Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 27/2: Ca nhiễm mới toàn cầu tăng trở lại trong tuần qua, đặc biệt tại châu Âu
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (27/2) không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.524 ca do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 831 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 76.495.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 1.839 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 45 ca; số ca âm tính lần hai là 60 ca, số ca âm tính lần ba là 72 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 113,96 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,52 triệu người tử vong và 89,52 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 78%). Số ca nhiễm mới và tử vong vì đại dịch trên thế giới giảm liên tục trong nhiều tuần.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Theo AFP, số ca bệnh mới trung bình hàng ngày trên toàn cầu tăng 6% trong tuần qua, sau nhiều tuần liên tiếp giảm.
Châu Phi là châu lục duy nhất ghi nhận sự suy giảm, với số ca mắc mới giảm 14%. Tất cả khu vực khác đều tăng với châu Âu tăng nhiều nhất (10%).
Estonia là nước ghi nhận mức tăng lớn nhất (82%) trong số những nước báo cáo hơn 1.000 ca một ngày. Hungary theo sau với 69% (2.900 ca); Jordan 59% (3.400 ca), Serbia 59% (3.000 ca) và Ecuador 48% (1.600 ca).
Bồ Đào Nha là nước ghi nhận mức giảm lớn nhất (38%) trong tuần thứ ba liên tiếp nhờ việc phong tỏa từ hôm 15/1. Xếp sau Bồ Đào Nha là Tây Ban Nha với mức giảm 27%, tiếp đến là Nam Phi (25%), Israel (22%) và Nhật Bản (22%).
Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong tuần qua với trung bình 73.700 ca bệnh mới/ngày, tăng 1%. Tiếp theo là Brazil với 51.400 ca, tăng 14%, Pháp (21.500 ca, tăng 16%) và Italy (14.700 ca, tăng 26%).
Tính theo bình quân đầu người, Cộng hòa Séc là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm cao nhất, với 700 ca trên 100.000 người.
Mỹ cũng ghi nhận số trường hợp tử vong cao nhất trong tuần qua, với trung bình 2.156 người/ngày, theo sau là Brazil (1.149 người), Mexico (798 người), Nga (421 người) và Anh (383 người).
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 29,12 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 69.395 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.831 ca, nâng tổng số lên 522.667. Tổng số người phục hồi là hơn 19,52 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 66%).
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ đang có xu hướng giảm trong hơn một tháng qua.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 25/2 đã phê duyệt vắc xin COVID-19 của Pfizer có thể được bảo quản ở nhiệt độ thường trong tủ đông dược phẩm hai tuần (khoảng - 20 độ C), thay vì từ -80 đến -60 độ C, giúp giảm gánh nặng hậu cần, theo AFP.
FDA đã bỏ phiếu ủng hộ phê duyệt khẩn cấp vắc xin một liều của Johnson & Johnson, nhiều khả năng vắc xin này sẽ được cấp phép trong hôm nay và bắt đầu phân phối trong vài ngày tới.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,07 triệu ca nhiễm và 156.970 ca tử vong, tăng lần lượt 16.056 (cao nhất trong tháng 2) và 109 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,76 triệu người đã khỏi bệnh.
Các ca nhiễm mới tại đây có sự tăng nhẹ do các ca bệnh đến từ bang Maharashtra, Kerala, Chhattisgarh, Punjab và Madhya Pradesh.
Các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo rằng Ấn Độ có thể đang ở bên bờ vực của đợt đại dịch COVID-19 thứ hai khi nhiều người dân không thực hiện các quy định phòng dịch, theo Mint.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 61.744 và 1.174 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 10,45 triệu và 252.835 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 9,35 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.
Số ca bệnh mới hàng ngày dao động thất thường nhưng nhìn chung, nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch tồi tệ nhất. Số người tử vong vì đại dịch cũng duy trì ở mức cao.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 11.086 ca mắc và 428 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,22 triệu trường hợp, trong đó 85.304 trường hợp tử vong, và hơn 3,78 triệu người hồi phục (đạt 89%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Khoảng 4 triệu người Nga đã được tiêm vắc xin COVID-19 tính đến ngày hôm qua.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 6 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 11 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.877 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.997 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung Quốc đã cấp phép sử dụng rộng rãi thêm hai vắc xin COVID-19 của công ty CanSino Biologics và công ty con của Sinopharm tại Vũ Hán.
Cụ thể đó là vắc xin một liều Convidecia do hãng dược CanSino Biologics và Học viện Khoa học Quân y phối hợp phát triển và vắc xin bất hoạt do công ty con của hãng được Sinopharm tại Vũ Hán sản xuất, bổ sung thêm vào loại vắc xin do chi nhánh của công ty ở Bắc Kinh phát triển và cũng được cấp phép sử dụng rộng rãi trước đó.
Ngoài ba loại vắc xin trên, Trung Quốc trước đó đã cấp phép sử dụng cho vắc xin COVID-19 do Sinovac Biotech sản xuất, theo SCMP.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Zhao Lijian ngày 25/2 cho biết hàng chục quốc gia đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 của Trung Quốc và nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy việc phân phối vắc xin công bằng trên toàn cầu.
Mông Cổ, Ai Cập, Thái Lan, Singapore, Cộng hòa Dominica và Bolivia là những nước mới nhất nhận được viện trợ và nhập khẩu vắc xin từ Trung Quốc.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 406 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 88.922 ca, trong đó có 1.585 trường hợp tử vong, và 79.880 người đã hồi phục (89%).
Hàn Quốc đã bắt đầu chương trình tiêm chủng hàng loạt từ hôm qua và mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 11, theo Yonhap.
Nhật Bản hôm qua thông báo dự kiến sẽ chấm dứt sớm tình trạng khẩn cấp ở khoảng 6 tỉnh vào ngày 28/2 thay vì 7/3 theo kế hoạch trước đó, khi tốc độ lây nhiễm tại nước này đã chậm lại, theo Japan Times.
Hiện Nhật Bản đang áp dụng biện pháp này tại 10 khu vực, các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa từ 20h.