|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các thị trường đồng loạt phát tín hiệu: Suy thoái kinh tế đang cận kề

16:12 | 08/03/2022
Chia sẻ
Thị trường trái phiếu, hàng hóa và chứng khoán đang phát đi cảnh báo đáng ngại, rằng nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Các thị trường đồng loạt phát tín hiệu suy thoái cận kề - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Điềm báo đáng sợ

Đường cong lợi suất thu hẹp, giá dầu nhảy vọt, chứng khoán rơi vào vùng điều chỉnh. Khi chỉ một trong ba điều này xảy ra, có lẽ bạn không cần hoảng trước nguy cơ suy thoái.

Nhưng khi cả ba đến cùng một lúc, mối đe dọa ngay lập tức trở nên nghiêm trọng gấp nhiều lần. Đó chính là tình cảnh hiện nay khi cả diễn biến của cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa đều đang buộc nhà đầu tư gấp rút đánh giá lại kỳ vọng về tăng trưởng.

Nỗi lo suy thoái dường như hơi quá đà khi Mỹ vừa tạo ra được 678.000 việc làm trong một tháng, và không mấy nhà quan sát dự đoán nền kinh tế sẽ đi xuống trong tương lai gần. Nhưng cùng lúc đó, thị trường lại không ngừng phát đi một thông điệp chung mà chúng ta ngày càng khó làm lơ.

Chỉ số S&P 500 sụt gần 3% phiên đầu tuần này và giá dầu tiến đến mức cao nhất trong một thập kỷ. Nickel và lúa mì là những hàng hóa mới nhất gia nhập đà tăng.

Nhìn tổng thể, thông điệp của các thị trường là mối nguy về suy giảm kinh tế đã gia tăng trong bối cảnh xung đột quân sự ở châu Âu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kiên quyết thắt chặt chính sách tiền tệ.

Các thị trường đồng loạt phát tín hiệu suy thoái cận kề - Ảnh 2.

Bóng ma lạm phát kèm suy thoái (stagflation) đang thành hình trên thị trường trái phiếu. Đường cong lợi suất – thể hiện chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và hai năm – đã thu hẹp xuống mức thấp nhất kể từ đợt suy thoái thời đại dịch. Lịch sử cho thấy đường cong đảo ngược hoàn toàn, như những gì đã xảy ra vào năm 2019, thường báo hiệu giai đoạn kinh tế sụt giảm đang cận kề.

Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số chính ở châu Âu và châu Á đang hướng đến thị trường gấu – lao dốc 20% từ mức đỉnh gần đây. Tuy chỉ số S&P 500 ít thiệt hại hơn với mức giảm 12% so với đỉnh lịch sử, phân tích của chuyên gia Binky Chadha tại Deutsche Bank cho biết chứng khoán Mỹ cũng đang phát đi tín hiệu đáng lo.

Ông Chadha nói, chỉ số S&P 500 hiện cho thấy chỉ số PMI sản xuất của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) sẽ lao dốc xuống 48 – dưới mức 50 chứng tỏ ngành này đang chững lại.

Cổ phiếu vốn hóa nhỏ báo hiệu rắc rối còn lớn hơn. Chỉ số Russell 2000, vốn đang ở trong thị trường gấu, cho thấy PMI sản xuất có thể lùi về chỉ còn 40, báo hiệu "suy thoái nghiêm trọng".

Các thị trường đồng loạt phát tín hiệu suy thoái cận kề - Ảnh 3.

Tuần vừa rồi, ít nhất ba chuyên gia Phố Wall đã hạ mục tiêu của chỉ số S&P 500 trong 2022. Chuyên gia dày dặn kinh nghiệm Ed Yardani nhấn mạnh rủi ro suy thoái và hạ dự báo S&P 500 kết năm ở mức 4.000 điểm, tương ứng mức giảm 17% kể từ đỉnh tháng 1.

Trên thị trường hàng hóa, rủi ro là giá tăng mạnh sẽ làm suy yếu tâm lý người tiêu dùng. Từ lúa mỳ đến ngô, dầu đến đồng, giá cả đang phi mã sau khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine làm dấy lên lo lắng về thiếu hụt nguồn cung từ hai nhà sản xuất hàng đầu thế giới.

Giá năng lượng nhảy vọt là điều đặc biệt đáng ngại. Chi phí năng lượng tăng không chỉ kìm hãm chi tiêu hộ gia đình mà còn gia tăng thêm áp lực giá, có khả năng khiến các ngân hàng trung ương siết chặt chính sách tiền tệ.

Bà Victorai Greene, Giám đốc đầu tư tại G Squared Private Wealth nói với Bloomberg: "Giá dầu, đường cong lợi suất và chu kỳ kinh tế hiện nay rõ rằng đang làm dấy lên nguy cơ suy thoái. Tôi không có ý nói rằng bầu trời sẽ sụp đổ ngay ngày mai. Nhưng suy thoái rất có khả năng xảy ra trong 12 tháng tới".

Tín hiệu có đáng tin?

Song, ông Neil Dutta, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Renaissance Macro Research nói rằng lo ngại về cú sốc giá dầu đang bị thổi phồng quá mức.

Ông Dutta viết trong lưu ý: "Tôi có chút thông cảm với ý kiến cho rằng phản ứng của Fed đối với cơn sốt giá năng lượng đang làm trầm trọng thêm cú sốc kinh tế, nhưng chúng ta còn lâu mới rơi vào suy thoái. Tiết kiệm của người tiêu dùng hiện nay cao hơn nhiều so với trước đại dịch, số tiền này có thể hấp thụ vấn đề giá dầu".

Đối với ông Zhiwei Ren, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Penn Mutual Asset Management, rắc rối địa chính trị châm ngòi cho biến động hiện nay có thể nhanh chóng đảo ngược nếu Nga và Ukraien đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Ông Ren lập luận: "Làm sao Mỹ có thể tiến vào suy thoái khi chúng ta có số liệu việc làm tốt như thế? Triển vọng kinh tế tương lai khá ảm đạm, nhưng chúng không bị chi phối bởi dữ liệu kinh tế, mà là sự kiện địa chính trị. Do đó chưa chắc những tín hiệu này đáng tin cậy".

Các nhà kinh tế vẫn tin nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong mỗi quý từ nay cho đến hết năm sau. Tuy nhiên, dự báo của các nhà kinh tế không phải lúc nào cũng có ích trong quá khứ.

Thị trường có khả năng dự báo suy thoái tốt hơn. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, trong tất cả các đợt chứng khoán Mỹ lao dốc 20% kể từ Đại Khủng hoảng, gần như tất cả đều diễn ra trước hoặc trùng với suy thoái kinh tế tại Mỹ, chỉ trừ hai ngoại lệ.

Các thị trường đồng loạt phát tín hiệu suy thoái cận kề - Ảnh 4.

Môi trường kinh tế hiện nay khiến chuyên gia Ryan Grabinski của Strategas Securities nhớ về đầu những năm 1990, khi cuộc tấn công Kuwait của Iraq thổi bùng giá dầu. Khi đó, chỉ số S&P 500 rơi xuống thị trường gấu và Mỹ rơi vào suy thoái.

"Có lẽ điều đáng sợ là trong 1990, lãi suất điều hành của Fed ở mức 8% và rồi sẽ bước vào chu kỳ nới lỏng", ông so sánh. "Nhưng hôm nay, Fed đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ thắt chặt. Ngày càng có vẻ như suy thoái là kịch bản không thể tránh khỏi".

Giang