Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 4/6: Toàn thế giới có hơn 6,5 triệu người mắc, dịch vẫn 'bùng nổ' ở Brazil, VN 49 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 5/6
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 7h sáng nay 4/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trên toàn cầu là 6.566.476 ca, trong đó có 387.878 người thiệt mạng, 3.164.253 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam 49 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng
Tại Việt Nam, bản tin lúc 6h sáng nay 4/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sáng nay Việt Nam không ghi nhân ca mắc mới.
Như vậy, đến nay đã 49 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng. Hiện chỉ còn 18 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Lũy tiến đến nay, Việt Nam có tổng cộng 328 người mắc COVID-19, trong đó có 188 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe hiện là 7.256, trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện 23 người, cách li tập trung tại cơ sở khác 6.301 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú 932 người.
Theo thông tin từ Tiểu Ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, đến thời điểm này số ca khỏi bệnh tại Việt Nam đã là 293/328 bệnh nhân COVID-19 - chiếm tổng số 89% ca bệnh COVID-19 ở nước ta.
35 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định.
Tính đến sáng ngày 4/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 7 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 12 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.
Về công tác điều trị, Tiểu Ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, hiện nay bệnh nhân 91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 1/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; Mạch: 89 lần/phút; huyết áp: 132/57 mmHg; chức năng thận đã dần hồi phục. Bệnh nhân đã ngưng sử dụng ECMO sáng ngày 3/6. Bệnh nhân đã có thể cầm cốc uống nước.
Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Phó trưởng Tiểu Ban điều trị phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định: Mặc dù đã được ngưng sử dụng ECMO, nhưng tình trạng của BN91 vẫn còn nặng, cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc. Bệnh nhân còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động và các chức năng khác
Trong những ngày tới, nam phi công sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới.
Song song đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lí trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp; dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục.
Tình hình dịch vẫn đang "bùng nổ" tại Brazil
Trên thế giới, trong 24h qua Mỹ có thêm 19.898 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lũy tiến tới sáng nay lên 1.901.103 ca, trong đó có 109.119 trường hợp tử vong và 684.745 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, Brazil tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao nhất thế giới, với 20.745 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc lên 577.413 ca, cao thứ 2 sau Mỹ, trong đó có 32.117 người tử vong, cao thứ 4 sau Mỹ, Anh, Italy và 266.132 trường hợp bình phục.
Ở Châu Âu, tại Anh, phát biểu trước Hạ viện chiều 3/6, Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cho biết, nước này sẽ áp dụng lệnh cách li 14 ngày đối với người nhập cảnh, bắt đầu từ 8/6. Theo đó, hầu hết người nhập cảnh vào Anh sẽ phải khai báo địa chỉ liên lạc và nơi sẽ thực hiện tự cách li 14 ngày.
Mức phạt cho những người vi phạm qui định là 1.000 Bảng (tương đương 29 triệu đồng) hoặc sẽ bị truy tố. Đối với người nước ngoài, nếu không tuân thủ có thể sẽ bị từ chối cho nhập cảnh, hoặc bị trục xuất khỏi Anh nếu không tuân thủ lệnh cách li theo đúng qui định.
Giới chức Hà Lan cho biết, nước này cùng Pháp, Đức, Italy đã thành lập một liên minh để thúc đẩy nỗ lực sản xuất vắc-xin "trên đất châu Âu" nhằm ngăn ngừa SARS-CoV-2.
Bộ Y tế Hà Lan nhấn mạnh, 4 nền kinh tế lớn nhất châu lục "đang hợp lực" nghiên cứu các sáng kiến phát triển vaccine đầy triển vọng cũng như đang thảo luận với các công ty dược phẩm nhằm đảm bảo có đủ vaccine cho Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác", đặc biệt là các nước thu nhập thấp hơn tại châu Phi.
Mục tiêu của "Liên minh vắc-xin" này là cho phép sản xuất vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 ở bất kỳ nơi nào có thể tại châu Âu. Việc hợp tác 4 nước cùng với các công ty then chốt trong ngành dược phẩm được kì vọng sẽ có thể giúp gặt hái những kết quả tốt nhất và nhanh nhất từ những sáng chế vắc-xin đầy tiềm năng.