|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 20/2: Hàn Quốc nguy cơ tái bùng phát làn sóng dịch thứ ba

08:13 | 20/02/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 hôm nay 20/2 có những tin đáng chú ý như Nhật phát hiện biến chủng virus có khả năng lây nhiễm cao, Nga sắp vượt mục tiêu sản lượng vắc xin, Trung Quốc hỗ trợ vắc xin cho 53 quốc gia đang phát triển.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (20/2) không có ca mắc mới COVID-19.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.463 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 770 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 125.572.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 1.627 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 69 ca; số ca âm tính lần hai là 39 ca, số ca âm tính lần ba là 55 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 111,21 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,46 triệu người tử vong và 86,04 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 73%). Ca bệnh mới trên toàn cầu đang giảm dần.

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 28,59 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 72.813 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.148 ca, nâng tổng số lên 507.466. Tổng số người phục hồi là hơn 18,78 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 66%). Số ca nhiễm mới tại Mỹ giảm mạnh trong thời gian qua.

AFP dẫn lời Tổng thống Joe Biden rằng 600 triệu liều vắc xin, đủ cho phần lớn người dân nước Mỹ, dự kiến sẽ sẵn sàng vào cuối tháng 7, và tin rằng Mỹ sẽ tiến gần tới tình trạng bình thường vào cuối năm nay, song ông Biden không cam kết về điều này.

Pfizer/BioNTech đã gửi dữ liệu nhiệt độ mới cho Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), theo đó, vắc xin của hãng có thể được bảo quản ở -25 đến -15 độ C trong hai tuần, thay vì ở nhiệt độ từ -80ºC đến -60ºC như hiện nay. Nếu FDA phê duyệt thay đổi này, gánh nặng hậu cần sẽ được giảm bớt, dễ dàng phân phối vắc xin ở các nước có thu nhập thấp hơn, theo Bloomberg.

Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hôm 18/2 khẳng định không có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy thực phẩm hay bao bì thực phẩm có khả năng lây truyền nCoV, theo SCMP.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,97 triệu ca nhiễm và 156.237 ca tử vong, tăng lần lượt 14.199 và 114 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,67 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 51.050 và 1,155 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 10,08 triệu và 244.765 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 8,99 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%. 

Số ca bệnh mới hàng ngày dao động thất thường nhưng nhìn chung, nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch tồi tệ nhất.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 13.433 ca mắc và 470 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,13 triệu trường hợp, trong đó 82.396 trường hợp tử vong, và hơn 3,67 triệu người hồi phục (đạt 89%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

San Marino đã trở thành quốc gia mới nhất cho phép tiêm vắc xin Sputnik V của Nga, theo The Moscow Times.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 20/2: Hàn Quốc nguy cơ tái bùng phát làn sóng dịch thứ ba  - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng sản xuất hiện đã có sẵn để thực hiện các cam kết cung cấp vắc xin trong nước và quốc tế của Nga. (Ảnh: TASS).

Các giám đốc điều hành dược phẩm và chuyên gia ngành công nghiệp ở nước này cho biết rằng sự gia tăng sản lượng vắc xin Sputnik V kết hợp với sự không tin tưởng của người dân Nga vào loại thuốc này có thể dẫn đến bùng nổ xuất khẩu. 

Các nhà sản xuất vắc xin Nga dự kiến sẽ vượt mục tiêu sản lượng, cung cấp tới 40 triệu liều mỗi tháng vào tháng 6. "Hoàn toàn sẽ có dư thừa nguồn cung ở Nga. Khoảng 30% vắc xin do Nga sản xuất sẽ sẵn sàng xuất khẩu ", Vitaly Shakhnazarov, Giám đốc chất lượng tại COREX, một công ty hậu cần dược phẩm làm việc tại Nga và Đông Âu, cho biết.

Nhật xác nhận 91 ca ở vùng Kanto, phía đông Nhật Bản, và hai ca ở sân bay nhiễm biến chủng nCoV mới. "Biến chủng mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn bản gốc. Nó có thể làm số ca nhiễm tăng đột biến nếu tiếp tục lây lan trong nước.", Chánh văn phòng nội các Katsunobu Kato cho biết hôm 18/2.

Biến chủng dường như có nguồn gốc từ nước ngoài và cũng mang đột biến E484K ở protein hình gai, đuọc cho là làm giảm hiệu quả của vắc xin trong bối cảnh nước này đang triển khai tiêm chủng COVID-19.

Nhật Bản đã ghi nhận 151 ca nhiễm các biến thể nCoV từ Anh, Nam Phi và Brazil. Số ca bệnh mới đã giảm liên tục trong một tháng qua, tuy nhiên số trường hợp tử vong vẫn đang ở mức cao chưa từng thấy.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Nước này trong 12 ngày qua chỉ ghi nhận thêm một ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.816 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.650 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Một khu phố ở quận Gaodong thuộc khu phố Đông của Thượng Hải đã được đưa ra khỏi danh sách các khu vực có nguy cơ trung bình vào ngày 19/2. Như vậy, Thượng Hải hiện không còn khu vực COVID-19 có nguy cơ cao và trung bình.

Trung Quốc đề nghị hỗ trợ vắc xin COVID-19 cho 53 quốc gia đang phát triển và nước này đã và đang xuất khẩu vắc xin cho 22 quốc gia. Quốc gia này cũng đang sử dụng điểm mạnh của mình trong chuỗi sản xuất để giúp các quốc gia khác sản xuất vắc xin ở Trung Quốc hoặc địa phương nhằm tăng cường năng lực sản xuất toàn cầu.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói rằng Trung Quốc chưa bao giờ tìm kiếm lợi thế địa chính trị trong việc thực hiện hợp tác quốc tế về vắc xin COVID-19, cũng như tính toán bất kỳ lợi ích kinh tế nào và không kèm theo bất kỳ điều kiện chính trị nào.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 561 ca mắc mới, với 533 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 86.128 ca, trong đó có 1.550 trường hợp tử vong, và 76.513 người đã hồi phục (89%). 

Các ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mức 600 trong 24 giờ qua, theo Yonhap.

Một loạt các ca nhiễm tại các nhà máy và bệnh viện ở Seoul và khu vực lân cận đã gây ra lo ngại về khả năng bùng phát dịch, đặc biệt là sau khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng vào thứ hai.

Các nhà chức trách cảnh báo về khả năng bùng phát dích sau kỳ nghỉ tết khi nhiều người dân đi lại, và cho biết có thể thắt chặt các hạn chế nếu số ca bệnh mới tiếp tục tăng. Một quan chức y tế cấp cao, cho biết trong một cuộc họp báo: "Số lượng bệnh nhân đã tăng lên khi nhiều người được xét nghiệm  COVID-19 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ngày càng có nguy cơ làn sóng đại dịch thứ ba lại bùng phát, sau khi có xu hướng giảm.".

Như Ý

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.