|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lần lượt từng chaebol Hàn Quốc hiện thực hoá cam kết đầu tư vào Việt Nam

11:56 | 22/09/2023
Chia sẻ
Sáng 22/9, Tập đoàn Lotte Hàn Quốc đã khai trương dự án Lotte Mall Hồ Tây với tổng số vốn lên tới hơn 600 triệu USD, đồng thời Tập đoàn SK cũng chính thức ký biên bản ghi nhớ cho dự án đầu tư trực tiếp FDI đầu tiên vào Việt Nam.

Sáng 22/9, đích thân Chủ tịch Lotte Hàn Quốc Shin Dong-bin đã tới Việt Nam để khai trương dự án Lotte Mall Tây Hồ, Hà Nội tổ hợp thương mại lớn chưa từng có tại Việt Nam với quy mô 354.000m2 sàn.

Tổng chi phí dự án này là 634 triệu USD, vượt xa mức 400 triệu USD của toà Lotte Center, 200 triệu USD của AEON Long Biên và chỉ thua tổng mức đầu tư của toà nhà cao nhất Hà Nội (Keangnam - 1,05 tỷ USD).

Ông Shin Dong-bin, Chủ tịch Tập đoàn Lotte (phải) tại sự kiện khai trương Lotte Mall sáng 22/9. (Ảnh: Lotte).

Cũng trong ngày hôm nay, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức giao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của Tập đoàn SK (Hàn Quốc). Đây là lần đầu tiên SK Group có một dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Lotte và SK là hai trong số 5 chaebol lớn nhất Hàn Quốc, từng tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam vào hồi tháng 6.

Trong chuyến thăm này, ngoài ông Shin Dong-bin,Chủ tịch Tập đoàn Lotte và ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK còn có Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor Chung Eui-sun, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo,...

Bên cạnh việc tìm kiếm các cơ hội mới, lãnh đạo những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc cũng đã đưa ra nhiều cam kết đầu tư vào Việt Nam và đến nay những cam kết đó lần lượt được hiện thực hoá.

Nhiều dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam

Dự án Lotte Mall Hồ Tây. (Ảnh: Lotte).

Ngoài dự án Lotte Mall Hồ Tây, Lotte cũng đã khởi công một dự án lớn về đô thị ở TP HCM và hiện đang nghiên cứu đầu tư xây dựng trung tâm thương mại và khu đô thị hiện đại ở Long An.

Phát biểu tại lễ khai trương Lotte Mall Hồ Tây sáng 22/9, ông Shin Dong-bin, Chủ tịch Tập đoàn Lotte cho biết, năm 1996 Lotte lần đầu tiên đầu tư vào ngành dịch vụ trung tâm thương mại, siêu thị ở Việt Nam. Từ đó, với việc mở rộng hoạt động sang các hoạt động trung tâm thương mại, rạp chiếu phim đến nay đã có 19 công ty thành viên của Lotte ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và nhiều địa phương khác.

Ông cho hay, dự án Lotte Mall Tây Hồ với số vốn lên tới hơn 600 triệu USD là dự án trọng điểm của Tập đoàn, huy động nguồn lực từ tất cả các công ty thành viên.

Tổ hợp Lotte Mall Tây Hồ thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam. (Ảnh: Hạ An). 

Với SK Group, đây là một tập đoàn đa ngành lớn thứ hai tại Hàn Quốc với các lĩnh vực hoạt động như công nghệ viễn thông, sản xuất chất bán dẫn, điều chế dược phẩm, sản xuất hóa chất, khai thác dầu khí, kinh doanh bất động sản, khách sạn và trung tâm thương mại,… 

SK Group đã và đang mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ góp vốn, mua cổ phần. Các công ty con của SK Group đã đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp nội địa như Vingroup, Masan Group, Imexpharm, PV Oil,…

Tuy nhiên, phải đến dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance tại KCN DEEP C Đình Vũ mà Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng được trao giấy chứng nhận đầu tư vào ngày hôm nay, SK mới chính thức đầu tư trực tiếp Việt Nam. Đây là dự án hướng vào sản xuất các sản phẩm sinh học công nghệ cao, minh chứng rõ rệt cho cam kết đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam mà lãnh đạo tập đoàn đã đưa ra.

Cần giải quyết điểm nghẽn "án binh bất động" trong thu hút đầu tư

Đánh giá về những nỗ lực của Chính phủ trong việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn căn cứ trên sự đánh giá của các nhà đầu tư tiềm năng. 

"Câu chuyện về 'chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng trong đó Việt Nam là một điểm đến' vẫn không hề thay đổi nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải ghi nhận những quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đối với điểm đến Việt Nam là có thật", ông nói.

Vấn đề lớn nhất hiện nay nằm ở vấn đề thực thi. Sự "án binh bất động" trong cấp phép, giải quyết vấn đề về pháp lý, thủ tục cho nhà đầu tư vẫn chưa cải thiện đáng kể đáng kể. Đây vẫn là yếu tố tác động rất tiêu cực đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

Công tác ngoại giao khẳng định quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam trong thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Việt Nam cũng vẫn là một điểm đến ổn định cả về kinh tế vĩ mô lẫn ổn định về chính trị nhưng rõ ràng cần phải thể hiện trên việc thực thi thì mới giữ chân được các nhà đầu tư, chuyên gia đánh giá. 

Hạ An