|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 9/6: Mỹ vượt mốc 2 triệu ca nhiễm, Brazil có số người chết cao nhất thế giới trong ngày, Việt Nam còn 16 ca đang điều trị

08:02 | 09/06/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có gần 7,2 triệu ca nhiễm, trong đó Mỹ chiếm hơn 2 triệu ca. Brazil và khu vực Mỹ Latinh vẫn là điểm nóng của đại dịch COVID-19, trong khi đó các quốc gia châu Âu tiếp tục thử nghiệm các bước nới lỏng hạn chế. Tại Việt Nam hiện chỉ còn 16 bệnh nhân đang điều trị, hơn 8.000 người cách li...

Việt Nam hiện có hơn 8.000 người cách li, chỉ còn 16/332 bệnh nhân đang điều trị

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 10/6

Bản tin lúc 6h ngày 9/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết sáng nay Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Như vậy, đã 54 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 mới ở cộng đồng. 

Lũy tiến đến sáng nay Việt Nam có tổng cộng 332 ca mắc COVID-19, trong đó có 192 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 9/6: Mỹ vượt mốc 2 triệu ca nhiễm, Brazil có số người chết cao nhất thế giới trong ngày, Việt Nam còn 16 ca đang điều trị - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe là 8.182 người, trong đó cách li tập trung tại bệnh viện là 141 người, cách li tập trung tại cơ sở khác 7.039 người, cách li tại nhà, nơi lưu trú là 948 người.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta đến thời điểm hiện tại là 316/332 bệnh nhân (chiếm 95,2% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.

Hiện còn 16 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, đa số có sức khỏe ổn định.

Tính đến sáng ngày 9/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 2 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 11 bệnh nhân dương tính với COVID-19

Liên quan đến bệnh nhân 91, nam phi công người Anh đã điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM  và hiện là Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị cho biết, hiện nay đang được hãng bảo hiểm xem xét hồ sơ.

Sau 5 ngày ngừng ECMO, hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ tay 4/5, sức cơ chân 2/5 (trước đó sức cơ tay là 3/5 và sức cơ chân là 1/5). Đặc biệt, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, thực hiện y lệnh của nhân viên y tế, đung đưa cả hai chân. Đồng thời, nam bệnh nhân đã tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh.

Thế giới có gần 7,2 triệu ca nhiễm, trong đó Mỹ chiếm hơn 2 triệu ca; Mỹ Latinh vẫn là điểm nóng của đại dịch

Trên toàn cầu, tính đến 7h sáng nay 9/6, toàn thế giới có tổng cộng 7.189.803 ca nhiễm, trong đó có 408.240 ca tử vong và 3.530.751 bệnh nhân đã bình phục.

Hiện tính trong 24 giờ qua, Brazil có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 813 ca. Theo sau Brazil là Mỹ với 586 ca tử vong trong 24 giờ.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 9/6: Mỹ vượt mốc 2 triệu ca nhiễm, Brazil có số người chết cao nhất thế giới trong ngày, Việt Nam còn 16 ca đang điều trị - Ảnh 2.

Brazil có số ca tử vong mới cao nhất thế giới trong vòng 24 giờ qua với 813 ca. Ảnh minh họa: AFP.

Về số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, Mỹ đang đứng đầu thế giới với 18.979 ca, nâng tổng số ca mắc lũy tiến tại nước này lên 2.026.428 ca. Brazil có số ca nhiễm mới trong ngày sát nút Mỹ với 18.925 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đến nay lên 710.887 ca.

Peru, Chile và Mexico vẫn là những điểm nóng ở Mỹ Latin với số ca mắc COVID-19 khá cao trong ngày. 

Peru có 3.181 ca mắc mới và 106 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 ở nước này lên 199.696 và 5.571 ca.

Chile trong vòng 24 giờ qua có thêm 4.696 ca mắc mới và 74 ca tử vong mới, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lũy tiến đến nay lên lần lượt là 138.846 ca và 2.264 ca.

Tại Mexico, tính đến 7h sáng nay nước này ghi nhận tổng cộng 117.103 ca mắc và 13.699 ca tử vong vì dịch COVID-19, tăng thêm 3.484 ca mắc và 188 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.

Đến nay cả 3 quốc gia Nam Mỹ này đều đã vượt Trung Quốc về tổng số ca mắc COVID-19, đồng thời nằm trong 15 nước có nhiều ca mắc nhất thế giới.

Trong khi đó, tại Châu Âu, các quốc gia trong khu vực này tiếp tục thử nghiệm các bước nới lỏng hạn chế ngay cả khi số ca mắc bệnh trên toàn cầu tăng vượt mốc 7 triệu người.

Trong ngày 8/6, Anh triển khai chương trình cách li bắt buộc trong 14 ngày với tất cả du khách, bao gồm cả các công dân Anh, tới quốc gia này. 

Biện pháp này nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ ngành hàng không vốn đang "nóng lòng" chờ đón nhu cầu đi lại phục hồi. Các hãng hàng không như British Airways, EasyJet và Ryanair cho rằng biện pháp này có thể ảnh hưởng tới ngành du lịch và khiến thêm nhiều người mất việc làm.

Tại Bỉ, các quán rượu và nhà hàng đã mở cửa nhưng với điều kiện phải đảm bảo các biện pháp giãn cách xã hội trong khi Ireland đã cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại, mọi ngươi có thể tụ tập và đi lại nhưng trong những giới hạn nhất định.

Cùng ngày, giới chức quản lí y tế Liên minh châu Âu (EU) cho biết, sẽ đẩy nhanh quá trình cấp phép cho thuốc kháng virus Remdesivir, của công ty Gilead Sciences Inc (Mỹ), như một loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19 tại châu Âu.

Ngày 8/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia tiếp tục nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19, khẳng định dịch bệnh đang diễn biến xấu đi trên toàn cầu và vẫn chưa đạt đỉnh tại Trung Mỹ.

Trả lời họp báo trực tuyến, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Đại dịch đã trải qua hơn 6 tháng, hiện không phải thời điểm để bất kỳ nước nào lơ là trong cuộc chiến chống COVID-19".

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho biết, số ca mắc bệnh tại các quốc gia Trung Mỹ vẫn đang trên đà gia tăng. 

Theo ông, đây là thời điểm đáng quan ngại, đồng thời ông kêu gọi chính phủ các nước lãnh đạo một cách vững vàng cũng như quốc tế hỗ trợ cho khu vực. Ông Ryan nói rằng, giờ đây cần tập trung vào việc ngăn chặn một đợt đỉnh dịch COVID-19 thứ hai.

Khánh Hà