|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Người bán nhà xã hội sau 5 năm có thể không phải nộp tiền sử dụng đất

19:35 | 27/05/2024
Chia sẻ
Sau 5 năm, người bán căn hộ chung cư thuộc dự án nhà ở xã hội có thể không phải đóng 50% giá trị tiền sử dụng đất, theo dự thảo nghị định mới đang lấy ý kiến.

Dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội đưa ra một số quy định có lợi hơn với người mua, sử dụng loại nhà ở này sau khi hết hạn thuê, thuê mua từ Nhà nước.

Theo đó, người bán nhà xã hội (là căn nhà chung cư) sau 5 năm sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất. Còn chủ đầu tư bán lại loại nhà ở này sau 10 năm cho thuê, sẽ phải nộp tiền sử dụng đất.

Đây là điểm mới so với quy định đang áp dụng, là chủ đầu tư được miễn nộp tiền sử dụng đất nếu bán lại nhà ở xã hội sau 10 năm cho thuê. Với căn hộ chung cư, mức nộp là 50%, còn nhà ở riêng lẻ là 100% tiền sử dụng đất được phân bổ cho nhà ở đó.

Tại cuộc họp về dự thảo nghị định này do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hôm nay, các đại biểu đồng thuận với các sửa đổi này. Họ đánh giá đây là điểm thay đổi đột phá của Luật Nhà ở 2023 sửa đổi.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành rà soát và xem xét kỹ trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà riêng lẻ xây ở vùng sâu, vùng xa. Bởi khi đó, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ phải nộp tiền sử dụng đất, nếu quy định này được áp dụng. Việc xem xét này, theo ông, nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân ở vùng khó khăn.

Một khu nhà ở xã hội ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Trần

Dự thảo nghị định cũng đưa ra 3 phương thức bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án nhà thương mại. Theo đó, chủ đầu tư phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án cho nhà xã hội; bố trí quỹ đất thay thế hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư hạ tầng để xây nhà xã hội.

Theo dự thảo, trường hợp dự án quy mô dưới 2 ha tại đô thị đặc biệt và loại I, dưới 5 ha tại đô thị loại II và III, UBND cấp tỉnh quyết định việc chủ đầu tư nộp tiền vào ngân sách, thay cho việc dùng quỹ đất xây nhà ở xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng giới hạn quy mô dự án dưới 2 ha tại đô thị như trên chưa thuyết phục, do thiếu căn cứ pháp lý, thực tiễn. Theo ông, thực tế giai đoạn 2015-2021, nhiều khu đô thị, nhà ở thương mại quy mô lớn, lên đến hàng trăm ha "nhưng không thấy bóng dáng nhà ở xã hội", theo ông Châu.

Lý do, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng cao, gồm quỹ đất 20% cho nhà xã hội. Do đó, nếu chọn xây nhà xã hội trên quỹ đất này, chủ đầu tư sẽ phải tính thêm các chi phí trên vào giá bán. Ông Châu đề nghị bỏ giới hạn quy mô dự án được xét đóng tiền tương đương quỹ đất 20%.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị ghi rõ số tiền chủ đầu tư dự án nhà thương mại nộp vào ngân sách tương đương giá trị quỹ đất để xây nhà ở xã hội.

Tương tự, ông Phan Phong Phú, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiến nghị bổ sung nội dung khuyến khích chủ đầu tư nhà ở thương mại dành kinh phí đầu tư xây nhà xã hội tại quỹ đất được bố trí, thay vì nộp tiền vào ngân sách.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh "nhà ở xã hội là ưu tiên của ưu tiên trong phát triển nhà ở". Ông yêu cầu nghị định cần có thêm các chính sách mang tính dài hơi về quy hoạch, bố trí quỹ đất trong phát triển đô thị, nông thôn.

Bộ Xây dựng được giao bổ sung quy định chuyển đổi quỹ đất hoặc dự án nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội.

Ngọc Diễm