|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

CEO Bank of America cảnh báo Fed: Người tiêu dùng đang chống đỡ nền kinh tế, đừng đẩy họ đến chỗ kiệt sức

10:12 | 21/03/2024
Chia sẻ
Người tiêu dùng là lực lượng chủ chốt giúp nền kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái sau khi Fed tăng lãi suất. CEO Bank of America cảnh báo Fed không nên gây thêm gánh nặng cho người tiêu dùng vì sức mua của họ đang giảm sút.

Ông Brian Moynihan, CEO Bank of America. (Ảnh: Getty Images). 

Cần cẩn trọng

Người tiêu dùng Mỹ đã chứng tỏ rằng họ mạnh mẽ hơn những gì các chuyên gia tưởng. Đây rõ ràng là niềm vui bất ngờ đối với các nhà kinh tế, chính trị gia và Phố Wall. Tuy nhiên, người lãnh đạo ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ cảnh báo Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đừng đặt gánh nặng quá sức lên công chúng.

Cho đến nay, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu bất chấp sự kết hợp của lạm phát và lãi suất cao, giúp giảm bớt sự suy yếu của nền kinh tế. Nhưng CEO Brian Moynihan của Bank of America cảnh báo Chủ tịch Fed Jerome Powell đừng “đẩy các chính sách của ông đi quá xa” trong chiến dịch chống lạm phát.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 19/3, ông Moynihan nhắc lại quan điểm ông từng đưa ra trước đó là chi tiêu của người tiêu dùng “bền bỉ một cách đáng kinh ngạc” trong thời gian qua.

Ông nói: “Tại thời điểm này năm ngoái, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi dự kiến Mỹ sẽ suy thoái vào đầu năm nay. Nhưng đến những tháng tiếp theo thì họ bỏ đi phương án này và giờ dự đoán Mỹ sẽ tăng trưởng hơn 2% trong quý I/2024”.

Bank of America không phải tổ chức tài chính lớn duy nhất điều chỉnh dự báo theo hướng tích cực hơn. Trong tuần này, gã khổng lồ Vanguard - hiện quản lý hơn 8.000 tỷ USD tài sản - đã cập nhật dự báo triển vọng kinh tế và loại bỏ suy thoái khỏi kịch bản cơ sở.

Ông Joe Davis, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Vanguard, viết trong lưu ý rằng hãng tài chính này đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ từ 0,5% lên 2% và hạ ước tính tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm từ 4,8% xuống 4%.

Tuy nhiên, cũng giống như người đồng nghiệp Jamie Dimon ở JPMorgan, ông Moynihan không chỉ chú ý đến tin tốt. Ông nói tiếp: “Chúng ta đã đi từ dự báo tăng trưởng âm lên dương 2%... Nhưng đây không phải tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ mà cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc.

Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn rất bền bỉ, cung cấp cho nền kinh tế điểm tựa để chống lại sự suy giảm và cho Fed rất nhiều dư địa mà nhiều ngân hàng trung ương khác không có”.

Song, dù Fed có thể duy trì chính sách “kìm hãm” nền kinh tế, ông Moynihan cảnh báo Chủ tịch Powell và các đồng nghiệp cần phải “chú ý đến sự thay đổi”.

Ông nói tiếp: “Đến một lúc nào đó, người tiêu dùng sẽ yếu đi và chi tiêu chậm lại. Năm ngoái, chi tiêu tiêu dùng từng đạt tốc độ tăng trưởng 10%, sau đó tụt xuống 5% vào mùa thu và giờ chỉ còn 3% hoặc 4%”.

Xu hướng trên không chỉ xuất hiện trong dữ liệu của Bank of America. Cục Phân tích Kinh tế Mỹ nhận thấy vào tháng 1/2024, chi tiêu của người tiêu dùng — thể hiện qua chi tiêu tiêu dùng cá nhân — chỉ tăng 0,2% so với tháng liền kề.

Khi so sánh với cùng kỳ năm trước, xu hướng suy giảm càng trở nên rõ ràng. Tháng 1/2023, thước đo kể trên tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 1/2024, chi tiêu tiêu dùng cá nhân chỉ còn cao hơn 4,5% so với một năm trước đó.

 

“Ngưỡng đau đớn”

Các nhà kinh tế của Bank of America từ lâu đã cảnh báo về gánh nặng mà Fed có thể gây ra cho người tiêu dùng.

Từ tháng 3/2023, nhà kinh tế Aditya Bhave của ngân hàng này đã cảnh báo trong một báo cáo rằng người tiêu dùng sẽ bị đẩy đến giới hạn chịu đựng. Ông đưa ra dự báo chính xác về các đợt tăng lãi suất tiếp theo và thời điểm Fed ngừng tay.

Ông Bhave viết trong báo cáo đó: “Fed sẽ phải tiếp tục kéo lãi suất lên cao hơn nữa cho đến khi họ xác định được ngưỡng gây ra đau đớn cho nhu cầu tiêu dùng.

Tại thời điểm này, chúng tôi thấy có khả năng rất cao là Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 3 và 5. Chúng tôi cũng dự đoán Fed tung ra một đợt tăng lãi suất nữa vào tháng 6. Song, áp lực lạm phát kéo dài dai dằng do vấn đề từ phía cầu có thể sẽ buộc Fed tăng lãi suất lên gần mức 6%..”

Ông viết thêm: “Khả năng cao nhất là chi tiêu tiêu dùng sẽ duy trì được sức mạnh trong một khoảng thời gian dài, lạm phát đeo bám nền kinh tế lâu hơn, Fed cần tăng thêm lãi suất. Nhưng dù sao chăng nữa, bài học dành cho các nhà đầu tư là thuốc đắng mới giã được tật”.

Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào ngày 20/3, Fed giữ nguyên lãi suất trong khoảng 5,25 - 5,5%. Fed đã duy trì mức lãi suất này từ tháng 7/2023.

Giang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.