|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 11/12: Dịch bệnh tại nhiều nước diễn biến phức tạp

09:28 | 11/12/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 11/12, thế giới đã vượt 69 triệu ca nhiễm. Vắc xin COVID-19 Việt Nam chỉ cần bảo quản trong tủ lạnh. Nga tiêm chủng toàn quốc từ cuối tuần này. Saudi Arabia cấp phép cho vắc xin của Pfizer/BioNTech.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (10/12) có thêm 4 ca mắc là người nhập cảnh. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.385 trường hợp.  

Vắc xin COVID-19 có tên Nanocovax do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen sản xuất đã hoàn thiện qui trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm. Giá của loại vắc xin này dự kiến là khoảng 120.000 đồng/liều. 

Ngoài tiêm, Nanocovax cũng có thể dùng dưới dạng xịt mũi sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi, người có bệnh nền, và trên 70 tuổi...

Điểm mạnh của vắc xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ C), trong khi vắc xin của một số hãng trên thế giới phải bảo quản đến nhiệt độ -75 độ C, gây khó khăn trong việc vận chuyển.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 20.743.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/11: Trung Quốc tạm ngừng nhập cảnh với một số nước - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.225/1.385 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 10 ca; số ca âm tính lần hai với SARS-CoV-2 là 9 ca, số ca âm tính lần ba là 4 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 70,67 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,58 triệu người tử vong và 49,11 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69%). 

Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

Tình hình dịch bệnh tại nhiều nước châu Âu tiếp tục nghiêm trọng dù đã tăng cường các biện pháp phòng dịch như Pháp, Đức, Ukraina... 

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 16,01 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 195.151 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.785 ca, nâng tổng số lên 299.504. Tổng số người phục hồi là hơn 9,31 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 58%). Tình hình dịch bệnh tại Mỹ tiếp tục nghiêm trọng khi số ca mắc mới và tử vong cao vượt tầm kiểm soát.

Tổng thống đắc cử Mỹ Biden hôm 8/12 hứa sẽ cung cấp 100 triệu liều vắc xin trong 100 ngày đầu ông nhậm chức, và tuyên bố sẽ đưa ra qui định đeo khẩu trang, đồng thời nỗ lực đưa học sinh trở lại trường học an toàn.

Số trường hợp tử vong trung bình tháng do đại dịch được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong tháng 12 và tháng 1/2021, sau đó sẽ giảm xuống. Trước tình hình này, các bang khắp nước Mỹ đã ra lệnh hạn chế hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 9,79 triệu ca nhiễm và 142.222 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 34.666 và 487 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 94% với tổng 9,29 triệu người đã khỏi bệnh. 

Các ca bệnh đang hoạt dộng liên tục giảm từ tháng 9. Chuyên gia nước này cho biết tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ đã ổn định, theo Times of India.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 53.425 và 769 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 6,78 triệu và 179.801 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,93 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 87%. 

Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil đang có xu hướng tăng trở lại. Giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Cơ quan giám sát dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) thông báo sẽ cho phép sử dụng khẩn cấp bất kì loại vắc xin COVID-19 nào nếu các nhà sản xuất vắc xin yêu cầu.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 27.927 ca mắc và 562 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 2,56 triệu trường hợp, trong đó 45.280 trường hợp tử vong, và hơn 2,03 triệu người hồi phục (đạt 78%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Nga đang tăng dần.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 10/12: Ca nhiễm mới tại Mỹ, Hàn Quốc tăng vọt - Ảnh 2.

Hình minh hoạ. (Ảnh: AFP).

Tất cả các khu vực của Nga sẽ bắt đầu tiêm phòng COVID-19 đại trà vào cuối tuần này. Các đảng viên Đảng Cộng sản Nga đã phát tờ rơi chống tiêm chủng ở Moscow. Các tờ rơi gọi việc tiêm chủng COVID-19 là "sự tái sinh của chủ nghĩa phát xít" và là vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo The Moscow Times.

Giới chức Belarus đã ra lệnh cấm xuất cảnh khỏi nước này đối với công dân Belarus và người thường trú trong bối cảnh ngày càng có nhiều ca nhiễm. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 20/12 và không áp dụng đối với hành khách sử dụng phương tiện hàng không.

Thụy Điển, quốc gia kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp phòng dịch khác thay vì phong tỏa như nhiều nước láng giềng châu Âu, đang chứng kiến số ca nhiễm hàng ngày gia tăng. Tuần trước, nước này đã ra lệnh đóng cửa các trường cấp ba trong một tháng, theo Business Insider.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới, trong đó có 1 trường hợp bản địa ở khu tự trị Nội Mông, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.673 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.754 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Tứ Xuyên dự kiến triển khai tiêm vắc xin COVID-19 theo 3 nhóm: nhóm nguy cơ cao, nhóm nguy cấp và nhóm người khác. Việc tiêm chủng cho nhóm dân có nguy cơ cao dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, với hơn hai triệu người. Nhóm thứ ba sẽ được tiêm sau Tết, từ ngày 11-17/2.

Nước này tuyên bố sẽ có khoảng 600 triệu liều vắc xin COVID-19 sẵn sàng được đưa ra thị trường trong năm nay, các vắc xin đang thử nghiệm ở giai đoạn cuối, theo South China Morning Post.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 682 ca mắc mới, với 646 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 40.098 ca, trong đó có 564 trường hợp tử vong và 30.637 người đã hồi phục (76%). 

Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc đã đạt gần 700 ca ngày thứ hai liên tiếp do sự lây nhiễm trong cộng đồng tăng vọt ở điểm nóng Seoul và các khu vực lân cận. Trong bối cảnh này, năng lực khử trùng và hệ thống y tế Hàn Quốc có nguy cơ đạt đến giới hạn, các bệnh viện ở Seoul, tỉnh Gyeonggi và Incheon đang bị thiếu giường bệnh.

Bộ Y tế nước này cho biết đã bảo đảm quyền tiếp cận sớm vắc xin COVID-19 do 4 công ty dược phẩm gồm AstraZeneca Inc., Pfizer, Johnson & Johnson's Janssen và Moderna phát triển cho 34 triệu người. Bộ cũng đã kí một thỏa thuận mua vắc xin cho 1 triệu người với AstraZeneca.

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo xác nhận thêm 602 ca nhiễm mới, mức tăng ca cao kỉ lục kể từ khi đại dịch bùng phát tại Nhật Bản. 

Tokyo vẫn duy trì cảnh báo dịch COVID-19 ở mức cao nhất khi số ca bệnh hàng ngày tiếp tục tăng cao. Theo đó, các cửa hàng ăn uống phục vụ rượu, bia, karaoke… chỉ được mở cửa đến 22h, áp dụng đến ngày 17/12.

Nhiều chuyên gia đã khuyến nghị chính phủ nước này thu hẹp qui mô chương trình kích cầu du lịch "Go To Travel" và kêu gọi người dân cân nhắc việc di chuyển trong thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn quyết tâm thực hiện chiến dịch này khi quyết định gia hạn triển khai đến tháng 6/2021, theo TTXVN.

Saudi Arabia đã cấp phép cho vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech, theo SPA.

Nước này cho hay sẽ phân tích các mẫu vắc xin trước khi đưa vào lưu hành để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng. Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày tại Saudi Arabia giảm liên tục từ giữa tháng 7.

Như Ý