|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 5/6: Brazil vẫn căng mình chống dịch với số ca tử vong hơn 1.300 trong 24 giờ, Peru kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế

08:02 | 05/06/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trên toàn cầu là 6.692.686 ca, trong đó có 392.286 người thiệt mạng, 3.242.111 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Brazil vẫn căng mình chống dịch với số ca nhiễm mới và tử vong mới trong 24 giờ qua cao nhất thế giới...

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 6/6

Bản tin lúc 6h ngày 5/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sáng nay Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Đến nay đã 50 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng. 

Lũy tiến đến nay, Việt Nam có tổng cộng 328 người mắc COVID-19, trong đó có 188 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 5/6: Brazil vẫn căng mình chống dịch với số ca tử vong hơn 1.300 trong 24 giờ, Peru kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế  - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe là 8.143 người, trong đó cách li tập trung tại bệnh viện là 83 người, cách li tập trung tại cơ sở khác 6.964 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 1.096 người. 

Tiểu ban Điều trị cho biết, đến thời điểm này Việt Nam đã chữa khỏi 302/328 ca bệnh COVID-19 (Chiếm 92,1% tổng số ca bệnh), hiện chỉ còn 26 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, đa số đều có sức khoẻ ổn định.

Tính đến sáng ngày 5/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 7 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 7 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.

Về diễn biến sức khoẻ của nam phi công người Anh - bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị cho biết, hiện tại bệnh nhân tỉnh, có phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ tăng. Đến nay phổi của bệnh nhân đã phục hồi gần 60%.

Sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 2/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; chức năng thận đã dần hồi phục. Bệnh nhân đã ngưng sử dụng ECMO sáng ngày 3/6. Đến nay sau 24h ngừng sử dụng ECMO, bệnh nhân vẫn ổn định.

Kết quả chụp XQ phổi của bệnh nhân có nhiều cải thiện. Vùng sáng (thông khí) cải thiện nhiều, đặc biệt phổi trái. Đến nay tỷ lệ thông khí 2 phổi đã lên đến khoảng 58%. Kết quả CT-ngực và bụng sáng ngày 04/6: Nhìn chung các tổn thương bình thường. Bệnh nhân hiện đang thở máy áp lực. Tuy có những diễn biến tiến triển, nhưng hiện nam phi công vẫn ở trong tình trạng nặng.

Trong những ngày tới, nam phi công sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới. 

Song song đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lí trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp; dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục.

Tại buổi hội chẩn trực tuyến quốc gia của Tiểu ban Điều trị và Hội đồng Chuyên môn (Bộ Y tế) cùng các chuyên gia hồi sức, tim mạch lồng ngực, truyền nhiễm, hô hấp, ngoại khoa... về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân 91, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Tiểu ban Điều trị đề nghị tổ điều trị cho bệnh nhân tiếp tục theo dõi điều trị về nội khoa; đảm bảo về mặt dinh dưỡng, chỉ số miễn dịch và tình trạng nhiễm trùng. 

Bên cạnh điều trị nội khoa để bệnh nhân ngày càng tốt hơn thì cần phải chuẩn bị sẵn điều kiện về ngoại khoa (nhóm ghép phổi) để có thể sẵn sàng tiến hành khi đủ điều kiện. Hết sức cố gắng trong điều trị để làm sao cho phổi bệnh nhân tăng tiếp diện tích thông khí.

Thế giới có gần 6,7 triệu người mắc, Brazil vẫn căng mình chống dịch với số ca mắc mới và tử vong trong 24 giờ cao nhất toàn cầu

Trên thế giới, theo số liệu thống kê của trang Worldometers, cập nhật đến 7h sáng nay 5/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trên toàn cầu là 6.692.686 ca, trong đó có 392.286 người thiệt mạng, 3.242.111 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi có tới 1.923.636 người mắc bệnh, trong đó có 110.171 người tử vong. Cả hai số liệu người mắc bệnh và người tử vong tính đến nay đều cao nhất thế giới. 

Một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Mỹ công bố tuần này nhận định rằng nền kinh tế của Mỹ có thể sẽ mất gần một thập kỉ để phục hồi hoàn toàn sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. CBO dự báo đại dịch này có thể khiến sản lượng kinh tế của Mỹ thiệt hại khoảng 8 nghìn tỉ USD trong thập kỉ này, giảm khoảng 3% so với những dự báo trước khi dịch bệnh bùng phát.

Nếu tính về số ca mắc mới và tử vong mới trong 24 giờ qua thì hiện Brazil đang đứng đầu thế giới, vượt cả Mỹ. Trong 24h qua, Brazil có thêm 28.882 ca nhiễm mới và 1.337 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số người mắc và thiệt mạng vì COVID-19 tại nước này lên lần lượt là 612.862 và 32.602 ca. 

Không chỉ ở Brazil, nhiều nước khác tại Mỹ Latinh đang trở thành các tâm dịch lớn của thế giới.

Tại Peru, tính tới thời điểm sáng nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 183.198 ca mắc, trong đó có 5.031 trường hợp tử vong, tăng lần lượt là 4.284 ca nhiễm và 137 ca tử vong trong 24 giờ qua. 

Peru hiện xếp thứ 9 toàn cầu về số ca nhiễm COVID-19. Ngày 4/6, Chính phủ nước này đã tuyên bố kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 5/6: Brazil vẫn căng mình chống dịch với số ca tử vong hơn 1.300 trong 24 giờ, Peru kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế  - Ảnh 2.

Người dân đeo khẩu trang đi bộ tại quảng trường Trocadero gần tháp Eiffel, Pháp. Ảnh: Reuters.

Tại Châu Âu, ngày 4/6, Pháp tuyên bố sẽ không tổ chức lễ duyệt binh trong Ngày Quốc khánh (14/7) do các qui định giãn cách xã hội, thay vào đó sẽ tổ chức một buổi lễ tri ân các nhân viên y tế đang gồng mình với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Tại Tây Ban Nha, ngày 4/6, Bộ trưởng Du lịch Reyes Maroto thông báo sẽ mở lại biên giới trên bộ với Pháp và Bồ Đào Nha vào ngày 22/6 tới sau 3 tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Đồng thời, những người nhập cảnh sẽ không còn phải cách li bắt buộc 14 ngày. 

Tại Nga, trung tâm ứng phó dịch COVID-19 của Nga ngày 4/6 thông báo có 8.831 ca nhiễm mới tỏng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 441.108 người. Số ca tử vong mới trong 24 giờ qua là 169 ca, nâng tổng số người tử vong trên cả nước lên 5.384 người.

Ngày 4/6, một máy bay quân sự của Mỹ vận chuyển 150 máy thở hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã đáp xuống thủ đô Moskva của Nga. Đây là chuyến hàng máy thở thứ hai mà Mỹ viện trợ để giúp Nga đối phó với dịch COVID-19 sau khi 50 máy thở đầu tiên được chuyển tới cách đây hai tuần.


Khánh Hà