|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tham lam, kiêu ngạo và dối trá: Bong bóng 2.000 tỉ USD của tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới vỡ tan như thế nào?

10:32 | 17/12/2019
Chia sẻ
Đằng sau thương vụ IPO lớn nhất thế giới đưa Saudi Aramco trở thành tập đoàn danh giá nhất hành tinh là những câu chuyện buồn về lòng tham, tính cố chấp và sự dối trá của những con người quyền lực trong nền kinh tế toàn cầu.
Aramco

Minh họa: Chu Toàn.

Vào một buổi chiều oi ả tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, lãnh đạo tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới Saudi Aramco và các chuyên gia ngân hàng đầu tư đến từ Wall Street đang trải qua một cuộc họp vô cùng căng thẳng.

Tại đây, Achintya Mangla - Giám đốc Khối Thị trường vốn chủ của JP Morgan khu vực châu Âu đã nói thẳng với Yasir Al-Rumayyan – Chủ tịch Saudi Aramco rằng các nhà đầu tư quốc tế không đời nào chấp nhận mức định giá 2.000 tỉ USD của tập đoàn.

Chủ tịch Al-Rumayyan lập tức nổi điên và xổ ra một tràng dài những lời lẽ lăng mạ thậm tệ bằng cả tiếng Ả Rập lẫn tiếng Anh. Ngay cả các lãnh đạo ngân hàng kì cựu tại cuộc họp – những người vẫn thường chửi bới như cơm bữa – cũng cảm thấy sốc.

Có lẽ Chủ tịch của Saudi Aramco đang lo sốt vó khi không biết phải ăn nói thế nào với sếp lớn của mình là Thái tử Mohammed bin Salman.

Trong suốt hơn ba năm kể từ khi Thái tử đưa ra đề xuất IPO tập đoàn cung cấp 10% sản lượng dầu thế giới Saudi Aramco, mức định giá 2.000 tỉ USD luôn là một vấn đề nhức nhối.

Vị Thái tử này đồng thời là người điều hành công việc hàng ngày của vương quốc dầu mỏ Saudi Arabia và không một ai có thể thuyết phục ông hạ định giá của Saudi Aramco xuống một con số hợp lí hơn. Ông nhất quyết muốn tập đoàn con cưng của mình phải có giá trị tối thiểu 2.000 tỉ USD – cao gần gấp đôi vốn hóa của đại gia công nghệ Apple.

Những người bất đồng quan điểm với Thái từ bị cho ra rìa, chẳng hạn như Khalid Al-Falih – người bị sa thải khỏi các vị trí Bộ trưởng Dầu mỏ và Chủ tịch Saudi Aramco vài tháng trước.

Aramco

Khi các sếp ngân hàng Wall Street tranh nhau nhận thương vụ IPO có vẻ béo bở này, tất cả đều nói với Chủ tịch Al-Rumayyan điều mà ông muốn nghe: Mức định giá 2.000 tỉ USD là có thể đạt được. Theo nguồn tin của Bloomberg, khoảng định giá ban đầu mà các ngân hàng Wall Street đưa ra là từ 1.700 lên tới 2.400 tỉ USD.

Tuy nhiên khi ngày chào bán thực tế đến gần, mức định giá trên tỏ ra vô cùng bấp bênh.

Vào tháng 9 và đầu tháng 10, các chuyên gia ngân hàng tư vấn cho Aramco có chuyến đi chào hàng tại các trung tâm tài chính trên khắp thế giới từ Boston tới London hay Tokyo. Dù đi đến đâu, Aramco cũng chỉ nhận được những lời chê bai của nhà đầu tư quốc tế rằng mức giá quá "chát".

Tại Thụy Sỹ, nơi hàng nghìn tỉ USD của giới thượng lưu toàn cầu đang trú ẩn, quĩ Pictet & Cie đưa ra cái giá chỉ 800 tỉ USD, chưa bằng một nửa mục tiêu của Thái tử Mohammed.

Các ngân hàng tư vấn ghi nhận ý kiến này. Một bảng tính được lập ra nhằm tóm tắt lại phản hồi của các nhà đầu tư. Theo Bloomberg, bảng này bao gồm những tên tuổi sừng sỏ nhất trong ngành quản lí quĩ toàn cầu, từ Capital Group chuyên đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên đến BlackRock - quĩ đầu tư lớn nhất quả đất.

Nhìn chung, các quĩ đồng thuận rằng Aramco có định giá khoảng 1.200 tỉ USD là hợp lí. Một số quĩ khác hào phóng hơn một chút. Chẳng hạn như Franklin Templeton – quĩ chuyên đầu tư thị trường mới nổi cho rằng con số có thể "lên tới 1.500 tỉ USD nếu tính theo cổ tức".

Vấn đề chung đối với nhiều nhà đầu tư chỉ tóm gọn lại trong hai từ: tỉ suất cổ tức. Với mức định giá 2.000 tỉ USD, tỉ suất cổ tức của Aramco là chưa đầy 4%, thấp hơn nhiều so với các "bạn bè đồng trang lứa" như Exxon Mobil, Royal Dutch Shell hay Chevron.

Nhà đầu tư kì vọng tỉ suất cao hơn, đồng nghĩa với định giá giảm đi. Wellington Asset Management - quĩ quản lí khoảng 1.000 tỉ USD tài sản - trả lời rằng tỉ suất cổ tức phải lên mức 7-8% thì mới đáng để đầu tư, đồng nghĩa với mức định giá chỉ khoảng 900 tỉ USD.

Tại cuộc họp diễn ra vào buổi chiều nóng bức nhắc đến ở đầu bài viết, ông Achintya Mangla được giao nhiệm vụ không chỉ đại diện cho JP Morgan Chase mà cho cả nhóm ngân hàng được thuê tư vấn thương vụ.

Tại đây, lời nói thẳng của ông Mangla như một chiếc kim nhọn đã chọc vỡ bong bóng hi vọng về vốn hóa 2.000 tỉ USD của Saudi Aramco.

Ông Mangla không phải là người duy nhất cố gắng nói ra sự thật mất lòng với Chủ tịch Al-Rumayyan của Saudi Aramco. Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết hồi tháng 10 năm nay, ông Jonathan Penkin - chuyên gia cao cấp về thị trường vốn chủ tại Goldman Sachs từng nói về mức định giá trên trời của Saudi Aramco. Sau đó, ông bị cấm phát biểu tại các cuộc họp liên quan.

Ông Motassim Al-Ma'Ashouq - lãnh đạo cấp cao phụ trách công tác chuẩn bị IPO của Saudi Aramco đồng thời là người gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài trong các cuộc họp ban đầu - cũng bị gạt ra ngoài.

Bà Karen Young, chuyên gia kinh tế chính trị Trung Đông tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định: "Saudi Arabia trước nay vẫn luôn gặp phải một vấn đề là cấp trên ra quyết định rồi áp xuống dưới. Nhiều cán bộ giỏi về chuyên môn nhưng sợ hãi, không dám nói thẳng".

Saudi Arabia cũng không kiếm đâu ra được nhà đầu tư chiến lược - những người thường đồng ý mua cổ phiếu IPO trước tiên để trở thành cổ đông chủ chốt trong thương vụ.

Aramco mời chào khắp nơi, từ Trung Quốc đông đúc đến Singapore sầm uất, từ nước Nga lạnh giá đến Malaysia nóng ẩm, câu trả lời họ nhận được luôn chỉ là những cái lắc đầu.

Aramco

Chủ tịch Al-Rumayyan của Saudi Aramco năm nay 49 tuổi và tuyệt nhiên chưa từng có kinh nghiệm gì trong ngành dầu khí. Trước khi đảm nhiệm chức Chủ tịch tại một trong những tập đoàn quyền lực nhất trong nền kinh tế toàn cầu, ông chỉ quản lí một ngân hàng đầu tư cỡ trung bình.

Ông cảm thấy mình bị đám ngân hàng Wall Street lừa dối, phản bội. Chính họ đã nói với ông mức định giá 2.000 tỉ USD là có thể đạt được, nhưng giờ đây không nhà đầu tư nào đồng ý chi tiền.

Saudi Arabia lúc này đứng trước hai sự lựa chọn khó khăn: Một là chịu mất mặt và chấp nhận mức định giá dưới 1.500 tỉ USD mà các quĩ đầu tư đưa ra; hai là trì hoãn thương vụ vô thời hạn để tìm cách giải quyết.

Tuy nhiên, chính quyền của vương quốc dầu mỏ này lại rất sáng tạo khi nghĩ ra phương án thứ ba: Mặc kệ ý kiến của bọn quĩ ngoại, Saudi Aramco sẽ niêm yết và bán cổ phần ở thị trường trong nước.

Khi đó, chính phủ có thể dễ dàng gây áp lực lên các gia đình giàu có trong nước phải dốc hầu bao mua cổ phần IPO, đồng thời huy động thêm anh em bạn bè trong khu vực Trung Đông - bao gồm các quĩ thuộc chính phủ UAE và Kuwait.

Ngay cả trong kịch bản thực tế diễn ra này, Saudi Arabia cũng chỉ có thể bơm thổi vốn hóa lên mức 1.700 tỉ USD.

Phiên IPO vừa diễn ra giữa tháng 12 này chỉ còn là cái bóng của tham vọng ban đầu, nhưng nó vẫn cho phép Thái tử bin Salman tuyên bố chiến thắng. Aramco huy động được 25,6 tỉ USD, vừa vặn nhiều hơn con số 25 tỉ USD mà Alibaba thu về từ đợt IPO tại New York năm 2014.

Qua đó, Saudi Aramco đã soán ngôi đại gia thương mại điện tử Trung Quốc để trở thành thương vụ IPO lớn nhất thế giới. Với vốn hóa chỉ 1.700 tỉ USD, Saudi Aramco vẫn dễ dàng vượt qua Apple để trở thành công ty đắt giá nhất hành tinh.

Lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ, danh hiệu công ty vốn hóa lớn nhất thế giới rời khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.

Aramco

Aramco

Về phần các ngân hàng đầu tư Wall Street, họ vừa trải qua sự sụp đổ của thương vụ IPO WeWork cũng như diễn biến đáng thất vọng của cổ phiếu kì lân gọi xe Uber. Hai quả đắng này còn chưa nuốt trôi thì lại đến thất bại với Aramco.

Sau khi hứa hẹn mức định giá cao không tưởng để giành được hợp đồng tư vấn, các ngân hàng hùng mạnh nhất thế giới đã không thể thực hiện được cam kết, phải hứng chịu sự chỉ trích của khách hàng cũng như sự chế nhạo từ nhà đầu tư.

Sau gần 4 năm cố gắng, làm việc vất vả, nhiều ngân hàng có nguy cơ sẽ chẳng nhận được tiền công.

Thực ra đợt IPO của Saudi Aramco có thể diễn ra được cũng đã là một kì tích rồi.

Thương vụ này được chuẩn bị liên tục từ đầu năm 2016 khi Thái tử Mohammed tuyên bố với tạp chí The Economist rằng chính sách tư nhân hóa sẽ hỗ trợ cho chiến dịch Tầm nhìn 2030 của ông nhằm hiện đại hóa nền kinh tế Saudi Arabia đang phụ thuộc quá nhiều dầu mỏ.

Ban đầu, thương vụ dự kiến được hoàn thành vào năm 2018 nhưng thực tế bị hoãn nhiều lần do các lãnh đạo Saudi Arabia tranh cãi về việc niêm yết ở đâu và với định giá bao nhiêu.

Đến đầu năm 2019, Chủ tịch Aramco kiêm Bộ trưởng Dầu mỏ lúc này là ông Al-Falih cho rằng vụ IPO đang trong tình trạng "đóng băng vĩnh cửu" và ông hi vọng sẽ không ai đả động đến nó nữa.

Nhưng Thái tử Mohammed và ông Al-Rumayyan - Chủ tịch tương lai của Aramco vẫn muốn tiếp tục thương vụ. Khi đó, ông Al-Rumayyan đang điều hành quĩ đầu tư quốc gia sẽ được nhận tiền mà thương vụ IPO mang lại. Hai người tìm đến chuyên gia để nhờ tư vấn.

Trên suốt con đường IPO gập ghềnh trở ngại có một chuyên gia ngân hàng đóng vai chính nhưng rất ít khi xuất hiện trước công chúng là Michael Klein. Ông là người từng lăn lộn thực hiện nhiều thương vụ trên Wall Street.

Khi không thể trở thành CEO của gã khổng lồ Citigroup trong cuộc khủng hoảng tài chính, ông quyết định tách ra lập nghiệp riêng.

Trong thương vụ của Aramco, ông là người đưa ra lời khuyên trực tiếp, giúp chủ tịch tập đoàn này chọn các ngân hàng tư vấn cho đợt IPO. Bên cạnh các tên tuổi Lazard Ltd. và Moelis & Co., Chủ tịch Al-Rumayyan của Aramco đã chọn công ty của Michael Klein làm tư vấn tài chính độc lập.

Nếu ai đó có thể cảnh báo Aramco về vấn nạn các ngân hàng Wall Street hay thổi phồng định giá để được kí hợp đồng thương vụ, người đó chính là Michael Klein. Theo Bloomberg, ông chưa một lần lên tiếng báo động.

Một ngân hàng nhỏ khác là Evercore từng tham gia vụ IPO giai đoạn 2016-2018 và cảnh báo chính phủ Saudi Arabia rằng định giá 2.000 tỉ USD là rất khó đạt được. Trong giai đoạn hai của thương vụ, khi các lãnh đạo vẫn kiên quyết với mức vốn hóa trên trời, Evercore đã khéo từ chối tham gia bằng cách chào mức phí thật "chát".

Trong khi công tác chuẩn bị gần như dậm chân tại chỗ, Thái tử Mohammed bin Salman vẫn nhất quyết đòi chào bán cổ phần Aramco vào đầu năm 2021.

Tuy nhiên đến mùa hè 2019, Chủ tịch Al-Rumayyan lo ngại rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ gây ra suy thoái kinh tế, khiến giá dầu thô cùng với lợi nhuận của Aramco lao dốc. Nếu kịch bản này xảy ra, đợt IPO của Saudi Aramco sẽ phải hoãn lại nhiều năm liền.

Bloomberg dẫn lời một nguồn tin từng làm việc với thương vụ IPO trong hơn 4 năm cho biết: "Cung điện hoàng gia bỗng dưng hoảng loạn, lo sợ rằng giá dầu sắp sụp đổ. Họ chỉ nhìn thấy hai lựa chọn: Gấp rút thực hiện IPO luôn và ngay; hoặc là đợi rất, rất lâu nữa".

Đầu tiên, Saudi Arabia cố gắng khuấy động thị trường dầu mỏ thế giới bằng cách cắt giảm sản lượng xuống còn 9,6 triệu thùng một ngày, thấp hơn 700.000 thùng/ngày so với hạn ngạch chính thức mà OPEC phân bổ. Đây là một bước đi chưa từng thấy đối với vương quốc dầu mỏ này.

Mặc dù vậy, giá dầu hồi tháng 8 vẫn có lúc rơi xuống gần 55 USD/thùng, thấp hơn khoảng 60-70 USD/thùng cần thiết để hỗ trợ cho đợt IPO.

Ông Al-Rumayyan cho rằng thời gian không còn nhiều nên đã quyết định đẩy nhanh tiến độ IPO. Ông thuyết phục Thái tử Mohammed rằng nếu muốn có IPO, ông phải là người đứng đầu tập đoàn Saudi Aramco.

Aramco

Ông Al-Falih từng giữ chức Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia kiêm Chủ tịch Saudi Aramco. Tuy nhiên vì phản đối thương vụ IPO của Aramco, ông bị cách chức Chủ tịch tập đoàn vào ngày 3/9 năm nay. Người thay thế ông không ai khác ngoài Chủ tịch đương nhiệm Al-Rumayyan. Vài tuần sau, ông Al-Falih mất luôn chức Bộ trưởng Dầu mỏ.

Do thời gian quá gấp rút, Aramco gạt bỏ phương án niêm yết ở thị trường quốc tế. Tuy nhiên Tân Chủ tịch Al-Rumayyan vẫn muốn đưa dòng tiền tỉ đô của nhà đầu tư nước ngoài vào Saudi Arabia.

Để đảm bảo kế hoạch thành công và được giới phân tích đánh giá tích cực, ông thuê hầu như tất cả ngân hàng Wall Street, bao gồm những tên tuổi sừng sỏ nhất như Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bank of America và JP Morgan Chase.

Chủ tịch và Giám đốc Tài chính của Aramco nghĩ đợt IPO sẽ khá dễ dàng. Mới chỉ vài tháng trước, nhà đầu tư nước ngoài đã chen lấn xô đẩy nhau để mua cho bằng được đợt trái phiếu quốc tế đầu tiên mà Aramco phát hành.

Có lẽ do ngủ quên trên chiến thắng này, Aramco đã thiếu chuẩn bị cho đợt IPO. Mặc dù đã có 4 năm nghiên cứu, lãnh đạo tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới vẫn trầy trật khi trả lời các câu hỏi đơn giản của nhà đầu tư nước ngoài; đội ngũ pháp chế thì chậm trễ trong cung cấp tài liệu và không ai ở Aramco có thể giải thích một cách thuyết phục tại sao tập đoàn này lại xứng đáng với định giá 2.000 tỉ USD.

Đã vậy, đến ngày 14/9, mỏ dầu của Saudi Aramco tại Khurais và cơ sở chế biến dầu tại Abqaiq gần đó đã bị máy bay không người lái (drone) tấn công và bốc cháy dữ dội.

Một nửa năng lực sản xuất dầu và khí tự nhiên của Aramco bị thiêu rụi trong vài phút và phải mất nhiều tuần mới có thể khôi phục lại được. Quan trọng hơn, vụ tấn công này cho thấy Aramco rất dễ bị tổn thương trước các hành động khủng bố, phá hoại.

Aramco (1)

Saudi Arabia cáo buộc Iran là thế lực đứng sau vụ tấn công hồi giữa tháng 9, đồng thời khẳng định nguồn cung dầu mỏ của nước này đến các khách hàng trên khắp thế giới không bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, những nhà đầu tư dầu mỏ vẫn tỏ ra nghi ngại khi nhìn vào những bể chứa dầu thủng lỗ chỗ và đường ống đứt gãy tứ tung. Đa số cho rằng đợt IPO sẽ bị hoãn lại.

Tham lam, kiêu ngạo và dối trá: Bong bóng 2.000 tỉ USD của tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới vỡ tan như thế nào? - Ảnh 8.

Máy móc thiệt hại sau vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Aramco giữa tháng 9/2019. Ảnh: The Telegraph.

Tuy nhiên Thái tử Mohammed cho rằng nếu Saudi Aramco hoãn IPO tức là Iran đã giành chiến thắng. Bộ trưởng Dầu mỏ mới Abdulaziz bin Salman (đồng thời là anh em cùng cha khác mẹ với Thái tử Mohammed bin Salman) và Tổng Giám đốc Nasser của Aramco cam kết thiệt hại từ vụ cháy có thể được sửa chữa trong trong vòng vài tuần.

Các ngân hàng tư vấn cho thương vụ được lệnh tiếp tục chuẩn bị như bình thường.

Saudi Arabia làm tất cả những gì có thể để bơm thổi định giá Aramco lên, chẳng hạn như tiếp tục cắt giảm thuế suất doanh nghiệp, cung cấp ưu đãi cho nhà đầu tư mua cổ phần, … Đến ngày 4/11/2019, Chủ tịch và CEO của Aramco chính thức công bố quyết định niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong nước.

Dù vậy, thái độ của nhà đầu tư quốc tế không mấy cải thiện. Tại một cuộc họp vào sáng sớm ngày 17/11, Saudi Arabia quyết định cắt giảm qui mô IPO và hủy bỏ kế hoạch chào bán cổ phần trên thị trường nước ngoài.

Buổi roadshow dự kiến tổ chức ở London và các trung tâm tài chính khác bị hủy bỏ. Những ngân hàng Wall Street từng đánh nhau sứt đầu mẻ trán để được tham gia thương vụ tưởng là béo bở, giờ đây đều bị đuổi đi.

Theo lời của Bộ trưởng Dầu mỏ - Hoàng tử Abdulaziz, thương vụ nghìn tỉ đô đã trở thành đợt IPO "của gia đình và bạn bè chúng ta", dựa chủ yếu vào sức mua của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những gia đình Saudi Arabia giàu có và chính phủ khác trong khu vực.

Bản thân chính phủ Saudi Arabia cũng chi hơn 2 tỉ USD tiền túi để mua cổ phần Aramco. Chính phủ Qatar – đang bị Saudi Arabaia cấm vận kinh tế - cũng được mời rót tiền đầu tư nhưng kết quả không thành công.

Thương vụ cuối cùng cũng xong. Hoàng gia Saudi Arabia có thể tuyên bố thắng lợi.

Tại một cuộc họp báo tại trụ sở OPEC ở thủ đô Vienna của Áo, Hoàng tử Abdulaziz đã chỉ trích báo giới quốc tế vì đưa tin tiêu cực về đợt IPO của Aramco và khẳng định Aramco chắc chắn đạt mức định giá 2.000 tỉ USD trong vài tháng.

Thực tế chỉ sau hai phiên tăng kịch trần, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới đã đạt vốn hóa mục tiêu trên.

Trong một buổi phỏng vấn, Hoàng tử Abdulaziz tuyên bố: "Những ai chưa mua cổ phần Aramco sẽ bị sự tiếc nuối gặm nhấm tới mức tôi lo họ sẽ phải vào bệnh viện chữa trị".

Đức Quyền, Song Ngọc