|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 27/1: WHO cảnh báo đại dịch sẽ không kết thúc trong năm nay

09:11 | 27/01/2021
Chia sẻ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 25/1 cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể tiếp tục lây lan ngay cả sau khi thế giới triển khai tiêm chủng quy mô lớn, và không nên trông chờ loại bỏ được virus SARS-CoV-2 trong năm nay.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (26/1) có thêm hai ca nhiễm mới là người nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.551 trường hợp. Như vậy, Việt Nam đã trải qua 56 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 21.994.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.430/1.551 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 14 ca; số ca âm tính lần hai là 10 ca, số ca âm tính lần ba là 12 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 100,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,16 triệu người tử vong và 72,81 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%).

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 25/1 cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể tiếp tục lây lan ngay cả sau khi thế giới triển khai tiêm chủng quy mô lớn, và không nên trông chờ loại bỏ được virus SARS-CoV-2 trong năm nay.

New York Times đưa tin các loại vắc xin của Moderna và Pfizer/BioNTech được cho là hiệu quả với biến thể virus SARS-CoV-2 mới ở Anh và Nam Phi. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ của hai loại vắc xin trước biến thể ở Nam Phi có phần kém hơn do biến chủng này có thể lẩn tránh kháng thể trong máu.

Moderna hôm 25/1 tuyên bố bắt đầu phát triển một phiên bản vắc xin mới có thể được sử dụng như một mũi tiêm tăng cường chống lại biến thể tại Nam Phi. Về phía BioNTech, công ty có thể phát triển một phiên bản vắc xin điều chỉnh trong 6 tuần.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 25,99 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 134.353 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.556 ca, nâng tổng số lên 434.948. Tổng số người phục hồi là hơn 15,34 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 60%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ vẫn ở mức cao.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,68 triệu ca nhiễm và 153.724 ca tử vong, tăng lần lượt 11.558 và 100 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,35 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 63.626 và 1.206 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 8,93 triệu và 218.918 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,79 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 86%. Nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch thứ hai nghiêm trọng nhất.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 18.241 ca mắc và 564 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,75 triệu trường hợp, trong đó 70.482 trường hợp tử vong, và hơn 3,17 triệu người hồi phục (đạt 84%). Số ca nhiễm mới tại Nga có xu hướng giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn duy trì ở mức cao.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 26/1: Thế giới đạt 100 triệu ca nhiễm - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Moskva News Agency).

Việc sản xuất hàng loạt loại vắc xin COVID-19 thứ hai của Nga mang tên EpiVacCorona sẽ bắt đầu vào tháng tới và loại vắc xin thứ ba hiện đang được đăng ký, theo The Moscow Times.

Iran hôm qua đã phê duyệt vắc xin Sputnik V của nước này để sử dụng trong nước. Nga sẽ cung cấp vắc xin Sputnik V cho Malaysia. 

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 82 ca nhiễm mới, trong đó có 69 ca nội địa (53 trường hợp ở tỉnh Hắc Long Giang, 7 ở tỉnh Cát Lâm, 5 ở tỉnh Hà Bắc, hai ở thành phố Bắc Kinh, hai ở Thượng Hải), và có thêm một ca tử vong nào do COVID-19.

Thượng Hải vẫn đang truy tìm nguồn gốc của làn sóng lây nhiễm mới trong thành phố. Trung Quốc đã tăng cường các hạn chế phòng dịch như giảm các cuộc tụ tập đông người trong đợt Tết Nguyên đán sắp tới.

Trung Quốc thông báo việc nâng cấp vắc xin để ứng phó với biến thể virus mới có thể hoàn tất trong khoảng hai tháng, theo Global Times.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.197 ca nhiễm, trong đó có 4,636 ca tử vong và 82.676 (92%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 354 ca mắc mới, với 338 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 75.875 ca, trong đó có 1.371 trường hợp tử vong, và 64.793 người đã hồi phục (83%).

Các ca nhiễm mới trong một ngày qua của Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mức 400 trường hợp, theo Yonhap.

Philippines, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Á, đã xác nhận tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng biến thể virus mới mang tên B117 từ Anh với tổng số 17 ca bệnh nhiễm B117 trong cả nước. 

Như Ý

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.