Các công ty châu Á đổ mồ hôi hột vì ông Trump 'đặc biệt khó lường'
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết “thuế quan” là cụm từ yêu thích của ông. Tại nhiều cuộc vận động cử tri, ứng viên tranh cử của Đảng Cộng hoà tuyên bố tăng mạnh thuế quan sẽ buộc các nhà sản xuất phải chuyển nhà máy đến Mỹ.
Lời đe doạ đó đang khiến một số ông lớn châu Á từng công bố khoản đầu tư vào Mỹ phải đổ mồ hôi hột. Ông Trump từng lớn tiếng chỉ trích Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) là một “trò lừa đảo”, còn Đạo luật CHIPS và Khoa học là một thoả thuận tồi.
Các doanh nghiệp châu Á đang không biết liệu ông Trump có thể quay trở lại Nhà Trắng và huỷ bỏ các chính sách ưu đãi thuế cũng như trợ cấp mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ban hành hay không.
Những cái tên như Toyota Motor, Hyndai Motor, TSMC và Samsung Electronics đều đang tăng cường sự hiện diện tại Mỹ để tận dụng sức mạnh kinh tế cũng như các ưu đãi công nghiệp của ông Biden.
Theo dữ liệu của nền tảng Comtrade của Liên Hợp Quốc, trung bình mỗi năm kể từ năm 2021 các doanh nghiệp quốc tế đã tuyên bố đầu tư mới hơn 110 tỷ USD vào siêu cường số một thế giới.
Các nền kinh tế phát triển của Đông Á luôn đi đầu, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cam kết rót tổng cộng 147 tỷ USD trong ba năm qua.
Hiện tại, sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang gây ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của các công ty này.
Theo nhận xét của nhà nghiên cứu Bill Reinsch, “ông Trump là người đặc biệt khó lường” và ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà có thể đưa ra những quyết định đột ngột nếu tái đắc cử.
Ông Reinsch từng là quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
“Có khả năng ông Trump sẽ bãi bỏ các quy định của chính quyền trước, mặc dù tôi nghĩ ông ấy sẽ hành động một cách có chọn lọc, có thể là tập trung vào các khoản tín dụng thuế dành cho năng lượng tái tạo”, nhà nghiên cứu Reinsch nói thêm.
Đạo luật IRA do chính quyền Tổng thống Biden ban hành vào năm 2022 cung cấp các khoản tín dụng thuế cùng một số ưu đãi khác cho việc sản xuất xe điện, năng lượng tái tạo, nhiên liệu hàng không bền vững và hydro.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tổng biên tập John Micklethwait của Bloomberg tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago, ông Trump mô tả IRA là một “trò lừa đảo mới về năng lượng xanh”.
Trong khi đó, Đạo luật CHIPS và Khoa học cung cấp các ưu đãi để đưa hoạt động sản xuất chất bán dẫn trở về Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Trump đánh giá chính sách trên rất tệ và Đài Loan “đã đánh cắp hoạt động kinh doanh chip của Mỹ”. Ông cho rằng áp mức thuế quan cao hơn là một cách hay để buộc các công ty phải xây nhà máy tại Mỹ.
“Bạn áp mức thuế quan cao hơn đối với chip nhập khẩu. Sau đó, bạn tuyên bố với doanh nghiệp nước ngoài rằng họ không phải đóng thuế. Tất cả những gì họ phải làm là xây dựng nhà máy tại Mỹ. Chúng ta không phải đưa tiền để họ xây nhà máy”, ông Trump giải thích.
Rủi ro về xe điện
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư mạnh tay vào ngành công nghiệp pin tại Mỹ. Hai ông lớn LG Energy Solution và SK On đang xây dựng nhà máy tại Arizona, Georgia và Michigan.
Tuy nhiên, nhu cầu xe điện hiện không mạnh mẽ như kỳ vọng và nếu chính quyền ông Trump cắt giảm các ưu đãi, điều đó có thể gây tổn hại đến tình hình tài chính của các công ty Hàn Quốc và khiến họ nản lòng.
LG Energy cho biết họ nhìn thấy rủi ro đối với kế hoạch sản xuất tại Mỹ do doanh số bán xe điện không tốt như dự kiến và khả năng ông Trump huỷ bỏ các chính sách ưu đãi của chính quyền hiện tại.
Vào tháng 7, LG Energy đã hạ mục tiêu doanh thu hàng năm sau khi lợi nhuận quý II không thoả dự báo của các nhà phân tích. Công ty này cũng đề cập đến việc bất ổn chính trị gia tăng trước thềm bầu cử tổng thống.
Nhiều điều khoản liên quan đến xe điện có thể là mục tiêu chính của cựu Tổng thống Trump nếu ông thắng cử, đặc biệt là nếu Đảng Cộng hoà nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Đây là nhận định của nhà phân tích Corey Cantor thuộc BloombergNEF.
Vị chuyên gia lưu ý rằng các mục tiêu về tiết kiệm nhiên liệu và khí thải “gần như chắc chắn sẽ được soạn lại” và khoản tín dụng thuế lên tới 7.500 USD khi mua hoặc thuê xe điện cũng có thể bị thu hồi.
Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc đã trấn an các doanh nghiệp rằng ông kỳ vọng mối quan hệ bền chặt với Mỹ và hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục bất luận ai thắng cử.
Trái lái, các doanh nghiệp dự đoán nhiều rào cản thương mại mới sẽ được dựng lên và căng thẳng địa chính trị sẽ leo thang trong tương lai. Hai phần ba số nhà sản xuất được Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc khảo sát dự đoán chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ gia tăng vào năm tới.
Cho đến khi chính sách thương mại và công nghiệp của Mỹ trở nên rõ ràng hơn, các doanh nghiệp châu Á nhiều khả năng sẽ trì hoãn kế hoạch đầu tư hoặc chần chừ lập kế hoạch đầu tư mới tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chia sẻ với Bloomberg, ông David Boling, Giám đốc phụ trách hoạt động thương mại châu Á tại Eurasia Group, cho rằng loại bỏ các trợ cấp trong Đạo luật IRA “có thể khiến một số doanh nghiệp cân nhắc lại khoản đầu tư”.
“Bất kỳ thay đổi lớn nào trong Đạo luật IRA đều có thể kìm nén nhu cầu đầu tư của một số công ty nước ngoài. Tuy nhiên, khó có thể nói các thay đổi sẽ làm đảo lộn hoàn toàn dòng vốn đầu tư hiện tại”, ông Boling lưu ý.