Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 5/3: Hàn Quốc có thêm ba ca tử vong sau khi tiêm vắc xin
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Xem thêm: Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 6/3
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (5/3) không ghi nhận ca mắc COVID-19. Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.572 ca do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 879 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 49.565.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 1.920 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 65 ca; số ca âm tính lần hai là 57 ca, số ca âm tính lần ba là 137 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 116,2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,58 triệu người tử vong và 91,87 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 79%).
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua cho biết số ca nhiễm nCoV mới tại châu Âu đã tăng trở lại sau 6 tuần giảm liên tục, với hơn một nửa khu vực tại ổ dịch châu Âu đều chứng kiến sự gia tăng, theo AFP.
Cụ thể, Trung Âu và Đông Âu đều ghi nhận đà tăng mới, trong khi nhiều nước Tây Âu vốn có tỷ lệ lây nhiễm cao cũng đang chứng kiến xu hướng này. WHO khuyến cáo các nước cần quay lại thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản và mở rộng đối tượng tiêm chủng.
Cho đến nay, 45/53 quốc gia châu Âu đã triển khai tiêm chủng Covid-19 với 2,6% dân số châu Âu đã được tiêm đủ hai liều, 5,4% người dân nhận được một liều.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 29,51 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 62.620 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.745 ca, nâng tổng số lên 533.388. Tổng số người phục hồi là hơn 20,07 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 66%).
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ đang có xu hướng giảm trong gần hai tháng qua, nhưng các con số vẫn ở mức cao.
Reuters đưa tin, hai bang Texas và Mississippi đã gỡ quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nhấn mạnh "giờ không phải là lúc để nới lỏng tất cả các hạn chế.".
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,17 triệu ca nhiễm và 157.584 ca tử vong, tăng lần lượt 16.819 và 113 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,83 triệu người đã khỏi bệnh.
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Ấn Độ đang tăng dần trở lại sau hơn 4 tháng giảm liên tục, hầu hết do các ca bệnh đến từ bang Maharashtra và Kerala.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 74.285 và 1.786 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 10,79 triệu và 261.188 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 9,63 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.
Tình hình dịch tại Brazil đang trở nên tồi tệ chưa từng thấy khi số người chết trung bình trong tuần qua vì COVID-19 là khoảng 1.208 người/ngày, mức kỷ lục mới.
Theo TTXVN, hôm qua, chính quyền thành phố Rio de Janeiro - một trong hai vùng đô thị lớn nhất Brazil - đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm và một số hạn chế nghiêm ngặt khác đối với các hoạt động kinh doanh và sự kiện công cộng.
Trong khi đó, bang Sao Paulo cũng phải tuyên bố quay trở lại "giai đoạn đỏ" với việc chỉ cho phép các dịch vụ y tế, lương thực, vận tải công cộng và trường học mở cửa. Tất cả các trung tâm thương mại, nhà hàng và các khu vui chơi giải trí phải đóng cửa trong hai tuần.
Ngoài ra, một số địa phương khác như thủ đô Brasilia, các bang Mato Grosso, Pernambuco, Rondonia và Acre cũng buộc phải hạn chế hoặc giới hạn thời gian hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngoại trừ các dịch vụ cơ bản.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 11.385 ca mắc và 475 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,29 triệu trường hợp, trong đó 87.823 trường hợp tử vong, và hơn 3,86 triệu người hồi phục (đạt 90%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Hơn hai triệu người Nga đã được tiêm cả hai liều vắc xin COVID-19, hai triệu người khác đã được tiêm liều đầu tiên. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hôm thứ Năm cho biết họ đã bắt đầu "đánh giá tổng hợp" vắc xin Sputnik V của Nga, theo The Moscow Times.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) cho biết Lào đã cho phép sử dụng vắc xin Sputnik V của Nga trong trường hợp khẩn cấp, trở thành quốc gia thứ 44 trên thế giới đăng ký vắc xin này.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 17 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.943 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.130 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 424 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 91.240 ca, trong đó có 1.619 trường hợp tử vong, và 82.162 người đã hồi phục (90%). Ca nhiễm mới tại nước này ở mức 400 trong ngày thứ hai liên tiếp.
Kể từ khi nước này phát động chiến dịch tiêm chủng hàng loạt bằng vắc xin của AstraZeneca và Pfizer vào thứ sáu tuần trước, đã có tổng cộng 718 trường hợp gặp phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin được báo cáo, với 709 trường hợp chỉ bị các triệu chứng nhẹ như đau đầu; 7 trường hợp nghi ngờ phản ứng phản vệ.
Hôm qua, nước này có thêm ba người tử vong sau khi chủng ngừa và cuộc điều tra dịch tễ đang được tiến hành.
Tuy nhiên, các cơ quan y tế cho biết hiện chưa tìm ra mối liên quan giữa việc tiêm chủng và những sự cố bất lợi trên, và khuyến nghị người dân không nên quá lo sợ về việc tiêm vắc xin COVID-19, theo Yonhap.
Về phương pháp điều trị, KDCA cho biết thuốc Veklury, trước đây được gọi là Remdesivir, được phát triển bởi Gilead Sciences, đã được sử dụng cho 4.843 bệnh nhân tại đây tính đến ngày 27/2. Regkirona, thuốc điều trị COVID-19 "cây nhà lá vườn" từ công ty dược phẩm Celltrion, đã được cung cấp cho 251 bệnh nhân tính đến thứ tư.