|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Heo ăn chay' và bài toán cạnh tranh của tân binh BaF trong ngành thịt

06:42 | 01/11/2022
Chia sẻ
Sản phẩm thịt "heo ăn chay" được cho là lối đi riêng của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF) khi bước vào cuộc đua trên thị trường thịt heo. Câu hỏi đặt ra liệu "heo ăn chay" có thật sự tối ưu chi phí chăn nuôi và bài toán cạnh tranh để có được lợi thế riêng khi là "tay chơi" mới gia nhập sau loạt ông lớn lâu năm?

"Heo ăn chay" của BaF có gì khi bước chân vào lĩnh vực thịt?

Chỉ trong thời gian ngắn, thị trường thịt heo thương hiệu liên tiếp đón nhận các sản phẩm mới với những tên gọi riêng biệt của các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam. Gần đây nhất, sản phẩm thịt "heo ăn chay" của BaF vừa chính thức ra mắt khách hàng, không lâu sau khi thịt "heo ăn chuối" của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tiếp cận người tiêu dùng tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Thành lập vào năm 2017, khởi đầu hoạt động kinh doanh của BaF là lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, bên cạnh việc nghiên cứu và bắt đầu chăn nuôi heo với quy mô nhỏ. Sau thử nghiệm, công ty quyết định chuyển dịch sang chăn nuôi quy mô lớn vào cuối năm 2019. Đến năm 2021, BaF bắt đầu ra mắt sản phẩm thịt heo và hiện thịt thương hiệu của công ty này đã có mặt tại 50 cửa hàng Siba Food và 250 cửa hàng Meat Shop. 

"Heo ăn chay” là một sản phẩm mới, chọn chiến lược tiếp cận khách hàng bằng tâm lý thích thịt heo được nuôi một cách dân dã nhất. 

Theo bà Trần Thị Thu Thủy, chuyên gia dinh dưỡng của BaF, với hỗ trợ của Tân Long, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, của ông Trương Sỹ Bá, BaF có thể tiếp cận được nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi như tấm, cám gạo với giá cả hợp lý, giúp doanh nghiệp tối ưu công thức và giá thành.

Bên cạnh đó, công ty đang sở hữu hai nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Phú Mỹ và Tây Ninh với công suất 275.000 tấn/năm. Dự kiến đầu năm 2023, BaF đưa vào vận hành thêm một nhà máy thức ăn chăn nuôi Nghệ An với công suất 180.000 tấn/năm.  

Với việc tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào có giá thành hợp lý và chủ động trong khâu sản xuất mà BaF đang sở hữu, chi phí cho phần thức ăn chăn nuôi có thể được hiểu là sẽ tiết giảm hơn so với cách nuôi thông thường.

 

Khi gia nhập thị trường, "heo ăn chay" của BaF có ba yếu tố được cho là lợi thế bên cạnh tên gọi riêng biệt là cách nuôi heo thuần chay, sản xuất theo quy trình khép kín 3F và có dòng sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với sạp hàng tại chợ truyền thống.

Tại buổi công bố thương hiệu heo ăn chay BaF Meat, đại diện BaF cho biết so với cách nuôi heo sử dụng thức ăn tổng hợp thông thường trên thị trường, đàn heo của BaF được cho ăn "cám chay", làm từ 100% nguyên liệu thực vật và gốc đạm thực vật, không chứa các thành phần từ gốc đạm động vật như bột xương thịt, bột cá… nên sẽ giảm rủi ro nhiễm các loại vi khuẩn.  

Công thức này được quy định chặt chẽ về chất lượng và áp dụng cho toàn bộ sản phẩm cám của BaF từ cho heo tập ăn, heo con, heo thịt trưởng thành đến heo nái. Và công thức thức ăn này chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ, không bán thương mại ra thị trường.  

Sản phẩm thịt "heo ăn chay" của BaF được người tiêu dùng quan tâm khi được ra mắt chính thức tại TP HCM. (Ảnh: Như Huỳnh)

Bên cạnh công thức dinh dưỡng riêng, theo BaF, công ty đang triển khai hệ thống chăn nuôi theo mô hình 3F (Feed-Farm-Food), nghĩa là tự đảm bảo từ đầu vào (sản xuất thức ăn), chăn nuôi (chuồng trại) và chế biến (giết mổ) theo một quy trình khép kín. 

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BaF, cho biết đa số heo được phân phối tại các chợ truyền thống và chợ dân sinh nhưng quá trình giết mổ thủ công, không thể kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, các mô hình khép kín sẽ giám soát các khâu từ con giống, thức ăn chăn nuôi, cho đến giết mổ, phân phối, chế biến sâu. 

"Chúng tôi sẽ kiểm soát tất cả mọi thứ để đảm bảo thịt sạch. Đội ngũ nghiên cứu thử nghiệm nhiều lần, kiểm soát nguyên liệu đầu vào không sử dụng nguồn gốc động vật, hoàn toàn 100% thực vật, thì chất lượng thịt heo ngon hơn, gần tiệm cận với độ ngon của thịt heo ngày xưa", Chủ tịch HĐQT BaF chia sẻ.  

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, BaF phân phối thịt heo theo cả hai phân khúc gồm cao cấp là sản phẩm thịt "mát" đóng khay, có giá cao hơn khoảng 40% giá bán tại các chợ truyền thống và trung cấp là sản phẩm thịt “nóng” thông thường với giá cao hơn 5-10% giá tại các chợ. 

“Sản phẩm "heo ăn chay" sẽ cạnh tranh trực tiếp với các sạp thịt bán ngoài chợ. Điểm mạnh sản phẩm của chúng tôi là sạch sẽ, chăn nuôi giết mổ khép kín. Trong khi đó, thịt ngoài chợ phơi nắng, phơi mưa, ruồi muỗi nhiều, điều kiện bảo quản không đảm bảo, vi khuẩn có thể xâm nhập”, ông Bá nói. 

Bài toán về chi phí

Ông Trương Sỹ Bá cho biết thực tế chi phí nuôi heo theo phương pháp sử dụng đạm gốc thực vật trong thức ăn sẽ cao hơn so với sử dụng đạm gốc động vật. Lý do là thức ăn dùng đạm gốc động vật được nhập khẩu từ các doanh nghiệp châu Âu có giá rất rẻ, được sản xuất từ xương, phụ phẩm heo, những bộ phận không dùng đến của heo.

“Ở các nước phát triển, phần phụ phẩm này nếu không làm bột xương thịt họ phải tốn kém thêm chi phí để xử lý, đảm bảo cho vấn đề môi trường, do đó, đạm gốc động vật được chế biến thực chất không tính đến lợi nhuận, nên giá rất rẻ”, ông Bá nói. 

Bên cạnh đó, so với cách nuôi thông thường, cách nuôi riêng của BaF có số ngày nuôi kéo dài hơn.

"Đội ngũ nghiên cứu của công ty cũng đang trăn trở vấn đề làm sao để số ngày nuôi không kéo dài. Hiên tại, với cách nuôi heo thông thường, sau 4 tháng heo sẽ đạt khoảng 1 tạ (100kg) nhưng với cách nuôi heo này thời gian có thể khoảng 4 tháng vài ngày, tức thời gian nuôi có tăng hơn, Chủ tịch BaF chia sẻ.

Như vậy, với chi phí thức ăn và thời gian xuất chuồng lâu hơn, đồng nghĩa chi phí nuôi heo của BaF cũng tăng lên tương ứng.

Điều này đã được chủ thương hiệu "heo ăn chay" chia sẻ rằng về bản chất chi phí nguyên liệu đầu vào có tăng, khoảng vài % nhưng đổi lại sẽ có sản phẩm thịt chất lượng nên công ty vẫn chấp nhận chi phí này.

Thịt mát "heo ăn chay" được đóng khay, bảo quản trong ngăn mát, là sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp của BaF. (Ảnh: Như Huỳnh)

Về quy trình nuôi khép kín, thực tế BaF không phải là người tiên phong mà hiện nay trên thị trường đã có nhiều công ty lớn như CP Food, GreenFeed, Japfa, CJ Vina, Dabaco và Masan Meatlife áp dụng mô hình kinh doanh này từ sớm.

Không chỉ xuất hiện sau mà so với các doanh nghiệp đi trước, độ phủ của sản phẩm thịt "heo ăn chay" còn bị giới hạn bởi sự phân phối độc quyền qua hệ thống hơn 300 điểm bán của một thành viên trong hệ sinh thái Tân Long là Siba Food.

Trong khi CP Việt Nam, công ty con của Tập đoàn CP Thái Lan, là doanh nghiệp sản xuất thịt lớn của Việt Nam với thị phần thịt heo ước tính khoảng 17-18%, sản phẩm của đơn vị này được phân phối ở hầu hết siêu thị lớn và cửa hàng bán lẻ.

Hay với Masan Meatlife, công ty đã đưa thịt mát Meat Deli lên kệ của hệ thống siêu thị Winmart và các siêu thị lớn khác. 

Khi gia nhập mảng thịt heo thương hiệu, "heo ăn chay" của BaF sẽ phải giải bài toán về sự cạnh tranh từ các công ty đã có sẵn thị phần, bên cạnh việc phải đảm bảo thịt thành phẩm đạt chất lượng và đối diện nhiều thách thức của thị trường thịt heo Việt Nam.

Có thể kể đến như giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, xung đột giữa Nga và Ukraine, hai nhà xuất khẩu ngô và lúa mì hàng đầu thế giới, khiến giá các mặt hàng này duy trì ở mức cao.

Trong khi đó, nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước đang phụ thuộc từ 80 - 90% vào nguyên liệu nhập khẩu, nên ngay cả các doanh nghiệp chăn nuôi theo mô hình 3F hay với BaF sử dụng đạm gốc thực vật trong thức ăn được cho là khó tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi đà tăng giá này.

Mặc khác, sau khi đạt đỉnh vào năm 2020, giá thịt heo giảm mạnh từ năm 2021. Dù giá heo hơi có nhịp phục hồi giữa tháng 7 ở mức 75.000 đồng/kg, nhưng đã bắt đầu giảm từ tháng 8 đến nay, tác động đến lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi nói chung.

 

Như Huỳnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.