Cổ phiếu Saudi Aramco tăng kịch trần trong ngày IPO lớn nhất lịch sử
CNBC đưa tin: Cổ phiếu Saudi Aramco lên sàn chứng khoán Riyadh sáng nay (11/12) với giá ban đầu 32 riyal, tương đương 8,53 USD/cp và vốn hóa 1.700 tỉ USD. Giao dịch vừa bắt đầu, giá cổ phiếu này đã tăng kịch trần 10% lên 35,2 riyal/cp, tương đương vốn hóa gần 1.880 tỉ USD.
Trong lần IPO này, Aramco chỉ niêm yết 1,5% số cổ phần của mình lên sàn chứng khoán. Dù vậy, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới vẫn huy động được tới 25,6 tỉ USD, vượt qua con số 25 tỉ USD của đại gia thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc hồi tháng 9/2014 để trở thành thương vụ IPO lớn nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, mức vốn hóa ban đầu 1.700 tỉ USD hay thậm chí là mức sau tăng kịch trần 1.880 tỉ USD vẫn còn thấp hơn con số mục tiêu mà Hoàng gia Saudi Arabia hướng tới là 2.000 tỉ USD. Tổng tài sản của Saudi Aramco thời điểm 30/9 năm nay là gần 390 tỉ USD.
Các nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng với mức định giá mà chính phủ Saudi Arabia đưa ra, mặc dù Aramco là tập đoàn có lợi nhuận lớn nhất thế giới.
Năm ngoái, Aramco ghi nhận lãi ròng 111 tỉ USD, tương ứng 304 triệu USD mỗi ngày, bỏ xa các doanh nghiệp cùng ngành dầu khí như Exxon Mobil, British Petroleum hay các đại gia công nghệ như Apple, Microsoft, … Trong 9 tháng đầu năm nay, tập đoàn này có lãi tới 68 tỉ USD.
Tuy nhiên lợi nhuận của Saudi Aramco đang có xu hướng đi xuống. Chưa kể, những rủi ro từ biến đổi khí hậu và bất ổn địa chính trị cũng đang đe dọa hoạt động của Aramco.
Rủi ro với tập đoàn sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới
Ngày 14/9 năm nay, mỏ dầu của Saudi Aramco tại Khurais và cơ sở chế biến dầu tại Abqaiq gần đó đã bị máy bay không người lái (drone) tấn công và bốc cháy dữ dội. Các cột khói bốc cao hàng chục kilomet và có thể được quan sát rõ từ vệ tinh.
Ít ai ngờ rằng những vũ khí tương đối đơn giản và rẻ tiền như drone lại có thể tấn công và thiêu rụi quá nửa năng lực sản xuất dầu của Saudi Arabia.
Theo ước tính của Saudi Aramco khi đó, sản lượng dầu của toàn vương quốc này giảm 5,7 triệu thùng/ngày vì vụ khủng bố – tương đương 5% tổng sản lượng dầu toàn thế giới và trên 50% sản lượng dầu của Saudi Arabia.
Máy móc thiệt hại sau vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Aramco giữa tháng 9/2019. Ảnh: The Telegraph.
Các cuộc tấn công này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất khí, làm cho nguồn cung khí ethane và khí tự nhiên hóa lỏng sụt giảm 50%, tương đương khoảng 600 triệu m3. Phải mất nhiều tuần sửa chữa, hoạt động sản xuất của Aramco mới quay lại bằng thời kì trước vụ khủng bố.
Song song với vai trò nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Aramco còn là doanh nghiệp phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Theo ước tính của Viện Trách nhiệm Khí hậu, Saudi Aramco đã trực tiếp hoặc gián tiếp phát ra môi trường 59.262 tấn khí nhà kính trong giai đoạn 1965-2017. Để so sánh, khối lượng này cao gấp hơn 6 lần phát thải của cả nước Trung Quốc trong năm 2017 (9.838 tấn).
Nguồn: Viện Trách nhiệm Khí hậu/Visual Capitalist.
Làn sóng chống biến đổi khí hậu và phản đối các doanh nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang lên cao, đe dọa tới mô hình kinh doanh và khả năng tạo lợi nhuận của các tập đoàn dầu mỏ như Saudi Aramco.