Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 22/2: Nhật tái khởi động thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Xem thêm: Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 23/2
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (22/2) không có ca mắc mới COVID-19.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 2.383 ca bệnh COVID-19, trong đó có 1.484 ca do lây nhiễm trong nước.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 120.827.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 1.717 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 69 ca; số ca âm tính lần hai là 39 ca, số ca âm tính lần ba là 55 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 111,93 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,47 triệu người tử vong và 87,19 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 73%). Ca bệnh mới trên toàn cầu đang giảm dần.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 28,75 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 50.476 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.134 ca, nâng tổng số lên 511.009. Tổng số người phục hồi là hơn 18,95 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 66%).
Số ca nhiễm mới tại Mỹ đã giảm trong 5 tuần liên tiếp, một phần do các trạm xét nghiệm phải đóng cửa khi thời tiết mùa đông khắc nghiệt.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci hôm qua cảnh báo người dân vẫn cần đeo khẩu trang tới năm 2022, ngay cả khi tình hình dịch ở nước này có thể đạt "mức độ bình thường đáng kể" vào cuối năm 2021, theo CNN.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,0 triệu ca nhiễm và 156.418 ca tử vong, tăng lần lượt 13.980 và 79 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,69 triệu người đã khỏi bệnh. Hiện, có khoảng 240 dòng nCoV mới đã xuất hiện trên khắp Ấn Độ.
NDTV đưa tin, bang Maharashtra có thể sẽ phải phong toả nếu các trường hợp COVID-19 hàng ngày tiếp tục tăng trong hai tuần tới. Sau ba tháng tạm lắng, Maharashtra, nơi có số ca bệnh cao nhất cả nước, gần đây đã báo cáo gần 7.000 ca mỗi ngày khi trước đó chỉ ghi nhận khoảng 2.000 - 2.500 trường hợp.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 29.026 và 498 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 10,16 triệu và 246.504 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 9,06 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.
Số ca bệnh mới hàng ngày dao động thất thường nhưng nhìn chung, nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch tồi tệ nhất.
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 của nước này bị cho là chậm chạp khi chỉ khoảng 6,2/212 triệu dân được tiêm phòng sau một tháng triển khai.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết không tiêm vắc xin và bị cáo buộc dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng, bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến thể nCoV mới dễ lây lan hơn, theo Reuters.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 12.742 ca mắc và 417 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,16 triệu trường hợp, trong đó 83.293 trường hợp tử vong, và hơn 3,71 triệu người hồi phục (đạt 89%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Nga bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho người vô gia cư từ hôm qua. theo The Moscow Times.
Tập đoàn Fujifilm của Nhật Bản sẽ tái khởi động thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 mang tên Avigan, và đặt mục tiêu xin phê chuẩn thuốc Avigan vào tháng 10 năm nay.
Nhật Bản đã phê chuẩn Avigan - thường được biết dưới cái tên favipiravir, là thuốc trị cúm khẩn cấp. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại rằng Avigan gây dị tật bẩm sinh ở các loài vật thí nghiệm và chưa chứng minh được hiệu quả đối với COVID-19 dù loại thuốc này hiện đã được phê chuẩn để điều trị COVID-19 tại Nga, Ấn Độ và Indonesia. Chính phủ nước này đã yêu cầu Fujifilm tăng gấp 3 lượng dự trữ quốc gia thuốc Avigan, theo TTXVN.
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nhật đã giảm trong hơn một tháng qua, tuy nhiên, số người tử vong vì đại dịch tại đây mới chỉ có dấu hiệu hạ nhiệt trong hai tuần qua và vẫn đang ở mức cao.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Nước này trong 14 ngày qua chỉ ghi nhận thêm một ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.831 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.772 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 418 ca mắc mới, với 391 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 86.992 ca, trong đó có 1.557 trường hợp tử vong, và 77.516 người đã hồi phục (89%).
Các ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mức 500 trong ngày thứ hai liên tiếp, nhưng các cơ quan y tế vẫn cảnh giác về khả năng bùng phát các ca nhiễm trong bối cảnh các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng. theo Yonhap.
Tốc độ sinh sản của COVID-19 đã đạt khoảng 1,1 trên cả nước trong 7 ngày qua. Tỷ lệ đo lường số người trung bình mà một bệnh nhân lây nhiễm, và khi tỷ lệ này lớn hơn 1 có nghĩa là dịch bệnh đang lan rộng.
Quốc gia này sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng COVID-19 với vắc xin của AstraZeneca vào thứ sáu, với nhân viên và bệnh nhân dưới 65 tuổi tại các bệnh viện và cơ sở điều dưỡng là đối tượng ưu tiên; các nhân viên y tế tuyến đầu cũng sẽ bắt đầu được tiêm vắc xin Pfizer vào thứ bảy. Nước này mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.
Israel hôm qua bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế với việc chính phủ thông báo kích hoạt cuộc sống bình thường trong bối cảnh gần 50% dân số đã được tiêm phòng COVID-19.
Các cửa hàng được mở cửa cho tất cả mọi người nhưng một số địa điểm như phòng gym, khách sạn, rạp hát sẽ chỉ tiếp nhận người có "thẻ xanh", tức là những người đã được tiêm hai mũi vắc xin COVID-19 từ hơn một tuần trước hoặc những người đã khỏi bệnh và có kháng thể. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách cộng đồng vẫn còn hiệu lực.
Tuy nhiên, bác sĩ Nachman Ash, người chịu trách nhiệm ứng phó với đại dịch của đất nước, lưu ý rằng một đợt phong tỏa khác "vẫn có thể xảy ra" vì "50% dân số chưa được miễn dịch", theo Reuters.