|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 3/12: Dịch bệnh nhiều nước có dấu hiệu trầm trọng

07:52 | 03/12/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 3/12, thế giới đã vượt 64 triệu ca nhiễm. Việt Nam không có thêm ca mắc trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (2/12) có thêm 7 ca nhiễm, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.358 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 15.503.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/11: Trung Quốc tạm ngừng nhập cảnh với một số nước - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.201/1.358 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 5 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 10 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 64,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,49 triệu người tử vong và 44,9 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69%). 

Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 14,29 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 184.553 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.657 ca, nâng tổng số lên 279.694. Tổng số người phục hồi là hơn 8,44 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 59%). 

Số ca mắc COVID-19 mới, tử vong và nhập viện trên toàn nước Mỹ đang tăng cao vượt tầm kiểm soát khiến các bệnh viện trở nên quá tải. 

Giới chức Mỹ cho biết đã có kế hoạch phân phối 6,4 triệu liều vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech ngay trong tuần đầu tiên sau khi vắc xin này được cấp phép sử dụng khẩn cấp, theo AFP.

Cơ quan Quản lí thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ họp vào ngày 10/12 để quyết định xem có "bật đèn xanh" cho loại vắc xin có hiệu quả 95% này hay không.

Khoảng 40 triệu liều vắc xin sẽ có sẵn vào cuối tháng 12. Con số này bao gồm cả loại vắc xin có hiệu quả 94,1% được phát triển bởi Moderna, sẽ được FDA xét duyệt vào ngày 17/12. 64 khu vực pháp lí trên khắp nước Mỹ, gồm 50 tiểu bang, vùng lãnh thổ như thủ đô Washington, Puerto Rico và lãnh địa thổ dân đều sẽ được nhận lượng vắc xin tương ứng với qui mô dân số mỗi địa phương.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 9,53 triệu ca nhiễm và 138.628 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 31.585 và 469 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 94% với tổng 8,96 triệu người đã khỏi bệnh. 

Các trường hợp nhiễm COVID-19 và tử vong trong thời gian gần đây ở Ấn Độ có giảm nhẹ nhưng vẫn đang ở mức cao.

Một người đàn ông Ấn Độ 40 tuổi đã găp các triệu chứng về thần kinh và tâm lí nghiêm trọng tiêm vắc xin COVID-19 thử nghiệm của hãng dược AstraZeneca. Sự việc hiện đang được điều tra. Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ cho biết kế hoạch triển khai vắc xin COVID-19 trong vài tháng đầu năm 2021 sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố này, theo Times of India.

Bên cạnh đó, giới chức Ấn Độ khẳng định có thể chỉ cần tiêm chủng cho một phần lớn người dân và ngăn chặn sự lây truyền của virus, thì nước này sẽ không phải tiêm chủng cho toàn bộ dân số.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 48.124 và 669 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 6,43 triệu và 174.531 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,69 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 88%. 

Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil tăng mạnh trở lại. Giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Eduardo Pazuello cho biết lô vắc xin đầu tiên của AstraZeneca sẽ đến Brazil từ tháng 1-2 năm sau với khoảng 15 triệu liều, và 100 triệu liều sẽ đến tay khách hàng vào nửa đầu năm 2021. Tiếp đó, nước này sẽ có thể sản xuất thêm 160 triệu liều sau khi chuyển giao công nghệ, theo Reuters.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 25.345 ca mắc và con số cao kỉ lục 589 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 2,34 triệu trường hợp, trong đó 41.053 trường hợp tử vong, và hơn 1,83 triệu người hồi phục (đạt 78%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần.  

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 1/12: Thủ đô Nhât Bản ghi nhận ca nhiễm tháng cao kỉ lục - Ảnh 2.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Moskva News Agency).

Giới chức Nga thông báo sẽ tiêm vắc xin hàng loạt cho người dân từ cuối tuần sau với các bác sĩ và giáo viên là những đối tượng ưu tiên. Khoảng 2 triệu liều vắc xin Sputnik V đang được sản xuất và sẽ có trong những ngày tới.

St.Petersburg thắt chặt các hạn chế phòng dịch trong bối cảnh kì nghỉ Tết dương lịch sắp tới, theo The Moscow Times.

Anh hôm qua đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp thuận sử dụng vắc xin của Pfize/BioNTech và cho biết loại vắc xin này sẽ được phân phối khắp cả nước từ đầu tuần tới.

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này có giảm nhưng vẫn đang ở mức cao. Về số ca tử vong theo ngày, các số liệu vẫn đang có xu hướng tăng.

Tại Đức, chính phủ liên bang và chính quyền 16 bang nước này đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa từng phần hiện nay đến ngày 10/1/2021 trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao, số ca tử vong tiếp tục tăng dù đã tái áp đặt các biện pháp phong tỏa từng phần từ đầu tháng 11, theo TTXVN.

Thủ tướng Merkel thừa nhận Đức vẫn còn khoảng cách "rất xa" so với mức tỉ lệ lây nhiễm mà chính phủ nước này đặt mục tiêu.

Bà Merkel cũng cho biết nếu được cấp phép lưu hành, khoảng 70 triệu liều vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech có thể sẽ được phân phối tại Đức vào đầu năm 2021, nhưng nhấn mạnh liều lượng trên trước mắt sẽ không thể đủ để tiêm phòng cho hơn 80 triệu người dân Đức.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 9 ca nhiễm mới, trong đó có 2 trường hợp nội địa ở khu tự trị Nội Mông, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.551 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.649 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Thành phố Manzhouli, thuộc khu tự trị Nội Mông, đã báo cáo 8 kết quả dương tính trong đợt xét nghiệm COVID-19 thứ hai, diễn ra từ 27-29/11 cho 203.378 cư dân.

Các biện pháp nghiêm ngặt hơn đã được đưa ra tại thành phố này, bao gồm cả truy vết rộng rãi để ngăn chặn sự lây lan thêm.

Manzhouli, cảng đường sắt lớn nhất ở biên giới Trung Quốc-Nga, đã kiểm tra nghiêm ngặt các lái xe Nga và giảm số lượng công nhân Trung Quốc tại các bãi vận chuyển hàng hóa, đồng thời tăng cường các biện pháp khử trùng để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh nhập khẩu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 511 ca mắc mới, với 493 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 35.163 ca, trong đó có 526 trường hợp tử vong và 28.065 người đã hồi phục (88,6%). Ca nhiễm mới đã tăng trở lại vượt mức 500 ca sau 3 ngày giảm nhẹ, 

Các nhà chức trách cho biết các biện pháp giãn cách xã hội sẽ nhanh chóng được tăng cường nếu cần, trong bối cảnh ca bệnh có thể gia tăng trong mùa đông, đồng thời kêu gọi mọi người tránh các hoạt động không thiết yếu ở bên ngoài khi hàng trăm nghìn sinh viên sẽ tham gia kì thi tuyển sinh đại học vào hôm nay. 

Hàn Quốc có thể báo cáo từ 700 - 1.000 trường hợp nhiễm bệnh/ngày trong một hoặc hai tuần tới trừ khi tốc độ lây nhiễm hiện tại được kiềm chế.

Như Ý

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.