Các ông lớn dầu khí khó quay về thời hoàng kim dẫu có chiều lòng cổ đông
Ra sức chiều chuộng cổ đông
Hiện tại, các ông lớn dầu khí trên toàn cầu đang nỗ lực xây dựng lại niềm tin ở nhà đầu tư bằng chiến lược xóa bớt khối nợ và chiều lòng cổ đông. Xu hướng này diễn ra vào thời điểm mà khá nhiều doanh nghiệp trong ngành báo lãi cao kỷ lục kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm ngoái.
Tại Mỹ, vào cuối tháng trước, ExxonMobil thông báo sẽ "đền đáp" cổ đông bằng chính sách chia cổ tức, trong khi Chevron cho biết tập đoàn sẽ nối lại hoạt động mua lại cổ phiếu với giá trị hàng năm từ 2 đến 3 tỷ USD.
Ở châu Âu, BP của Anh, TotalEnergies của Pháp, Equinor của Na Uy, Eni của Italy và gã khổng lồ dầu mỏ Anh - Hà Lan Royal Dutch Shell đều đã công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu hoặc tăng chia cổ tức, hoặc cả hai.
Động thái của các công ty dầu khí lớn chứng tỏ ngành năng lượng đang cố gắng trấn an nhà đầu tư rằng lĩnh vực này đã đứng vững hơn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, theo CNBC.
Giá dầu thô đã phục hồi về gần ngưỡng 70 USD/thùng và ba trong các cơ quan dự báo hàng đầu thế giới gồm OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều dự báo nhu cầu sẽ tiếp tục khởi sắc cho đến năm 2022.
Mua lại cổ phiếu thường giúp tăng giá cổ phiếu của công ty, mang lại lợi ích cho cổ đông. Chia cổ tức là một hình thức thưởng cho cổ đông sau khi họ đầu tư vào doanh nghiệp. Cả hai đều là những lựa chọn sẵn có cho một công ty đang tìm cách đền đáp nhà đầu tư.
Hồi chuông cảnh báo
Trước khi có kết quả kinh doanh quý II, giới phân tích đã lưu ý rằng các ông lớn ngành dầu mỏ vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn và thách thức trong tương lai, đơn cử như áp lực giảm khai thác nhiên liệu hóa thạch từ các nhà đầu tư.
Bà Kathy Hipple, giáo sư tài chính tại Bard College (New York), cho biết: "Một khi các nhà đầu tư tổ chức xác định rằng nhu cầu dầu thô đã đạt đỉnh, mà điều này có thể đã xảy ra, thì họ sẽ từ bỏ ngành năng lượng vĩnh viễn".
"Dựa trên hiệu suất cổ phiếu của ngành này trong vài năm qua, chúng ta có thể thấy khá nhiều tổ chức đã rút lui", bà Hipple nhấn mạnh.
Lĩnh vực năng lượng, cùng với tài chính, là hai trong các ngành hoạt động hiệu quả nhất của chỉ số S&P 500 trong năm nay, riêng cổ phiếu nhóm dầu khí tăng gần 30% kể từ đầu năm đến giờ. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của nhiều công ty dầu mỏ tiếp tục hụt hơi so với triển vọng thu nhập.
Ví dụ tại Anh, BP đã chứng kiến giá cổ phiếu leo gần 20% trong năm 2021 nhưng năm ngoái cổ phiếu của gã khổng lồ này sụt giảm hơn 47%. BP từng mô tả năm 2020 đã gây ra một cú sốc chưa từng có tiền lệ đối với thị trường dầu mỏ thế giới.
Giáo sư Hipple nói rằng nhà đầu tư dài hạn sẽ tránh xa các công ty dầu khí "trừ khi và cho đến khi" những ông lớn đó hiểu biết toàn diện về cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Đến nay, phần lớn doanh thu của ngành vẫn đến từ dầu mỏ và khí đốt.
"Các nhà đầu tư lớn biết rằng các doanh nghiệp dầu mỏ vẫn đang rót hàng chục tỷ USD vào các cơ sở hạ tầng dầu khí không cần thiết, phớt lờ cảnh báo của IEA rằng không nhà máy mới nào có thể đáp ứng yêu cầu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu", bà Hipple giải thích.
Tuần trước, các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng nhất về tình trạng nóng lên toàn cầu. Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu nhấn mạnh, giới hạn nhiệt độ quan trọng là 1,5 độ C có thể bị phá vỡ trong hơn một thập kỷ tới nếu các nước không nhanh chóng giảm phát thải khí nhà kính.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres mô tả những phát hiện của bản báo cáo là "cảnh báo đỏ cho nhân loại", là "hồi chuông báo động" cho các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ và khí đốt.
Ông David Moss, trưởng bộ phận chứng khoán châu Âu tại BMO Global Asset Management, cho biết: "Chúng tôi không nghĩ mô hình kinh doanh [của các công ty dầu khí] là hiệu quả. Họ không thể đạt tỷ suất sinh lợi hoặc tạo ra dòng tiền ổn định, dù hiện nay kết quả kinh doanh khá lạc quan".
Tuy nhiên, không phải ai cũng bi quan về triển vọng của ngành dầu khí. Ông Rohan Reddy, nhà phân tích tại công ty giao dịch chứng chỉ ETF Global X, cho rằng các ông lớn dầu khí đang đón nhận một số dấu hiệu tích cực như giá cổ phiếu tăng cao, lợi nhuận quý II hấp dẫn và chính sách chia cổ tức mới.
"...chúng tôi cho rằng những nghi ngờ hiện nay chủ yếu là do giới phân tích đang e ngại về ảnh hưởng của biến chủng Delta với thị trường năng lượng. Sắp tới, sẽ ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm đến với những cái tên lớn trong ngành", ông Reddy chia sẻ với CNBC.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/