|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tình hình dịch COVID-19 ở Hải Dương còn phức tạp và có thể kéo dài

22:00 | 14/02/2021
Chia sẻ
Bộ trưởng Y tế nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Hải Dương còn phức tạp, khó lường với nhiều nguy cơ đặc biệt khi sau Tết công nhân đi làm trở lại, giao thương nhiều.

Theo báo Chính phủ, chiều 14/2, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương đã đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết tình hình dịch bệnh tại Hải Dương có những yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng vì tốc độ lây lan nhanh (gấp 4 lần chủng cũ), hệ số lây nhiễm cao, thời gian ủ bệnh ngắn và khả năng đào thải nhanh hơn.

Bộ trưởng cho rằng có nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, tương đối phức tạp và có thể kéo dài hơn, mặc dù chúng ta kiểm soát được tình hình chung nhưng trong từng đơn vị cụ thể vẫn còn nhiều phức tạp. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh Hải Dương phải hết sức lưu ý đến ổ dịch Cẩm Giàng, đồng thời cũng phải chú trọng công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các ổ dịch Kinh Môn, Nam Sách.

Tình hình dịch COVID-19 ở Hải Dương còn phức tạp và có thể kéo dài - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương. (Ảnh: VGP).

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi công nhân đi làm trở lại sau Tết

Tại hội nghị, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương cho hay, dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương ở môi trường phức tạp là khu công nghiệp đông công nhân, lại liên quan mật thiết đến cộng đồng dân cư đông đúc và ảnh hưởng đến các địa phương lân cận. Cùng với việc dịch xảy ra vào đúng thời điểm giáp Tết gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Chuyên gia của Bộ Y tế cũng nhận định, tình hình chung về dịch bệnh ở Hải Dương còn phức tạp, khó lường với nhiều nguy cơ đặc biệt khi sau Tết công nhân đi làm trở lại, giao thương nhiều.

Đặc biệt trong điều kiện thực hiện sản xuất tại các khu công nghiệp, vừa phải chống dịch, nhưng vừa phải duy trì sản xuất trong điều kiện bình thường mới (như huyện Cẩm Giàng có khu công nghiệp lớn với 60.000 công nhân). Do đó việc thực hiện cách ly nhà với nhà trong các khu cách ly là rất cần thiết và phải quán triệt thực hiện.

PGS.TS Trần Như Dương cũng cho hay, hiện công suất xét nghiệm của Hải Dương đã tăng 20 lần so với ban đầu, trung bình là khoảng 30.000 mẫu gộp mỗi ngày. Tuy nhiên nhu cầu xét nghiệm trong thời gian tới là rất lớn, do đó vẫn rất cần quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là khi Hải Dương triển khai xét nghiệm trên diện rộng tại một số địa phương.

Quá tải ở các khu cách ly 

Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế đang ở Chí Linh bày tỏ băn khoăn về việc kiểm soát dịch tại khu cách ly, Hải Dương đang có 13.000 trường hợp cách ly tập trung.

"Mật độ cách ly quá đông, trước đây có phòng 30 người, nay giảm nhiều cũng 10-15 người/phòng, trong khi nếu mật độ khu vực đó 5 người/phòng mới đảm bảo phòng dịch,", ông Nam cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng cần quan tâm, chỉnh đốn lại các khu cách ly, trong đó cần giải toả ngay toàn bộ khu cách ly tại Trường nghề Canada ngay, vì môi trường này đã có ca nhiễm; khu cách ly tại Trường tiểu học Chu Văn An cũng cần đánh giá lại, cần thiết không tổ chức cách ly tại đó nữa. 

Đồng thời đề nghị giao cho quân đội quản lý, vận hành toàn bộ những địa điểm cách ly lớn trên 50 người để đảm bảo tính tuân thủ trong cách ly.

Đối với những địa điểm cách ly tập trung công nhân của nhà máy Poyun và Kuroda Kagaku, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Quân khu 3 rải ra các địa phương lân cận do quân khu 3 quản lý đưa những trường hợp cách ly này ra khỏi Hải Dương.

Nghiên cứu giãn cách trên diện rộng, phong toả trên diện hẹp

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị tỉnh Hải Dương nghiên cứu áp dụng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ở diện rộng hơn (hiện mới thực hiện tại một huyện và một thành phố) để không đi chậm hơn dịch.

"Chỉ thị 16 về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 làm chậm lại, ngăn chặn dịch lây lan. Chúng ta phải chấp nhận phong tỏa, giãn cách trong 2 tuần để chặn lại tốc độ lây nhiễm của dịch. Chúng tôi khuyến nghị như vậy, còn thực hiện Chỉ thị 16 tại bao nhiêu huyện, xã là do tỉnh quyết định. 

Tuy chúng ta áp dụng Chỉ thị 16 nhưng theo hướng giãn cách trên diện rộng, phong tỏa trên diện hẹp để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Chúng ta phong tỏa, nhưng không tuân thủ nghiêm vấn đề cách ly, nhà giãn cách nhà, người giãn cách người thì chúng ta khó có thể thực hiện được chống dịch.", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với khu công nghiệp, Bộ trưởng tán đồng phương án của tỉnh vẫn giãn cách xã hội nhưng vẫn đảm bảo sản xuất.

Như Ý

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).