|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

CEO G-Home: Tôi không tin gói 120.000 tỷ sẽ thành công

08:03 | 28/05/2024
Chia sẻ
Lãnh đạo G-Home cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ khó thành công. Nếu không có nguồn tiền hỗ trợ giảm lãi suất thì chính sách ưu đãi này không khác nhiều so với cho vay thương mại thông thường.

Báo cáo nhà ở và thị trường bất động sản quý I của Bộ Xây dựng cho biết, đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.  

Sau một năm triển khai, tính đến hết quý I/2024, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân khoảng 0,5%. Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện mới có thêm TP Bank, VPBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ khó thành công. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Theo lý giải từ Bộ Xây dựng, việc giải ngân gói 120.000 tỷ chậm là do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, nhiều địa phương đã có dự án tuy nhiên chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục đáp ứng điều kiện vay vốn; lãi suất gói 120.000 tỷ còn cao, thời gian cho vay ngắn hạn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp hoặc người dân vay vốn.

Liên quan đến tình trạng nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế, Bộ cho biết nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thiếu nguồn vốn ưu đãi, cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp và thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài...

Bàn luận tại talkshow mới đây, ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng Giám đốc CTCP G-Home thẳng thắn bày tỏ: "Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tôi không tin nó sẽ thành công.

Lý do bởi bản chất chính sách này khác với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ở giai đoạn trước. Gói 30.000 tỷ đồng giúp hỗ trợ lãi suất từ việc Ngân hàng Nhà nước rót vốn vào các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, gói 120.000 tỷ đồng là kêu gọi các ngân hàng giảm 1 - 2 % so với lãi vay thông thường".

Lãnh đạo G Home lo ngại, với tính chất kêu gọi này, nếu không may xảy ra nợ xấu, đâu sẽ là nguồn bù lỗ cho phía ngân hàng? Vấn đề quan trọng là làm sao để có nguồn tiền hỗ trợ lãi suất thì chính sách mới thành công, còn không chỉ là chính sách nằm trên giấy. Nếu không có nguồn tiền hỗ trợ giảm lãi suất, chính sách cho vay của gói tín dụng này không khác nhiều so với cho vay thương mại thông thường.

"Đừng nên đi kêu gọi lòng tốt của các ông chủ ngân hàng hay các chủ đầu tư. Thay vào đó, nên có giải pháp tài chính thật sự bền vững thì mới giúp thị trường phát triển lâu dài", ông Nam nói.

Ở cương vị chuyên gia, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam bổ sung góc nhìn rằng, trên thực tế, bản thân các ngân hàng thương mại chính là một doanh nghiệp độc lập. Do đó, họ cũng cần phải tìm ra lời giải cho bài toán lãi lỗ của riêng mình.

Nhà ở xã hội tại TP Hà Nội. (Ảnh: Di Anh).

Bài học từ thế giới

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đã có quỹ riêng cho hoạt động phát triển loại hình bất động sản này, đơn cử như Singapore. Theo đánh giá cá nhân của bà Dung, có thể nói đây là thị trường thành công nhất về mặt chính sách dành cho nhà ở xã hội.

Cụ thể, quốc gia này có quỹ Chiến lược Phòng xa (Central Provident Fund - CPF), được đóng góp từ thu nhập của người dân. Mỗi tháng đi làm, người lao động sẽ bỏ ra một phần lương để đóng vào quỹ này. Người đi làm đóng khoảng 20%, còn người thuê nhân sự đóng 17%, tức cả 2 bên cùng tham gia đóng.

Quỹ chỉ dành riêng cho hoạt động mua nhà. Để quỹ thành công, cần đến rất nhiều yếu tố từ phía Chính phủ cùng khung pháp lý nhằm điều tiết chính sách hợp lý.

Với quỹ này tại Singapore, các quy định được thiết lập vô cùng chặt chẽ. Đơn cử như việc phải là người có quốc tịch Singapore; chỉ được phép dùng số tiền trong quỹ mua tối đa 2 căn nhà (dù cũ hay mới); chỉ được mua loại hình nhà ở xây theo gói nhà ở xã hội.

Quy trình thực hiện cũng được quản lý sát sao. Nếu sau khi mua, người chủ bán lại căn hộ cho người khác với giá của một căn hộ thương mại thì có nghĩa là họ đã vi phạm luật. Có rất nhiều luật, chế tài liên quan để xử lý việc này.

"Tôi thấy việc áp dụng mô hình này rất ưu việt, song tiếc là trên thế giới, không có nhiều quốc gia thực sự thành công như Singapore hay Nhật Bản. Còn ở một số thị trường khác, có thể do quy mô quá lớn, số lượng người có nhu cầu mua cao, dẫn đến cho dù có chính sách, cơ chế và khung pháp lý thì vẫn chưa thể làm tốt", giám đốc CBRE nói.

Tại Pháp, ông Nam thông tin, Chính phủ nước này có khoản vay ưu đãi mua nhà ở xã hội là Prêt Logement Accession. Gói này cho phép người thu nhập thấp có thể vay với mức lãi suất khoảng 0,5 - 2%/năm. Thời hạn vay kéo dài 15 - 20 năm. Tùy từng trường hợp, mức lãi suất và thời hạn vay sẽ có sự thay đổi tương ứng. Quốc gia này hiện có khoảng 20% số dân đang sinh sống trong nhà ở xã hội. 

Di Anh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.