CGV, Lotte Cinema kinh doanh chật vật ra sao trước khi kêu cứu cần hỗ trợ?
Theo báo cáo tài chính của CJ CGV Hàn Quốc, công ty mẹ của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (CGV Việt Nam), doanh thu năm 2020 của CGV Việt Nam đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, giảm hơn 61% so với năm 2019 (hơn 3.600 tỷ đồng).
Đồng thời, CGV Việt Nam cũng ghi nhận số lỗ tăng mạnh lên hơn 850 tỷ đồng năm 2020, trong khi năm 2019 lỗ khoảng 156 tỷ đồng và năm 2018 lỗ khoảng 25 tỷ đồng. Như vậy mỗi ngày, công ty này lỗ hơn 2,3 tỷ đồng. Theo thống kê từ QandMe, trong năm 2020 CGV Việt Nam có tổng cộng 84 rạp chiếu phim trên cả nước
Còn đối với hãng rạp chiếu phim Lotte, dữ liệu từ báo cáo tài chính của Lotte Shopping LTD. cho thấy, mảng rạp chiếu phim nói chung tại các chi nhánh của công ty, trong đó có Việt Nam có tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan.
Cụ thể, trong năm 2020, doanh thu hợp nhất từ hoạt động chiếu phim của Lotte Shopping LTD. ghi nhận 266 tỷ won (khoảng 5.500 tỷ đồng), tương ứng giảm trên 65% so với năm 2019.
Lợi nhuận hoạt động đạt âm 160 tỷ won (hơn 3.300 tỷ đồng) năm 2020, trong khi đó ghi nhận ở năm 2019 là 1 tỷ won (khoảng 20 tỷ đồng). Báo cáo cũng ghi rõ tại Việt Nam, lượng khách tới phòng vé giảm gần 30% so với năm 2019.
Theo QandMe, Lotte có 49 rạp chiếu phim tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 5, Lotte Cinema đã thông báo đóng cửa hàng loạt cụm rạp tại TP HCM, Hội An, Long Xuyên. Trước đó, họ cũng đã phải tạm đóng cửa ở các cơ sở là Hải Dương, Phủ Lý, Ninh Bình trong đợt dịch Tết Nguyên đán 2021.
Kể từ khi dịch COVID bắt đầu xuất hiện, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt bùng bùng dịch lớn. Và mỗi lần bùng dịch, các rạp chiếu phim là một trong những điểm đóng cửa đầu tiên do là nơi thường xuyên tập trung đông người.
Bên cạnh đó, sau khi hết giãn cách xã hội, các cụm rạp gặp phải vấn đề khách hàng không còn mặn mà tới rạp chiếu phim do tâm lý e ngại dịch bệnh nơi đông người và cũng không có nhiều phim mới, hấp dẫn khán giả. Nguyên nhân là các bộ phim bị hoãn chiếu nhiều lần do dịch bệnh, dẫn đến nguồn phim mới trở nên hạn hẹp.
Vào giữa tháng 5, các doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu phim tại Việt Nam, bao gồm cả Thiên Ngân, BHD, CGV và Lotte Cinema, đã gửi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn vì đại dịch COVID-19.
Một số phương án hỗ trợ được các doanh nghiệp kiến nghị gồm duy trì lao động tránh sa thải hàng loạt (hơn 10.000 lao động trong ngành) thông qua việc xem xét cho rạp chiếu phim sớm hoạt động trở lại khi đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Đồng thời hỗ trợ giải quyết khủng hoảng thanh toán cho doanh nghiệp để họ thoát khỏi nguy cơ phá sản, hỗ trợ bình ổn rạp chiếu phim khi hoạt động trở lại. Đơn cử như hỗ trợ tái cấu trúc nợ vay hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới. Cấp tài trợ hoặc gia hạn thời gian nộp BHXH, BHYT, BHTN cũng như giảm thuế phí cho doanh nghiệp và người lao động.
Trong văn bản, các doanh nghiệp nêu quan điểm rằng hoạt động chiếu phim phục vụ giải trí cũng là hoạt động thiết yếu trong thời đại ngày nay, nhằm giảm thiểu các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý, góp phần giảm áp lực cho ngành y tế. Vì vậy hoạt đọng chiếu phim phải được thúc đẩy.