Chứng khoán Mỹ đi xuống bất chấp số liệu kinh tế tươi sáng, nhà đầu tư vẫn bất an về Ukraine
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 180 điểm, tương đương 0,53%, và đóng cửa ở 33.615 điểm. Biểu đồ bên dưới cho thấy chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm sâu hơn Dow Jones với mức giảm lần lượt 0,79% và 1,66%.
Trong phiên, Dow Jones có lúc sụt hơn 500 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số blue-chip này ghi nhận tuần sa sút thứ 4 liên tiếp.
Thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống sau thông tin quân đội Nga tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine và làm cháy một tòa nhà trong khu phức hợp. Hiện nay, quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy điện này và các chỉ số phóng xạ vẫn trong ngưỡng an toàn.
Đại sứ Mỹ ở Kiev đã gọi cuộc tấn công của Nga là tội ác chiến tranh. Nhiều nước đã lên án quân đội Nga vì dùng vũ lực đánh vào một cơ sở hạt nhân, tiềm ẩn rủi ro tái diễn thảm họa Chernobyl.
CNBC dẫn lời ông Jeff Mortimer, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty quản lý tài sản BNY Mellon Wealth Management nhận định: "Tôi nghĩ thị trường đang trong quá trình tạo đáy, nhưng rất khó để lập mô hình cụ thể cho các vấn đề địa chính trị kiểu này. Trong lịch sử có nhiều lần nhà đầu tư nên mua trong giai đoạn xung đột, nhưng mỗi cuộc chiến lại có những đặc điểm riêng".
Giá năng lượng đồng loạt đi lên khi cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng hơn 7% lên 115 USD/thùng, giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế cũng thêm hơn 6% và đạt gần 118 USD/thùng như thể hiện trong biểu đồ dưới đây. Ngày 4/3, Nhà Trắng cho biết không loại trừ khả năng Mỹ sẽ cấm vận cả dầu mỏ của Nga.
Cổ phiếu dầu khí góp phần nâng đỡ chỉ số. Occidental Petroleum vọt lên hơn 17%, Marathon Oil tăng 4%, Diamondback Energy thêm 2,7%.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,73%, đồng nghĩa với việc giá trái phiếu tăng lên khi nhà đầu tư muốn tìm nơi trú ẩn an toàn.
Cổ phiếu ngân hàng giảm theo lợi suất, JPMorgan Chase mất 2,8%, American Express sụt 3,8%. Như thống kê bên dưới cho thấy, tài chính là nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất S&P 500 phiên 4/3, theo sau là cổ phiếu công nghệ.
Cổ phiếu hàng không và du lịch diễn biến tiêu cực, United Airlines lao dốc 9,1%, Delta Air Lines và American Airlines mất lần lượt 5,6% và 7,1%. Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn cũng đóng cửa trong sắc đỏ khi Microsoft giảm 2%, Apple giảm 1,8%.
Những bất ổn địa chính trị đã phủ bóng đen lên thị trường, bất chấp báo cáo việc làm tháng 2 khả quan hơn kỳ vọng.
Bộ Lao động Mỹ sáng 4/3 cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra thêm 678.000 việc làm phi nông nghiệp, vượt xa con số 440.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. Biểu đồ dưới đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,8%, tức là tương đương với thời kỳ trước dịch.
Đây là báo cáo việc làm cuối cùng trước khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) họp vào ngày 15-16/3 để quyết định chính sách lãi suất. Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần này cho biết ông ủng hộ phương án nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 3.
CNBC dẫn lời bà Seema Shah, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Principal Global Investors nhận xét: "Số liệu việc làm hôm nay là một minh chứng nữa cho thấy nền kinh tế Mỹ đủ vững mạnh để chống chịu một chu kỳ thắt chặt nhanh chính sách tiền tệ. Cuộc xung đột ở Ukraine không làm giảm tốc độ nâng lãi suất của Fed".
Bà Shah nói thêm: "Nếu giá thực phẩm và năng lượng gây ảnh hưởng đáng kể tới chi tiêu của hộ gia đình, các nhà làm chính sách có thể phải chuyển hướng tập trung từ tăng trưởng sang các rủi ro".
Thị trường chứng khoán châu Âu ngày 4/3 tiếp tục lao dốc mạnh, các chỉ số đồng loạt giảm sâu hơn thị trường chứng khoán Mỹ.
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones và S&P 500 giảm khoảng 1,3%, Nasdaq Composite mất 2,8%.