|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Người khổng lồ dầu khí' sắp trả đợt cổ tức lớn nhất thế giới: 75 tỷ USD

12:14 | 22/03/2021
Chia sẻ
Dù chịu tổn thất nặng trong đại dịch COVID-19 và cuộc chiến giá dầu, Saudi Aramco vẫn quyết tâm trả cho nhà đầu tư khoản cổ tức lớn hơn bất kỳ công ty đại chúng nào trên thế giới từ trước tới nay.
Saudi Aramco sẽ tiến hành đợt chia cổ tức lớn nhất lịch sử thế giới  - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: AFP).

Aramco sẽ trả cổ tức 75 tỷ USD cho năm 2020 đúng như lời hứa dù lợi doanh thu và lợi nhuận lao dốc nghiêm trọng. Hầu hết số tiền này sẽ thuộc về chính phủ Arab Saudi. Cổ tức từ Aramco là nguồn tiền mặt quan trọng cho đất nước này do COVID-19 đã giáng đòn mạnh vào thị trường năng lượng và khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa. 

Theo Bloomberg, trong 12 tháng qua, Aramco phải vay nợ thêm để duy trì cổ tức trong bối cảnh dòng tiền suy giảm. Công ty thông báo lãi sau thuế năm 2020 giảm 44% xuống 184 tỷ riyal (49 tỷ USD). Dòng tiền tự do sụt gần 40% xuống 49 tỷ USD, thấp hơn nhiều mức cổ tức công ty định trả.

Saudi Aramco sẽ tiến hành đợt chia cổ tức lớn nhất lịch sử thế giới  - Ảnh 2.

Aramco cho biết cổ tức sẽ không vượt quá 75 tỷ USD trong năm nay. Công ty cũng giảm kế hoạch đầu tư tài sản cố định từ 40-45 tỷ USD xuống còn 35 tỷ USD. Động thái này cho thấy Aramco vẫn thận trọng dù việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 đã giúp giá dầu thô tăng 25% kể từ cuối tháng 12 lên 65 USD/thùng. 

Tuy nhiên, 35 tỷ USD vẫn cao hơn chi đầu tư của Aramco năm 2020 là 27 tỷ USD.

Động lực từ châu Á

Aramco cho biết mức tiêu thụ năng lượng ở một số khu vực đang được cải thiện, bao gồm thị trường chính của công ty là châu Á.

CEO Amin Nasser chia sẻ với các phóng viên: "Chúng tôi rất lạc quan rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trưởng trong năm 2021. Cho tới nay giá dầu đã hồi phục trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cải thiện. Chúng tôi vẫn thận trọng nhưng tình hình sẽ tốt hơn nhiều so với 2020".

Ông Nasser dự kiến lượng tiêu thụ dầu sẽ tăng thành 99 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay và gần bằng so với mức trước đại dịch. Hiện nay mỗi ngày thế giới tiêu thụ 95 triệu thùng dầu.

Theo ông Nasser, nhu cầu dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng cao. Sự phục hồi ở Mỹ và châu Âu diễn ra chậm hơn nhưng sẽ dự kiến sẽ tăng tốc trong bối cảnh vắc xin COVID-19 được triển khai.

Sản lượng dầu thô trung bình của Aramco giảm xuống 9,2 triệu thùng/ngày trong năm 2020, con số thấp nhất kể từ năm 2011. Nguyên do là Aramco tuân theo kế hoạch cắt giảm sản lượng mà nhóm OPEC+ bắt đầu từ tháng 5 để hỗ trợ giá dầu. Trước đó Arab Saudi đã khơi mào cuộc chiến giá dầu với Moscow, tăng sản lượng lên kỷ lục và khiến giá rớt thảm.

Các hạn chế của OPEC+ sẽ kết thúc vào tháng 4 năm sau và Aramco đang "tiến triển rất tốt" với kế hoạch tăng sản lượng hàng ngày từ 12 triệu lên 13 triệu thùng, ông Nasser cho biết.

Giá cổ phiếu Aramco nhích 0,6% lên 35,4 riyal (9,5 USD) vào ngày 21/3. Tính từ đầu năm, Aramco đã tăng 1,1%. Công ty lên sàn vào cuối năm 2019 và cam kết trả 75 tỷ USD cổ tức mỗi năm trong vòng 5 năm tiếp theo. Dù 98% cổ phần nằm trong tay chính phủ Arab Saudi nhưng vốn hóa của công ty vẫn đạt 1.900 tỷ USD, chỉ thua Apple.

Tấn công tên lửa

Nhà đầu tư lo ngại về sự gia tăng của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các cơ sở của Aramco. Phiến quân Houthi tại Yemen nhận trách nhiệm cho hầu hết các cuộc tấn công nhưng giới quan chức Arab Saudi khẳng định Iran có nhúng tay vào.

Sáng 19/3, nhà máy lọc dầu có sản lượng 120.000 thùng/ngày của Aramco ở Riyadh bị tên lửa tấn công. Hai cơ sở khác của công ty cũng bị nhắm đến hồi đầu tháng.

Ông Nasser cố trấn an dư luận: "Chúng tôi tiếp tục củng cố và bảo vệ các hoạt động của mình. Sự sẵn sàng và khả năng phục hồi của chúng tôi được chứng minh trong mỗi cuộc tấn công. Trong bất kỳ tình huống nào, Aramco cũng có đủ khả năng đưa nhà máy hoạt động trở lại, đảm bảo an toàn cho nhân viên và đáp ứng nhu cầu của khách hàng".

Giang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.