|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 29/1: Thế giới trải qua tuần tang thương nhất vì đại dịch

07:32 | 29/01/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 ngày 29/1 có những tin đáng chú ý như vắc xin Pfizer/BioNTech có hiệu quả với các biến thể virus mới từ Anh và Nam Phi, Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca bệnh, dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (29/1) có thêm 9 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Ninh.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 786 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 647 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 21.345.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.430 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 14 ca; số ca âm tính lần hai là 10 ca, số ca âm tính lần ba là 12 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 101,98 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,19 triệu người tử vong và 73,81 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 72%).

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Dịch COVID-19 đang ngày càng trở nên tồi tệ trên thế giới trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh tại nhiều quốc gia. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét khả năng đóng cửa biên giới.

AFP đưa tin thế giới vừa trải qua tuần được coi là tang thương nhất vì COVID-19 khi ghi nhận 101.366 ca tử vong từ ngày 20 - 26/1. Các ca nhiễm và nhập viện vì COVID-19 cũng tăng mạnh ở các nước EU.

Hiện 35 quốc gia châu Âu đã triển khai chương trình tiêm phòng COVID-19 với 25 triệu người đã được tiêm chủng. Các vắc xin được sử dụng đều cho thấy độ an toàn và hiệu quả như kỳ vọng, theo The Guardian.

TTXVN đưa tin hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hôm qua thông báo loại vắc xin COVID-19 của công ty phát triển có hiệu quả với các biến thể virus từ Anh và Nam Phi.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 26,31 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 145.173 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.460 ca, nâng tổng số lên 443.298. Tổng số người phục hồi là hơn 16,04 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 60%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ vẫn ở mức cao.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,72 triệu ca nhiễm và 154.047 ca tử vong, tăng lần lượt 18.940 và 162 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,39 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 60.301 và 1.439 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 9,06 triệu và 221.676 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,92 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 86%. Nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch thứ hai nghiêm trọng nhất.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 19.138 ca mắc và 575 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,79 triệu trường hợp, trong đó 71.651 trường hợp tử vong, và hơn 3,22 triệu người hồi phục (đạt 84%). Số ca nhiễm mới tại Nga có xu hướng giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn duy trì ở mức cao.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 29/1: Thế giới trải qua tuần tang thương nhất vì đại dịch - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: TASS).

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 54 ca nhiễm mới, trong đó có 41 ca nội địa (28 trường hợp ở tỉnh Hắc Long Giang, 9 ở tỉnh Cát Lâm, ba ở tỉnh Hà Bắc, một ở tỉnh Thiểm Tây), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.326 ca nhiễm, trong đó có 4,636 ca tử vong và 82.870 (92%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Tính tới 26/1, tổng cộng 22,77 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được đưa vào sử dụng tại Trung Quốc.

Theo các nhà phát triển vắc xin trong nước và các chuyên gia khác, vắc xin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất đang đáp ứng tốt nhiều tiêu chí về hiệu quả của vắc xin.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 497 ca mắc mới, với 479 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 76.926 ca, trong đó có 1.386 trường hợp tử vong, và 66.016 người đã hồi phục (83%).

Các ca nhiễm mới trong một ngày qua của Hàn Quốc ở mức khoảng 500 trường hợp ngày thứ hai liên tiếp do các cụm dịch tại các cơ sở giáo dục tôn giáo, theo Yonhap.

Giới chức y tế đã công bố kế hoạch tiêm chủng COVID-19, theo đó các nhân viên y tế tuyến đầu của nước này là đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin từ tháng tới.

Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Trước đó, ngày 14/1, vắc xin của Pfizer/BioNTech cũng đã được nước này phê duyệt.

Hiện Phillipines đang đàm phán với ít nhất 7 nhà sản xuất vắc xin để mua khoảng 148 triệu liều vắc xin trong năm nay, và đặt mục tiêu tiêm phòng cho 50 - 70 triệu dân (hơn 60% dân số) trong năm 2021 để đạt miễn dịch cộng đồng. Tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn đang phức tạp, theo Straits Times.

Tại thủ đô Viêng Chăn, Lào, đợt tiêm chủng với 2.000 liều vắc xin của Sinopharm (Trung Quốc) cho các đối tượng ưu tiên đã được tiến hành, theo TTXVN.

Trước đó, nước này đã có 298 người được tiêm vắc xin COVID-19, trong đó có 173 người được tiêm nhắc lại mũi thứ hai, tất cả đều không có tác dụng phụ. 

Lào dự kiến tiêm chủng cho 1,5 triệu dân (22% dân số) trong năm 2021, và khoảng 70% dân số đến năm 2023. Nước này cũng vừa nhận lô vắc xin Sputnik V đầu tiên trong tổng số hai triệu liều đã thỏa thuận với Nga vào tuần trước. Bên cạnh đó, khoảng 1,4 triệu liều vắc xin được tài trợ từ sáng kiến COVAX sẽ được chuyển đến từ tháng 4 tới. 

Như Ý

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.