|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 21/2: Nga phê chuẩn vắc xin thứ ba, có hiệu quả với mọi biến thể

09:29 | 21/02/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 hôm nay 21/2 có những tin đáng chú ý như Campuchia phát hiện cụm dịch người Trung Quốc, hơn 200 triệu liều vắc xin được tiêm trên toàn cầu, hầu hết ở các nước thu nhập cao và trên trung bình.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 22/2

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (21/2) không có ca mắc mới COVID-19.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 2.368 ca bệnh COVID-19, trong đó có 1.469 ca do lây nhiễm trong nước.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 123.942.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 21/2: Nga phê chuẩn vắc xin thứ ba có hiệu quả với mọi biến thể - Ảnh 1.

Tình hình các trường hợp cách ly tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 1.627 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 69 ca; số ca âm tính lần hai là 39 ca, số ca âm tính lần ba là 55 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 111,63 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,47 triệu người tử vong và 86,8 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 73%). Ca bệnh mới trên toàn cầu đang giảm dần.

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Theo AFP, tính đến 10h ngày 20/2, hơn 201 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm trên khắp thế giới với ít nhất 107 quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số trên chưa bao gồm số liệu mới nhất từ Trung Quốc và Nga, hai nước đã ngừng công khai tiến độ tiêm chủng trong những ngày gần đây.

Trong đó, 92% số liều vắc xin ở những nước mà Ngân hàng Thế giới (WB) phân loại là thu nhập cao và thu nhập trên trung bình.

Khoảng 45% số liều vắc xin được tiêm tại các nước thuộc khối G7. G7 hôm 19/2 cam kết sẽ chia sẻ vắc xin với những quốc gia kém phát triển hơn một cách công bằng hơn khi có kế hoạch tăng gấp đôi tổng số hỗ trợ lên mức 7,5 tỷ USD cho nỗ lực tiêm chủng COVID-19 toàn cầu.

Israel bỏ xa các nước khác trên thế giới với gần 1/2 dân số đã được tiêm ít nhất một liều và 1/3 dân số đã tiêm đủ hai liều. Một số quốc gia khác có hơn 10% dân số đã tiêm ít nhất một liều gồm Anh (25%), Bahrain (16%), Mỹ (13%), Chile (12%), Cộng hòa Seychelles ở Đông Phi (43%) và Maldives (12%).

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 28,67 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 62.368 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.738 ca, nâng tổng số lên 509.707. Tổng số người phục hồi là hơn 18,88 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 66%). Số ca nhiễm mới tại Mỹ giảm mạnh trong thời gian qua.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,99 triệu ca nhiễm và 156.339 ca tử vong, tăng lần lượt 14.315 và 99 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,68 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 57.455 và 1.022 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 10,13 triệu và 245.977 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 9,06 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%. 

Số ca bệnh mới hàng ngày dao động thất thường nhưng nhìn chung, nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch tồi tệ nhất.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 12.953 ca mắc và 480 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,15 triệu trường hợp, trong đó 82.876 trường hợp tử vong, và hơn 3,69 triệu người hồi phục (đạt 89%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 21/2: Nga phê chuẩn vắc xin thứ ba có hiệu quả với mọi biến thể - Ảnh 2.

Hình minh hoạ. (Ảnh: TASS).

Vắc xin COVID-19 thứ ba của nước này mang tên CoviVac đã đăng ký, dự kiến 120.000 liều sẽ được phân phối đến người dân Nga vào tháng 3, theo The Moscow Times.

Không giống như vắc xin Sputnik V có cơ chế sử dụng virus vô hại đưa protein của SARS-CoV-2 vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng miễn dịch, CoviVac là loại vắc xin hàm chứa toàn thành phần virus, qua đó được đánh giá là loại có khả năng bảo vệ người dùng trước mọi biến thể của virus SARS-CoV-2, theo TTXVN.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Nước này trong 13 ngày qua chỉ ghi nhận thêm một ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.824 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.734 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung Quốc đề nghị hỗ trợ vắc xin COVID-19 cho 53 quốc gia đang phát triển và nước này đã và đang xuất khẩu vắc xin cho 22 quốc gia.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 446 ca mắc mới, với 416 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 86.574 ca, trong đó có 1.553 trường hợp tử vong, và 77.083 người đã hồi phục (89%). 

Các ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mức 500 trong 4 ngày qua, theo Yonhap.

Công ty dược phẩm sinh học Hàn Quốc Celltrion cho biết sẽ cung cấp thuốc điều trị COVID-19 mà không cần có lợi nhuận tại nước này.

Campuchia phát hiện 32 ca nhiễm bắt nguồn từ một hộp đêm, tất cả đều là người Trung Quốc, kết thúc ba tháng không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng, theo AFP.

Campuchia đã đối phó dịch bệnh tương đối thành công, cuộc sống ở thủ đô Phnom Penh gần như đã trở lại bình thường. Hiện phần lớn Phnom Penh vẫn sẽ mở cửa trừ đảo Kim Cương, một hòn đảo nhỏ kết nối với thành phố, đang bị phong tỏa một phần.  

Như Ý

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.