Cán cân được – mất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (Phần 1)
Washington dự kiến tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng khác của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD. Phản ứng trước những động thái quyết liệt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này buộc phải đưa ra những biện pháp trả đũa.
Trước đó, Trung Quốc đã đe dọa sẽ ra đòn trả đũa đối đẳng cả về quy mô lẫn tiến độ thực hiện. Đợt đầu cũng trị giá 34 tỷ USD, liên quan tới 545 mặt hàng, chủ yếu là đậu tương.
Đến nay, Trung Quốc và Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho “một phen sống mái” trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ sẽ lớn đến mức nào và sẽ kéo dài trong bao lâu? Nước nào sẽ thắng và nước nào sẽ bại trong cuộc chiến đó?
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN |
Nguy cơ căng thẳng leo thang thành cuộc đại chiến thương mại...
Theo Thương báo (Hong Kong), kể từ khi Mỹ đe dọa áp mức thuế quan mang tính trừng phạt đối với các sản phẩm từ Trung Quốc hồi cuối tháng 3/2018, các quan chức cấp cao Trung-Mỹ đã trải qua 3 vòng đàm phán.
Mặc dù phía Trung Quốc đã đưa ra thỏa hiệp và nhượng bộ nhiều hơn trong các cuộc đàm phán, cho thấy họ không muốn xảy ra một cuộc chiến thương mại, nhưng phía Mỹ sau một thời gian ngắn do dự, ngày 15/6 đã tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá khoảng 50 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 15/6/2018 là sinh nhật lần thứ 65 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó 1 ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn còn ở Bắc Kinh chúc mừng sinh nhật Tập Cận Bình. Mặc dù có thể Mỹ không cố ý chọn ngày này để gây khó khăn cho Trung Quốc, nhưng rõ ràng sự trùng hợp này đã khiến Trung Quốc khó chịu.
Đương nhiên, sự trùng hợp nói trên không phải là lý do chính nổ ra cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, mà nguyên nhân chủ yếu là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc quá lớn, cũng như Mỹ ngày càng cảm nhận được sự hung hăng của Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ.
Theo quan điểm của chính quyền Trump, các quy tắc thương mại thế giới do họ vạch ra khiến các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc đang kiếm lợi từ Mỹ, đã đến lúc không thể không bảo vệ lợi ích của nước Mỹ, vì vậy, Mỹ cần phải lựa chọn những biện pháp ngoài thông lệ.
Sự "quân phiệt" của chính quyền Trump cũng đã đẩy Trung Quốc vào góc tường. Việc sử dụng các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các phương thức đặc sắc Trung Quốc là một công cụ quan trọng để đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong những năm qua.
Đến nay, Mỹ muốn xóa bỏ chỗ dựa này của Trung Quốc bằng cách mở một cuộc chiến thương mại. Điều này đối với Trung Quốc không chỉ là vấn đề bộ mặt, mà còn là việc “giải quyết tận gốc”. Trung Quốc không thể rút lui, chỉ có thể thực hiện một cuộc “phản công tự vệ” về thương mại.
Sau khi Mỹ công bố danh sách các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc, Trung Quốc cũng nhanh chóng công bố các biện pháp trả đũa với quy mô, mức độ và tiến trình tương tự. Hai bên đều “súng đã trên tay, đạn đã lên nòng”.
Xét trên các lĩnh vực mà hai bên sẽ “giao chiến”, các hạng mục thuế với mà Mỹ dành cho Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thiết bị cơ khí, dụng cụ quang học và thiết bị điện, danh sách áp thuế được chia thành 34 tỷ USD cho các hạng mục trừng phạt giai đoạn đầu và 16 tỷ USD cho các hạng mục trừng phạt giai đoạn sau, với ý đồ rõ ràng là "đánh" vào ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc.
Biện pháp trả đũa của Trung Quốc cũng chia làm 2 giai đoạn với mức áp thuế tương tự, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thủy sản, trái cây, thịt gia súc, gia cầm và than đá, dầu nhiên liệu, ô tô... với ý đồ tấn công các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng và ô tô, vốn là “kho phiếu bầu” của D. Trump.
Đồng thời, Mỹ đã tuyên bố nếu Trung Quốc tung đòn trả đũa, Mỹ sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, danh sách áp thuế sẽ mở rộng lên tới 100 tỷ USD. Hiện nay, Trung Quốc đã quyết định phản đòn, đồng thời đưa ra danh sách trả đũa với quy mô tương tự Mỹ đưa ra. Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ dường như sẽ nâng cấp lên thẳng mức 100 tỷ USD. Nếu thực sự như vậy, đây chắc chắn sẽ là một cuộc đại chiến thương mại.
... khiến đôi bên cùng thua thiệt
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ được hưởng lợi hơn từ cuộc chiến thương mại này? Câu trả lời vẫn như cũ: Không có ai được hưởng lợi hơn ai. Nói cách khác, không có người thắng trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, chỉ có ai là kẻ thua thiệt hơn mà thôi.
Đã là cùng thua, vậy sẽ xem bên nào có sức chịu đựng và tinh thần ngoan cường hơn. Điều này được quyết định dựa trên 2 khía cạnh: Một là khả năng đối phó với sức ép mà cuộc chiến thương mại mang đến cho tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong nước; Hai là năng lực ứng phó với hậu quả cuộc chiến thương mại của nhà cầm quyền, vai trò của nhà cầm quyền có vững chắc hay không.
Về sức chịu đựng cuộc chiến thương mại, Trung Quốc và Mỹ có sở trường và sở đoản riêng. Mỹ mạnh về sức mạnh tổng hợp và vai trò lãnh đạo thế giới của một siêu cường, trong khi Trung Quốc lại mạnh về quyền lực của chính quyền và khả năng huy động các nguồn lực trong nước.
Một khi nổ ra chiến tranh thương mại, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ chịu tác động không hề nhỏ, đem lại nhiều rắc rối cho việc ổn định kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, khả năng đối phó với những rắc rối tương tự của Chính phủ Trung Quốc đã được kiểm chứng nhiều lần nên họ có kinh nghiệm phong phú.
Trong khi đó, mặc dù những tổn thất kinh tế mà cuộc chiến thương mại gây ra cho nước Mỹ không lớn như Trung Quốc, nhưng việc chính quyền Trump có thể trụ vững trước những kháng nghị và các cuộc biểu tình của các ngành nghề chịu tổn thất hay sự công kích của các đảng đối lập hay không, đặc biệt là có thể giữ được phiếu bầu hay không, cũng chưa thể biết được.