Hà Nội 17 °C | 11:44PM, 08/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các nhà sản xuất ô tô chi gần 1.200 tỷ USD phát triển mảng xe điện tới năm 2030

08:37 | 22/10/2022
Chia sẻ
Các công ty dự kiến sẽ chi đậm hơn phần còn lại để phát triển mảng kinh doanh xe điện cho tới năm 2030 bao gồm Tesla, Volkswagen, Toyota và Ford.

Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đang có kế hoạch chi gần 1.200 tỷ USD cho đến năm 2030 để phát triển và sản xuất hàng triệu xe điện, cùng với pin xe điện và nguyên liệu thô để hỗ trợ sản xuất, theo phân tích của Reuters dựa trên những dữ liệu công khai và dự đoán do các công ty sản xuất ô tô công bố.

Con số đầu tư vào xe điện, chưa được công bố trước đây, thấp hơn các ước tính đầu tư trước đó mà Reuters từng đưa ra và cao hơn gấp đôi so với tính toán gần đây nhất được công bố chỉ một năm trước.

Để đưa con số đầu tư dự tính vào bối cảnh, Alphabet, công ty mẹ của Google và Waymo, có giá trị vốn hóa thị trường là 1.300 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản đầu tư ước tính cho ngành xe điện của các công ty sản xuất ô tô tính đến năm 2030 gần bằng giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của một trong những doanh nghiệp lớn nhất hành tinh.

Các nhà sản xuất ô tô đã dự báo kế hoạch sản xuất khoảng 54 triệu xe điện chạy thuần bằng pin vào năm 2030, chiếm hơn 50% tổng sản lượng xe trên toàn cầu, theo phân tích của Reuters.

Để hỗ trợ mức độ sản xuất và đầu tư chưa từng có của ngành xe điện, các nhà sản xuất ô tô và các đối tác sản xuất pin của họ đang có kế hoạch lắp đặt công suất sản xuất pin 5,8 TWh (terawatt - giờ) vào năm 2030, theo dữ liệu từ Benchmark Mineral Intelligence và các nhà sản xuất.

Tesla là công ty dự kiến chi nhiều nhất cho mảng kinh doanh xe điện. (Ảnh: Reuters).

Dẫn đầu mảng sản xuất sạc xe điện không ai khác, mà chính là gã khổng lồ trong ngành Tesla, nơi Giám đốc điều hành Elon Musk đã vạch ra một kế hoạch táo bạo để sản xuất 20 triệu xe điện vào năm 2030. Điều này yêu cầu lượng pin xe điện ước tính có công suất 3 TWh.

Vào cuối tháng 10, tỷ phú người Nam Phi cho biết công ty sản xuất xe điện của ông đang làm việc trên một nền tảng xe nhỏ hơn với mục tiêu giảm chi phí sản xuất bằng một nửa so với hai trong mẫu xe hàng đầu của Tesla hiện nay là Model 3 và Model Y.

Trong khi Tesla chưa tiết lộ đầy đủ về kế hoạch chi tiêu của mình, mức tăng trưởng theo cấp số nhân như vậy - tăng gấp 13 lần so với ước tính 1,5 triệu xe mà hãng hy vọng sẽ bán được trong năm nay – nhiều khả năng sẽ khiến chi phí sản xuất của công ty tăng lên hàng trăm tỷ USD, theo phân tích của Reuters dựa trên những tiết lộ và dự báo tài chính của Tesla về nhu cầu xe điện cũng như sản xuất pin trên toàn cầu.

Một công ty sản xuất ô tô hàng đầu thế giới khác là Volkswagen của Đức, dù cho có phần tụt hậu so với Tesla trên thị trường xe điện, cũng có kế hoạch đầy tham vọng vào cuối thập kỷ này, nhắm mục tiêu chi hơn 100 tỷ USD để xây dựng danh mục xe điện riêng cho mình.

Ông lớn ngành ô tô có trụ sở tại Đức cũng dự kiến sẽ xây thêm "gigafactories" (siêu nhà máy) pin mới ở châu Âu và Bắc Mỹ, cũng như tìm kiếm nguồn cung cấp vật liệu chính.

Tập đoàn ô tô Toyota của Nhật Bản, một trong những nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới, đang đầu tư 70 tỷ USD để thúc đẩy quá trình chuyển từ xe xăng sang xe và sản xuất nhiều pin xe điện hơn. Công ty dự kiến ​​sẽ bán được ít nhất 3,5 triệu mẫu xe điện chạy bằng pin (BEV) vào năm 2030. Toyota cũng có kế hoạch ít nhất 30 mẫu BEV khác nhau và dự kiến ​​sẽ chuyển đổi toàn bộ dòng xe sang Lexus từ xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện.

Ford Motor Co, một nhà sản xuất ô tô lâu đời có trụ sở tại Mỹ tiếp tục tăng mức chi tiêu cho mảng kinh doanh xe điện, hiện ở mức 50 tỷ USD, và công suất pin ít nhất 240 GWh (gigawatt – giờ) với các đối tác của mình khi đặt mục tiêu sản xuất khoảng 3 triệu BEV vào năm 2030, bằng một nửa tổng sản lượng sản xuất của công ty.

Mercedes-Benz, hãng xe sang có trụ sở tại Đức, đã chi ít nhất 47 tỷ USD cho việc phát triển và sản xuất xe điện. Gần 2/3 trong khoản đầu tư đó được Mercedes-Benz dùng để thúc đẩy dung lượng pin toàn cầu của mình với các đối tác lên hơn 200 GWh.

Ngoài những cái tên kể trên, một số nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới khác như BMW (Đức), Stellantis (Hà Lan) và General Motors (Mỹ) đều có những kế hoạch riêng, chi ít nhất 35 tỷ USD cho mảng phát triển kinh doanh xe điện và pin xe điện. Trong đó, Stellantis là tập đoàn đưa ra chương trình phát triển pin cụ thể nhất: Dự kiến đạt ​​400 GWh với các đối tác vào năm 2030, bao gồm 4 nhà máy sản xuất đặt tại khu vực Bắc Mỹ.

Anh Nguyễn

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.