|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lợi nhuận quý II/2021 của đại gia dầu mỏ Saudi Aramco bứt tốc gần 300%

19:31 | 08/08/2021
Chia sẻ
"Nối gót" các đối thủ cùng ngành, Saudi Aramco cũng báo cáo lợi nhuận quý II lạc quan trong bối cảnh giá dầu thô và các hóa chất khác phục hồi mạnh mẽ.

Saudi Aramco báo lãi lớn

Saudi Aramco, tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới, vừa báo cáo lợi nhuận ròng 96,5 tỷ riyal (tương đương 25,5 tỷ USD) trong quý II năm nay, cũng là kết quả cao nhất kể từ cuối năm 2018.

So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận ròng của Saudi Aramco đã tăng trưởng mạnh mẽ 288%. Kết quả kinh doanh này vượt cả dự đoán của các nhà phân tích ngành năng lượng. Trước đó, giới chuyên gia cho rằng lợi nhuận ròng quý II năm nay của Saudi Aramco sẽ đạt khoảng 24,7 tỷ USD.

Ngoài ra, dòng tiền tự do (free cashflow) của gã khổng lồ ngành dầu mỏ còn tăng lên 22,6 tỷ USD. Mức chia cổ tức quý II năm nay của Saudi Aramco là khoảng 18,75 tỷ USD, như vậy đây là lần đầu tiên dòng tiền tự do của ông lớn này vượt mức chia cổ tức kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm ngoái.

Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn dần mở cửa trở lại, thị trường hàng hóa toàn cầu đã nhận được một cú hích. Riêng từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng khoảng 40%.

Khoản chia cổ tức thường niên 75 tỷ USD của Saudi Aramco, thuộc hàng cao nhất thế giới, là một nguồn ngân sách quan trọng của chính phủ Arab Saudi.

Riyadh sở hữu khoảng 98% cổ phần của Saudi Aramco và đang cố gắng thu hẹp mức thâm hụt ngân sách xác lập vào năm ngoái, khi giá dầu thô tụt dốc vì sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Lợi nhuận quý II/2021 của đại gia dầu mỏ Saudi Aramco bứt tốc gần 300%  - Ảnh 1.

Chia sẻ với Bloomberg, CEO Amin Nasser của Saudi Aramco cho biết kết quả kinh doanh quý II/2021 "phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới".

Đồng thời, ông khẳng định Saudi Aramco đang hướng đến nửa cuối năm lạc quan hơn khi đà phục hồi tiếp tục. "Tôi cực kỳ hy vọng về kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm nay, cũng như vào năm tới", ông Nasser nhấn mạnh.

Tỷ lệ gearing của Saudi Aramco, một thước đo nợ ròng trên vốn chủ sở hữu, đã giảm từ 23% vào cuối năm ngoái xuống còn khoảng 19,4%. Dù vậy, kết quả này vẫn cao hơn con số mong muốn của ban lãnh đạo tập đoàn là 15%.

Theo Bloomberg, tỷ lệ gearing giảm là nhờ vào việc dòng tiền cải thiện cũng như do Saudi Aramco đã sử dụng khoản tiền thu được từ thỏa thuận bán cổ phần đường ống dẫn dầu để trả bớt khối nợ.

Cụ thể, tháng 6 vừa qua, gã khổng lồ ngành dầu mỏ Arab Saudi đã hoàn tất thỏa thuận bán cổ 49% cổ phần đường ống dẫn dầu, trị giá 12,4 tỷ USD với một liên doanh do tập đoàn IEG Global Energy Partners của Mỹ dẫn dắt.

Chi phí vốn của Saudi Aramco trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 15,7 tỷ USD và tập đoàn kỳ vọng con số này sẽ tăng lên khoảng 35 tỷ USD cho cả năm 2021. Aramco sẽ công bố báo cáo tài chính chi tiết hơn vào ngày 9/8.

Lợi nhuận quý II/2021 của đại gia dầu mỏ Saudi Aramco bứt tốc gần 300%  - Ảnh 2.

Nhân viên đi bộ gần một bể chứa dầu tại nhà máy lọc dầu Ras Tanura của Saudi Aramco. (Ảnh: Reuters).

Trong hai tuần qua, các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới như BP, Chevron và Royal Dutch Shell cũng báo cáo kết quả kinh doanh quý II bội thu. Đồng thời, các doanh nghiệp này còn cho biết họ sẽ tăng mua lại cổ phần, tự tin rằng giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch đã qua.

Đơn cử, tập đoàn năng lượng BP của Anh tuyên bố họ đã làm ăn có lãi trở lại trong quý II, sau khi chứng kiến khoản lỗ nặng vào cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với thị trường dầu mỏ. Cụ thể, lợi nhuận ròng của BP trong quý II/2021 đạt 3,1 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2020 báo lỗ 16,8 tỷ USD.

Tương tự, tập đoàn Chevron của Mỹ báo cáo khoản lãi 3,1 tỷ USD trong quý II năm nay. Cùng kỳ năm trước, ông lớn này ghi nhận khoản lỗ đến 8,3 tỷ USD.

Khả Nhân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.