công bố thương hiệu heo ăn chay BaF Meat. (Ảnh: Như Huỳnh)

Theo đại diện BAF, năm 2017, công ty đã có ý định thử nghiệm thêm mảng chăn nuôi nhưng rất thất vọng do ngành này có tính chu kỳ cao và lúc đó giá heo chỉ hơn 18.000 đồng/kg, rẻ hơn cả rau nên công ty đã không dấn thân vào chăn nuôi. Tuy nhiên, đến năm 2020 khi dịch tả châu Phi bùng phát, đàn heo ở Việt Nam giảm 50%, chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn được nữa, quy mô giảm xuống đã dành chỗ cho chăn nuôi công nghiệp. 

"Đây là cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư bài bản, kiểm soát an toàn sinh học, chủ động giống, thức ăn chăn nuôi và khả năng quản trị khi người chăn nuôi nhỏ lẻ không thể tái đàn", ông Bá chia sẻ. 

Tuy nhiên, đại diện BaF cho hay nếu dừng lại ở việc bán heo hơi ra thị trường, sẽ rất khó cạnh tranh với khoảng 90% công ty hàng đầu bán heo hơi trên thị trường nên công ty đã chọn mô hình Feed - Farm - Food (3F).

Đồng thời xuất phát từ nhu cầu thị trường và mục tiêu cung cấp sản phẩm thịt sạch có thương hiệu, giá cả hợp lý đến người tiêu dùng, BaF đã tạo nên sản phẩm thịt heo BaF Meat từ heo ăn chay.

Lý giải về sản phẩm với tên gọi heo ăn chay, ông Bá cho biết đàn heo chỉ ăn thức ăn được làm từ 100% nguyên liệu thực vật và gốc đạm thực vật, không chứa các thành phần từ gốc đạm động vật như bột xương thịt, bột cá… và công thức thức ăn này chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ và không bán thương mại ra thị trường.  

Theo ông Trương Sỹ Bá cho hay  tại VIệt Nam "thức ăn chay" cho heo không có nhiều, còn về đạm gốc động vật thực chất là rẻ nhất, được các doanh nghiệp châu Âu sản xuất từ xương, phụ phẩm heo, những bộ phận không dùng đến của heo để chế biến thành bột xương thịt được bán chưa đến 10.000.

“Ở các nước phát triển, phần phụ phẩm này nếu không làm bột xương thịt họ phải tốn kém thêm chi phí để xử lý, đảm bảo cho vấn đề môi trường, do đó, đạm gốc động vật được chế biến thực chất không tính đế lợi nhuân, nên giá rất rẻ”, ông Bá nói.

Đồng thời ông cho hay nếu nhà máy BaF sử dụng đạm gốc động vật, bản chất dễ nhiễm khuẩn thì thức ăn chăn nuôi không đạt tiêu chí đánh giá của các tổ chức quốc tế.

 Sản phẩm thịt heo ăn chay BaF Meat được giới thiệu tại buổi ông bó ngày 26/10. (Ảnh: Như Huỳnh)

Thịt heo BaF Meat được giới thiệu có màu đỏ hồng tự nhiên, khi luộc thịt sẽ thấy nước trong hơn, ít nổi bọt và miếng thịt mềm, ăn không ngậy. Sản phẩm thịt heo ăn chay hiện được phân phối độc quyền tại hệ thống Siba Food, bao gồm 50 siêu thị Siba Food và 250 điểm bán BaF MeatShop. Theo kế hoạch năm 2023, hệ thống này sẽ mở rộng thêm 100 siêu thị và 1.000 BaF MeatShop. 

Về đàn heo, hiện nay tổng đàn của BaF là 300.000 con và dự kiến quý IV/2023, các trang trại sẽ hoạt động với tổng đàn là 1 triệu con.

Ông Trần Ngọc Long, đại diện Siba Food, cho biết hệ thống cửa hàng Siba Food và MeatShop được phát triển theo mô hình mẹ - con. Lấy siêu thị Siba Food làm trung tâm (Mẹ), trong bản kính 3-5km sẽ đặt 6-12 BAF MeatShop là vệ tinh (con).

"Để tổ chức một cửa hàng, siêu thị thì chi phí rất nhiều nhưng với mô hình mẹ - con mà Siba Food và MeatShop thực hiện mỗi siêu thị Siba Food vừa là điểm kinh doanh, vừa là kho trung tâm quản lý các quầy thịt BaF MeatShop để tối ưu chi phí vận hành và điều chuyển hàng hóa", ông Long chia sẻ.

Khi được hỏi về kế hoạch mở rộng cửa hàng theo hình thức nhượng quyền hay tự mở, đại diện Siba Food cho biết: "Chúng tôi chưa nghĩ đến việc nhượng quyền mà chủ yếu muốn tự vận hành, kiểm soát 100% quy trình từ sản xuất đến phân phối. Nhưng với các đơn vị có sức mạnh tài chính, cùng suy nghĩ, quan điểm đảm bảo chất lượng cho sản phẩm thì có thể hợ tác, đồng hành về tài chính hoặc quản lý".

Như Huỳnh