Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 15/2: WHO phát hiện có 13 biến thể đã lây lan ở Vũ Hán từ 12/2019
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (15/2) có một ca mắc mới COVID-19 ghi nhận tại Hà Nội là người nhập cảnh, quốc tịch Nhật Bản. Bệnh nhân này cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi hoàn thành cách ly tập trung, và đang trú tại khách sạn ở quận Tây Hồ.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.330 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 637 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 152.690.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.534 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 39 ca; số ca âm tính lần hai là 12 ca, số ca âm tính lần ba là 9 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 109,38 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,41 triệu người tử vong và 81,46 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 73%). Ca bệnh mới trên toàn cầu giảm liên tục trong một tháng qua.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Nhóm điều tra về nguồn gốc COVID-19 của WHO tại Trung Quốc đã tìm thấy 13 biến thể nCoV ở Vũ Hán trong đợt bùng phát tháng 12/2019. Việc phát hiện ra rất nhiều biến thể khác nhau của nCoV có thể cho thấy virus này đã lưu hành và lây lan trong một thời gian trước đó mà không bị phát hiện trước khi bùng phát ở Vũ Hán, theo CNN.
Nhóm chuyên gia WHO vừa kết thúc cuộc điều tra tại thành phố Vũ Hán, nơi COVID-19 khởi phát, với đánh giá rằng không đủ bằng chứng để kết luận nCoV đã lan truyền tại Vũ Hán trước tháng 12/2019, thời điểm công bố những ca bệnh đầu tiên.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 28,26 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 63.446 ca trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất trong hơn ba tháng qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.071 ca, nâng tổng số lên 497.134. Tổng số người phục hồi là hơn 18,21 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 64%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ giảm liên tục trong hơn một tháng trở lại đây.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,91 triệu ca nhiễm và 155.764 ca tử vong, tăng lần lượt 11.434 và 91 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,61 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 23.258 và 647 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 9,83 triệu và 239.294 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 8,74 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%. Số ca bệnh mới hàng ngày lên xuống thất thường nhưng nhìn chung, nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch tồi tệ nhất.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 14.185 ca mắc và 430 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,07 triệu trường hợp, trong đó 80.126 trường hợp tử vong, và hơn 3,59 triệu người hồi phục (đạt 88%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Từ tuần trước, người dân Cộng hòa Chechnya và Cộng hòa Udmurtia không còn bị yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng, đây là hai khu vực đầu tiên của Nga dỡ bỏ lệnh quy định này. Tuy nhiên, một chuyên gia sức khoẻ hàng đầu cho rằng sự nới lỏng trên là quá sớm, theo The Moscow Times.
AP News đưa tin, hơn 15 triệu người, tương đương 22% dân số Vương quốc Anh, đã được tiêm mũi vắc xin đầu tiên, hầu hết là những người trên 75 tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên viện dưỡng lão và người dân. Hơn 537.000 người trong số họ cũng đã được tiêm liều thứ hai.
Thủ tướng Boris Johnson có kế hoạch đưa ra lộ trình nới lỏng các hạn chế vào ngày 22/2 trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm, nhập viện và tử vong đã giảm mạnh kể từ khi quốc gia này phong toả lần thứ ba vào ngày 4/1.
Jeremy Farrar, giám đốc của tổ chức tư vấn sức khỏe Wellcome Trust, cho biết số ca nhiễm COVID-19 ở Anh vẫn còn quá cao để nghĩ đến việc dỡ bỏ các hạn chế. Bên cạnh đó, theo hàng chục nghiên cứu cho thấy, biến thể virus mới hiện đang hoành hành tại Anh có khả năng gây chết người cao hơn các biến thể khác từ 30% - 70%.
Mặc dù các loại vắc xin hiện được phép sử dụng ở Anh yêu cầu hai liều, các nhà chức trách cho biết một liều cũng đã mang lại một mức độ bảo vệ đáng kể. Vì vậy, họ ưu tiên tiêm liều đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt. Để làm được điều này, Anh đang có kế hoạch tiêm liều thứ hai sau ba tháng, thay vì một tháng như khuyến cáo của các nhà sản xuất.
New Zealand phong tỏa Auckland, thành phố lớn nhất đất nước, ba ngày tới 17/2 sau khi ghi nhận ba ca nhiễm mới trong cộng đồng đầu tiên ở nước này kể từ cuối tháng 1. Đối với các khu vực ngoài Auckland, lệnh hạn chế cũng được nâng lên cấp độ hai, theo Reuters.
New Zealand, quốc gia đã trải qua hơn hai tháng không xuất hiện ca nhiễm mới cho tới cuối tháng 1, sẽ bắt đầu tiêm chủng cho 5 triệu dân vào ngày 20/2 khi nhận lô vắc xin Pfizer/BioNTech sớm hơn dự kiến.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp nước này không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.763 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.438 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 326 ca mắc mới, với 304 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 83.525 ca, trong đó có 1.522 trường hợp tử vong, và 73.559 người đã hồi phục (88%).
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc giảm trở lại, có vẻ như do ít xét nghiệm hơn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, theo Yonhap.
Chính phủ đã quyết định nới lỏng quy định giãn cách xã hội xuống từ ngày hôm nay, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các quy tắc phân định vì một làn sóng đại dịch khác có thể xuất hiện bất cứ lúc nào; yêu cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo hợp tác chống dịch khi các cuộc tụ tập tôn giáo là thủ phạm chính gây ra các vụ lây nhiễm theo cụm ở nước này. Các biện pháp phòng dịch trong bốn ngày nghỉ Tết Nguyên đán sẽ duy trì trong vòng hai tuần.