|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 25/2: Các nước giàu tích trữ thừa hơn một tỷ liều vắc xin

08:27 | 25/02/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 hôm nay 25/2 có những tin đáng chú ý như Mỹ có thể có đợt bùng phát dịch thứ tư vì biến thể nCoV, nước này thông báo vắc xin Johnson & Johnson hiệu quả và an toàn, Đức phê duyệt kit xét nghiệm COVID-19 sử dụng tại gia.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (25/2) không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.513 ca do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 820 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 88.583.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 1.804 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 62 ca; số ca âm tính lần hai là 57 ca, số ca âm tính lần ba là 77 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 113,08 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,5 triệu người tử vong và 88,69 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 78%). 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 23/2 cho biết số người chết do đại dịch đã giảm liên tục trong ba tuần, trong khi số ca nhiễm mới trên toàn thế giới cũng giảm liên tiếp trong 6 tuần.

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

Các nước đang gấp rút triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19, song nỗ lực này vấp phải nhiều khó khăn về nguồn cung. Tổ chức phi lợi nhuận chống đói nghèo ONE Campaign hôm 19/2 cho biết các thành viên G7 cùng các nước khác của EU và Australia đã mua vượt gần 1,25 tỷ liều vắc xin họ cần, khiến các nước nghèo phải chật vật tìm mua vắc xin, theo Guardian.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 28,96 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 67.980 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.256 ca, nâng tổng số lên 517.289. Tổng số người phục hồi là hơn 19,31 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 66%). 

Các bang khắp Mỹ đang báo cáo xu hướng tích cực về đại dịch. Tuy nhiên, số người không qua khỏi vì COVID-19 mỗi ngày vẫn ở mức cao.

CNN đưa tin, các chuyên gia cảnh báo biến chủng nCoV từ Anh có thể làm gia tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ, tạo ra đợt bùng phát thứ tư vào mùa xuân này, đặc biệt là vào tháng 4 và 5.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ hôm 24/2 công bố tài liệu cho thấy vắc xin Johnson & Johnson hiệu quả và an toàn trong các cuộc thử nghiệm. FDA dự kiến họp vào 26/2 để quyết định về việc phê duyệt khẩn cấp loại vắc xin một liều có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh này của Johnson & Johnson.

Qua thử nghiệm toàn cầu với gần 44.000 người, tháng trước, hãng sản xuất cho biết vắc xin có hiệu quả 66% trong việc ngăn ngừa nhiều biến thể nCoV, theo Reuters.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,04 triệu ca nhiễm và 156.742 ca tử vong, tăng lần lượt 17.106 và 144 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,73 triệu người đã khỏi bệnh. 

Các ca nhiễm mới tại đây có sự tăng nhẹ do các ca bệnh đến từ bang Maharashtra, Kerala, Chhattisgarh, Punjab và Madhya Pradesh, theo Times of India.

New Delhi ngày 24/2 thông báo mở rộng chương trình tiêm chủng COVID-19 song cảnh báo rằng việc vi phạm các quy định phòng dịch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lây nhiễm ở nhiều bang.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 65.387 và 1.433 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 10,32 triệu và 250.079 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 9,28 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%. 

Số ca bệnh mới hàng ngày dao động thất thường nhưng nhìn chung, nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch tồi tệ nhất. Số người tử vong vì đại dịch cũng duy trì ở mức cao.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 11.749 ca mắc và 383 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,2 triệu trường hợp, trong đó 84.430 trường hợp tử vong, và hơn 3,75 triệu người hồi phục (đạt 89%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 25/2: Các nước giàu tích trữ thừa hơn một tỷ liều vắc xin - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: TASS).

Ai Cập đã cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Sputnik V của Nga. Gruzia sẽ mở cửa đón khách du lịch Nga từ ngày 1/3. Tất cả khách du lịch đến Gruzia sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng.

Reuters cho biết Đức đã phê duyệt ba kit xét nghiệm COVID-19 để sử dụng tại gia, và sẽ tiếp tục cấp phép thêm các kit xét nghiệm tại gia vào tuần tới, nhằm nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Chính phủ dự tính chi phí mỗi tháng là 985 triệu USD cho 30 - 45 triệu kit xét nghiệm.

Áo cũng sẽ cung cấp miễn phí kit xét nghiệm tại gia cho người dân từ tuần tới. Trong khi tại Anh, các tình nguyện viên và cảnh sát đã đi phát kit xét nghiệm COVID-19.

Tỷ lệ lây nhiễm ở Đức đã giảm đều trong những tuần đầu năm nhưng đã chững lại trong những ngày gần đây, khiến các quy định phòng dịch khó có thể được nới lỏng khi hết hạn vào ngày 7/3.

Tiệm làm tóc đã được hoạt động từ ngày 1/3 trong khi các dịch vụ khác và cửa hàng bán lẻ phải đợi đến ít nhất ngày 7/3. 

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 9 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.864 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.858 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Chương trình tiêm chủng đã được triển khai cho người dân trên khắp thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, sau khi các nhóm ưu tiên như công nhân xử lý các sản phẩm dây chuyền lạnh nhập khẩu hoàn thành việc tiêm chủng hai liều.

Thành viên nhóm nghiên cứu của WHO hôm 22/2 tiếp tục khẳng định SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc là điều "cực kỳ khó xảy ra".

Nước này đang xuất khẩu vắc xin COVID-19 sang 27 quốc gia, trong đó có Serbia, Hungary, Peru, Chile, Mexico, Colombia, Maroc, Senegal, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ và cung cấp viện trợ vắc xin miễn phí cho 53 nước có nhu cầu như Pakistan, Campuchia, Lào, Guinea Xích đạo, Zimbabwe, Mông Cổ và Belarus, hầu hết các quốc gia được đề cập là các nước đang phát triển.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên cam kết biến vắc xin trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu và cho biết thêm họ sẽ tiếp tục thực hiện hợp tác vắc xin với tất cả các bên trong khả năng của mình.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 357 ca mắc mới, với 330 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 87.681 ca, trong đó có 1.573 trường hợp tử vong, và 78.394 người đã hồi phục (89%). 

Các ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mức 400 trong ngày thứ hai liên tiếp, do ít xét nghiệm hơn vào cuối tuần, nhưng các nhà chức trách đang cảnh giác trước tỷ lệ lây nhiễm và số bệnh nhân nhiễm các biến thể đang gia tăng, theo Yonhap.

Các giáo viên và cán bộ nhà trường được khuyến cáo thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch khi học kỳ mới sắp bắt đầu vào tuần tới.

Như Ý

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.