Vì sao các cửa hàng tiện lợi chưa vội thay thế trạm xăng bằng trạm sạc xe điện?
Các cửa hàng tiện lợi và trạm xăng đã trở thành biểu tượng của nhiều quốc gia trong vài thế kỷ. Giờ đây, khi xe xăng đang dần được thay thế bởi xe điện, nhiều người tin rằng đã tới lúc các cửa hàng tiện thay thế các trạm xăng bằng trạm sạc xe điện.
Theo CNN, thực tế không nhiều cửa hàng tiện lợi làm điều này. Các khoản phí cao khiến trạm sạc xe điện không hấp dẫn và không có lợi đối với các cửa hàng tiện lợi.
Theo Jigar Shah, Giám đốc Dịch vụ Năng lượng tại Electrify America, công ty vận hành mạng lưới sạc công cộng lớn nhất ở Mỹ, việc sạc bốn xe cùng một lúc tại một trạm sạc có thể khiến nhà điều hành mất tối thiểu 250.000 USD/năm.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các khoản phí theo yêu cầu có thể chiếm 90% chi phí tiêu thụ điện của một trạm sạc. Các khoản phí này có thể khác nhau và xuất hiện khi có nhiều ổ sạc cùng một lúc, được yêu cầu để sạc nhanh ngay cả khi chỉ có duy nhất một chiếc xe tại đó.
Chi phí, vấn đề lớn của các cửa hàng tiện lợi muốn vận hành trạm sạc
Jacob Maass, một lãnh đạo của công ty Kum and Go có trụ sở tại Iowa, cho biết các cửa hàng tiện lợi đã trở nên cẩn thận hơn về vị trí đặt bộ sạc xe điện kể từ lần đầu chúng được lắp vào năm 2008.
Năm 2017, công ty lắp bộ sạc nhanh đầu tiên để sạc các phương tiện nhanh hơn, nhưng có thể gây ra những khoản phí khổng lồ cho đơn vị vận hành vì tốc độ tiêu hao năng lượng của các trạm sạc. Kum and Go có bộ sạc tại 35 trong số 400 địa điểm. Ngay cả một bộ sạc duy nhất hoạt động ở tốc độ theo yêu cầu của các khoản hỗ trợ mà chính quyền ông Biden đã công bố cũng có thể dẫn đến các khoản phí lớn.
Maass cho biết Kum và Go quan tâm đến việc làm thế nào để mọi người ra khỏi ô tô của họ trong quá trình sạc xe điện và vào các cửa hàng tiện lợi của công ty. Các doanh nghiệp như Kum và Go thường phụ thuộc vào trạm xăng để thu hút khách mua hàng tại cửa hàng tiện lợi. Theo nhóm thương mại công nghiệp Mỹ, các cửa hàng tiện lợi có trạm xăng chiếm 80% lượng nhiên liệu được bán ra ở quốc gia này.
Thực tế, phần lớn lợi nhuận không đến từ các trạm xăng mà tới từ các cửa hàng tiện lợi. Một số chuyên gia trong ngành cho rằng việc thay thế trạm xăng bằng trạm sạc xe điện sẽ có lợi cho các cửa hàng tiện lợi bởi thời gian sạc lâu hơn thời gian đổ xăng, qua đó có thể giữ chân khách trong cửa hàng lâu hơn.
Dù vậy, rủi ro từ việc gánh các khoản lỗ khi vận hành trạm sạc xe điện có thể làm chậm quá trình tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ các cửa hàng tiện lợi bên cạnh những trạm sạc này. Hiện tại, các cửa hàng tiện lợi như Kum và Go có nguy cơ bị tính phí theo yêu cầu hàng nghìn USD ở nhiều bang trên lãnh thổ nước Mỹ, tùy thuộc vào cách khách hàng sử dụng bộ sạc của họ.
Đối với các nhà triển khai bộ sạc xe điện có lượng khách hàng lớn, các khoản phí này có thể ít hơn. Chúng có thể được trải đều trong một nhóm lớn khách hàng. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp ở những khu vực ít người sử dụng xe điện, mức phí quá cao để chuyển từ một khách hàng sử dụng trạm xăng sang một khách hàng sử dụng trạm sạc xe điện sẽ khiến họ phải suy nghĩ.
Các cửa hàng tiện lợi có thể cố gắng giải quyết vấn đề sạc pin theo yêu cầu bằng cách lắp pin dự phòng vào bộ sạc của họ. Việc trang bị pin dự phòng sẽ cho phép các cửa hàng tiện lợi tiêu thụ năng lượng ở mức vừa phải trong ngày, bao gồm những ngày mà nhu cầu sạc điện thấp hơn, tích tụ năng lượng trong pin và sau đó sạc nhanh khi có khách hàng cần sạc. Bằng cách đó, các cửa hàng tiện lợi sẽ không phải tiêu hao một lượng năng lượng lớn cùng một lúc.
Theo Ramzey Smith, phát ngôn viên của Bộ Năng lượng Mỹ, các quỹ liên bang có thể được sử dụng để trang trải cho các vấn đề liên quan tới pin xe điện. Một số nhà khai thác trạm sạc xe điện đã chuyển sang sử dụng pin. Electrify America đã lắp đặt bộ lưu trữ pin tại hơn 140 trạm sạc nhanh của mình.
John DeBoer, người đứng đầu chiến lược điện khí hóa tại Siemens, công ty lắp đặt bộ sạc cho các doanh nghiệp như Amazon, có suy nghĩ ngược lại khi cho rằng việc sạc pin dự phòng có thể khiến chi phí vận hành một trạm sạc tăng lên vài lần so với bình thường.
Sự cạnh tranh mới
Một số cửa hàng tiện lợi cũng lo ngại về sự cạnh tranh trực tiếp từ các đơn vị vận hành công trình công cộng. Trevor Walter, một CEO của Sheetz cho biết: “Các đơn vị vận hành tiện ích công cộng được quản lý có thể sử dụng vị thế độc quyền của họ để đạt được lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp tư nhân”.
Nhiều đơn vị vận hành công trình công cộng thực sự có vị thế độc quyền trên thị trường, vì chi phí để gia nhập thị trường cao đến mức “cắt cổ”. Sự thiếu cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mang lại cho các đơn vị vận hành tiện ích công cộng lợi thế so với hầu hết công ty tư nhân muốn tham gia vào thị trường sạc xe điện.
Các đơn vị vận hành công trình công cộng cũng có thể không điều chỉnh mức phí theo yêu cầu nếu họ đang chế tạo bộ sạc xe điện của riêng mình. Hầu hết đơn vị vận hành công trình công cộng không sản xuất bộ sạc cho xe điện, nhưng một số đã bắt đầu làm điều này.
Xcel, một công ty công trình công cộng hoạt động ở Minnesota, là một ví dụ điển hình. Đơn vị này cho biết họ có kế hoạch xây dựng hàng trăm bộ sạc tại Minnesota. Xcel hiện chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
“Không một doanh nghiệp tư nhân nào mạo hiểm hàng nghìn USD để mua và lắp đặt, bảo trì và vận hành các trạm sạc xe điện nếu có rủi ro. Việc nhìn thấy các tiện ích công cộng được Georgia Power hay Xcel lắp đặt trên đường phố sẽ khiến các doanh nghiệp tư nhân từ bỏ ý định cạnh tranh”, Ryan McKinnon, phát ngôn viên của Charge Ahead Partnership, đại diện cho các doanh nghiệp, cho biết.