|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CEO Vietjet: Không phải công nghệ, chính ước mơ của con người làm thay đổi thế giới

14:12 | 14/09/2018
Chia sẻ
Nữ tỷ phú chia sẻ câu chuyện kinh doanh của Vietjet và gửi lời khuyên khởi nghiệp trước 1.000 đại biểu trong ngoài nước tham dự WEF ASEAN. - Doanh nghiệp - NDH.vn

Gần 6h tối, phòng khánh tiết Trung tâm hội nghị quốc gia vẫn còn rất đông người. Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, hoạt động bên lề sự kiện Diễn đàn kinh tế thế giới với chủ đề "Việt Nam Kết nối và sáng tạo: Những cơ hội mới trong kinh doanh" đã kéo dài 1 tiếng rưỡi so với dự kiến, khi hàng loạt các câu hỏi của giới doanh nhân đặt ra đều được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời đầy đủ.

Các đại biểu và khách mời đã nán lại sự kiện đến những phút cuối cùng để lắng nghe chia sẻ của các diễn giả, đại diện của Chính phủ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, PWC, ADB, Citibank Việt Nam và câu chuyện thành công của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam như Vietjet Air.

ceo vietjet khong phai cong nghe chinh uoc mo cua con nguoi lam thay doi the gioi

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (trái)

"Chúng tôi đã phải giữ bà Thảo phát biểu cuối cùng để giữ chân quý vị đến giờ này", ông Vũ Thành Tự Anh , Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright tại TP. Hồ Chí Minh, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, người điều phối diễn đàn lần này đã chia sẻ tại Hội nghị, sau khi chương trình kéo dài hơn dự kiến.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air ngày hôm nay mặc một chiếc áo dài màu xanh, tóc vấn cao, mở đầu bài phát biểu bằng giấc mơ bay của Vietjet. Bà đã nhắc đến sự đổi mới mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam, một chính phủ cam kết kiến tạo và hành động, đã góp phần thúc đẩy sự trỗi dậy thần kỳ của kinh tế Việt Nam màtheo học giả quốc tế mô tả là đang trở thành ngôi sao của các thị trường mới nổi bất chấp những thách thức, khó khăn tồn tại.

Chủ đề của Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay về cuộc cách mạng 4.0, và theo bà Thảo, Vietjet đã đi theo hướng ứng dụng công nghệ số hoá từ những ngày đầu. Người đứng đầu hãng hàng không Vietjet nhớ lại, chỉ cách đây 5-7 năm trước đây vé máy bay in bằng giấy, thanh toán bằng tiền mặt, check in thủ công, hóa đơn chứng từ cuối tháng.... Bây giờ chỉ cần một chiếc điện thoại smartphone là tất cả mọi người ở bất cứ đâu trên khắp vùng miền, trên thế giới đều có thể đặt vé, thanh toán, check in...

Ngay từ ngày đầu cất cánh, Vietjet đã tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ mới vào trong mọi hoạt động, từ thương mại, dịch vụ, an toàn khai thác, quản lý điều hành bay, quản lý kỹ thuật, quản lý tài chính... Hãng đầu tư đội bay hiện đại với xu hướng công nghệ mới nhất, đem đến trải nghiệm bay thoải mái và thú vị cho hành khách. Nhờ vậy, khách hàng còn có thể mua các dịch vụ cùng với vé máy bay, mua suất ăn, hành lý, đặt dịch vụ khách sạn, ô tô,.. "Và đấy chính là kết quả mà Vietjet chúng tôi đóng góp tích cực mang lại thay đổi dịch vụ hàng không, phương thức phục vụ trong một ngành đặc thù này". Bà Thảo tự hào chia sẻ, "tuần trước, Vietjet được tạp chí tài chính hàng không uy tín hàng đầu thế giới xếp trong danh sách top 50 hãng hàng không tốt nhất thế giới. Và rất tự hào là chúng tôi đứng ở vị trí thứ 22 chứ không phải 49 hay 50. Các tiêu chí đánh giá về mức độ hiện đại của đội máy bay, về những chuẩn mực vận hành, khai thác, các chỉ số về chất lượng tài chính, chất lượng bảng cân đối tài sản và các yếu tố khác".

Giấc mơ bay của Vietjet mang đến sự thay đổi không chỉ cho khách hàng Việt Nam, thị trường Việt Nam mà đã sải cánh ra thế giới, mang lại cơ hội cho nhiều khách hàng từ Đài Loan, Hàn Quốc, Myanmar... cũng là những người lần đầu tiên đi máy bay.

"Chúng tôi còn hướng tới những khách hàng không biết tiếng Anh, thậm chí không biết chữ, biết viết nhưng chỉ với công cụ là điện thoại smartphone và hướng dẫn đơn giản vẫn có thể bước chân ra khỏi làng quê của mình, thực hiện được các thủ tục và có chuyến bay tốt đẹp. Đó là sự kết nối của những quốc gia, những dân tộc khác nhau, những con người khác nhau bằng nỗ lực mang đến những thay đổi tích cực thông qua những hỗ trợ công nghệ để mang đến cho họ đời sống tốt đẹp hơn". Bằng những phương thức cụ thể và giản dị, Vietjet đã nỗ lực đi đầu trong xu thế số hoá cùng với cuộc cách mạng 4.0, theo bà Thảo, là yếu tố then chốt cho mục tiêu kết nối tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo.

Sự tham gia thị trường của Vietjet kích thích những thay đổi tích cực đối với thị trường hàng không, ngành Hàng không và giao thông năng động đổi mới, liên tục xây mới, mở rộng các sân bay, thay đổi phương thức quản lý, khởi động các dự án đào tạo, kỹ thuật, sản xuất linh kiện, thay đổi chính sách, luật pháp văn minh, tiến bộ và ngày một tiệm cận với thế giới phẳng, toàn cầu hoá.

Nhưng không phải mọi thứ đều bằng phẳng, là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng không, ngân hàng, bất động sản, bà Thảo nhận thức rõ vẫn còn có rất nhiều rào cản mà Vietjet phải nỗ lực và nhẫn nại để vượt qua. "Chúng tôi đã hết sức nỗ lực đểnhân viên của mình thực hiện 4 xin 4 luôn, tức là con người phải cám ơn, xin lỗi và tươi cười. Trong khi trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0 này thì trên thế giới rất nhiều sân bay đã không còn người phục vụ mà hoàn toàn tự động từ check-in cho tới cân hành lý, làm tất cả các thủ tục... Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng mình phải dạy cho máy sẽ biết cười".

Theo bà Thảo, Việt Nam có thuận lợi ở thị trường dân số đông, trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao. Tuy nhiên, vẫn còn thách thức có thể tiếp tục tới từ chính sách quản lý, hạ tầng viễn thông và internet cần phát triển kịp nhu cầu của nền kinh tế. Một thách thức quan trọng với doanh nghiệp và những người lãnh đạo là ở chính mình, doanh nghiệp và doanh nhân cần phải đổi mới dẫn đầu xu thế cách mạng 4.0 để tìm lấy những cơ hội cho doanh nghiệp của mình, tạo ra giá trị cho nền kinh tế.

Tuy vậy, doanh nhân nữ duy nhất được công nhận trong danh sách tỷ phú đôla của Forbes vẫn giữ niềm tin và lạc quan về triển vọng phía trước.

Vietjet đã dẫn đầu và tạo ra xu thế với cái nhìn toàn cầu, xây dựng công ty đa quốc gia, môi trường đa văn hóa với hơn 40 quốc tịch. Vietjet xây dựng và kết nối mạng bay toàn cầu thông qua hệ thống liên danh (interlines) với các hãng hàng không khác. "Chúng tôi cũng lựa chọn các đối tác của mình là các hãng hàng không hàng đầu trên thế giới ở khu vực Trung Đông, châu Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu... Làm sao để khách hàng thông qua hệ thống công nghệ đã được kết nối tự động và những chuẩn mực về khai thác, vận hành, an toàn, an ninh và dịch vụ đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế của các hãng hàng không lớn này thì khách hàng của chúng tôi có thể bay tới bất cứ quốc gia nào trên thế giới", bà Thảo chia sẻ.

Vietjet hướng tới xây dựng một hãng hàng không phục vụ mọi nhu cầu tiêu dùng của hành khách, kết hợp thương mại điện tử (e-commerce) và các hệ thống phân phối hàng tiêu dùng, logistics, mà theo bà Thảo, gọi đó là Consumer Airlines - hãng hàng không phục vụ mọi yêu cầu tiêu dùng của con người.

Khi được hỏi về lời khuyên gì cho các doanh nghiệp và doanh nhân khởi nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang tự gọi mình là quốc gia khởi nghiệp, bà Thảo cho rằng không phải công nghệ thay đổi thế giới mà chính ước mơ của con người đã thay đổi thế giới, công nghệ chỉ là công cụ, phương tiện và cuối cùng vẫn là sự sáng tạo từ chính ước mơ của con người.

"Thế nên, những doanh nghiệp khởi nghiệp đừng tiết kiệm ước mơ, chúng ta hãy mơ những giấc mơ to lớn và hãy biến ước mơ thành hiện thực bằng những hành động giản dị mỗi ngày tại doanh nghiệp, tổ chức của mình, mỗi ngày mỗi lúc.

Trong mỗi hành động, quyết sách của mình thì hãy mang vào đó yếu tố số hóa, tự động hóa, tinh thần của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để làm sao tăng năng suất lao động, để không làm mất đi công ăn việc làm mà tạo ra việc làm ở các lĩnh vực sáng tạo hơn, văn minh hơn, giảm bớt cho con người lao động, để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn, mang tới giá trị to lớn hơn cho mình, cho cộng đồng, xã hội", bà Thảo chia sẻ..

Theo bà Thảo, doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không đơn độc bởi chúng ta đang ở trong một quốc gia khởi nghiệp, chính phủ kiến tạo, cộng đồng ASEAN đang phát triển năng động nhất thế giới với sức mạnh của cách mạng 4.0.

Để kết thúc phần phát biểu của mình, bà Thảo đại diện cho các doanh nghiệp đang hoạt động của mình như Vietjet, HDB, HDSaison, Phú Long... mong muốn đóng góp thiết thực hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam, khu vực. "Chúng tôi cũng sẵn sàng đóng góp chủ động và tự nguyện cho các chương trình phát triển số hóa, công nghệ trong xu hướng Cách mạng Công nghệ 4.0 cùng các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi muốn đóng góp để phát triển cộng đồng doanh nghiệp".

Xem thêm

NA