Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 10/6: Mỹ và Brazil lại có số người chết tăng vọt, Việt Nam có hơn 9.000 người đang cách li
Việt Nam có hơn 9.000 người đang cách li, bệnh nhân phi công người Anh chuyển biến đáng kinh ngạc, có thể bấm bàn phím
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 11/6
Bản tin lúc 6h ngày 10/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết sáng nay Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Tính dến nay đã 55 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng.
Lũy tiến đến nay Việt Nam có tổng cộng 332 ca mắc COVID-19, trong đó có 192 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe là 9.136 người, trong đó cách li tập trung tại bệnh viện 151 người, cách li tập trung tại cơ sở khác 8.087 người, cách li tại nhà, nơi lưu trú 902 người.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này Việt Nam đã chữa khỏi 317/332 bệnh nhân (chiếm 95,2% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.
Hiện còn 15 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, đa số có sức khỏe ổn định.
Tính đến sáng ngày 10/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 3 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 11 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Liên quan đến bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin từ bệnh viện này cho biết sức khỏe bệnh nhân 91 (phi công người Anh) tiếp tục có thêm những chuyển biến tích cực, đáng kinh ngạc.
Bệnh nhân tỉnh tiếp xúc tốt, vận động cải thiện nhiều, tay có thể thực hiện được các động tác tinh tế như bấm bàn phím, chân còn yếu.
Về phổi thì đã phục hồi dần, chỉ cần oxy nồng độ thấp, cơ hô hấp còn yếu, đang được tập cai máy thở dần. Bệnh nhân sau thời gian chướng bụng đã có thể ăn lại qua đường tiêu hóa và chức năng thận đã phục hồi.
Trước đó, tối muộn ngày 8/6, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh thông báo bệnh nhân phi công người Anh có thể ngồi dậy được, tự viết vào bảng và bấm điều chỉnh được độ cao của giường bệnh.
"Khi xem những hình ảnh về sự phục hồi của bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy gửi ra, không chỉ cá nhân ông mà các thầy, các chuyên gia trong hội đồng chuyên môn và Tiểu ban Điều trị đều ngỡ ngàng, không thể tin bệnh nhân có thể tiến triển nhanh đến vậy.
Đây là kết quả của sự phối hợp, sự tư vấn, trao đổi chuyên môn trong điều trị của Hội đồng chuyên môn, của Tiểu ban Điều trị; đồng thời là sự nỗ lực, cố gắng và tận tuỵ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM trước đó và tiếp theo là Bệnh viện Chợ Rẫy", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Mỹ và Brazil có số người chết tăng vọt, khu vực Mỹ Latin có nguy cơ phải hứng chịu một đợt bùng phát mới của dịch COVID-19
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 7h sáng nay 10/6, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 7.316.820 trường hợp, trong đó 413.625 ca tử vong, 3.602.502 bệnh nhân đã bình phục. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Ổ dịch lớn nhất thế giới - Mỹ, ghi nhận thêm 17.176 ca mắc và 1.059 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 1.986.646 trường hợp và tổng số ca tử vong lên 114.114 trường hợp.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở Nam Bán cầu, và là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận thêm 28.616 ca mắc mới và 1.094 ca tử vong mới, nâng tổng số lên 739.503 ca bệnh và 38.406 ca tử vong.
Ngày 9/6, Tòa án Tối cao Liên bang (STF) của Brazil đã ra phán quyến bắt buộc Bộ Y tế nước này phải nối lại việc công bố hàng ngày toàn bộ số liệu liên quan tới đại dịch COVID-19 sau khi nhận được yêu cầu xem xét từ một số đảng phái đối lập liên quan tới những thay đổi về cách thống kê và công bố số lượng ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 mà Chính phủ Brazil áp dụng từ hôm 4/6.
Trước những chỉ trích gay gắt của dư luận trong nước trong những ngày qua liên quan tới việc thông tin về tình hình dịch bệnh, Chính phủ Brazil đã buộc phải quay trở lại cách công bố số liệu dịch bệnh như trước đây, trong đó bao gồm việc thông tin tổng số lượng ca nhiễm bệnh, số ca nhiễm mới và công bố vào "giờ vàng" buối tối.
Tại Peru, ngày 9/6, Bộ Y tế thông báo số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 203.736 người, trong đó có 5.738 ca tử vong, tăng tương ứng 4.040 ca bệnh và 167 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.
Hiện Peru đang xếp thứ 8 thế giới và đứng thứ hai tại Mỹ Latin về số ca nhiễm bệnh COVID-19 do chủng mới của virus corona gây ra.
Chính phủ Peru đang nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 với việc tuyên bố kéo dài lệnh giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc tới ngày 30/6 và gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế đến ngày 7/9 để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch.
Ngày 9/6, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne bày tỏ lo ngại về việc gia tăng các ca nhiễm mới COVID-19 tại một số khu vực ở Mỹ Latin.
Theo bà Etienne, số lượng ca nhiễm mới đã tăng mạnh tại các quốc gia như Mexico, Panama, Costa Rica, Brazil, Peru, Chile, Venezuela, Haiti và Suriname. Bà này cũng cảnh báo, nếu không có cơ chế hợp tác hiệu quả thì Mỹ Latin có nguy cơ phải hứng chịu một đợt bùng phát mới của COVID-19.
Giám đốc PAHO kiến nghị các nước tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, giám sát và cách li các bệnh nhân được xác định nhiễm bệnh để ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng cho tới khi giới chuyên môn tìm ra được loại vắc xin hoặc phương pháp điều trị hiệu quả COVID-19.
Tại Châu Âu, Anh ghi nhận thêm 1.741 ca mắc và 286 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 9/6. Như vậy, tổng số ca mắc tại nước này hiện tại là 289.140 trường hợp, trong đó có 40.883 ca tử vong. Anh vẫn là nước có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất châu Âu.
Nga ghi nhận thêm 8.595 ca mắc và 171 ca tử vong do dịch COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 485.253 trường hợp, trong đó 6.142 trường hợp tử vong.
Tây Ban Nha ghi nhận tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) hiện tại là 289.046 ca, trong đó có 27.136 ca tử vong vì dịch bệnh.
Ổ dịch lớn nhất châu Á, Ấn Độ, ghi nhận thêm 10.218 ca mắc và 277 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 của Ấn Độ là 276.146, trong đó có 7.750 ca tử vong.
Ấn Độ ngày 9/6 đã cho mở cửa nơi thờ cúng, nhà hàng và trung tâm mua sắm dù số ca Covid-19 vẫn tăng và chuyên gia cảnh báo dịch chưa đạt đỉnh.
Việc dỡ phong tỏa ở đất nước 1,3 tỉ dân này bắt đầu từ ngày 8/6. Dù phong tỏa có tác dụng làm chậm lây lan dịch COVID-19, nhưng nó cũng tác động nghiêm trọng lên đời sống của người nghèo Ấn Độ, đặc biệt là hàng chục triệu lao động nhập cư.
Tuy nhiên, các chuyên gia bày tỏ nhiều lo ngại khi Ấn Độ dỡ phong tỏa vào thời điểm này, khi 50% tổng số ca bệnh được ghi nhận trong hai tuần qua.