Cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 546 tỷ đồng bất chấp lực xả mạnh trong phiên đáo hạn phái sinh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/8/2021, VN-Index tăng 13,91 điểm (1,02%) lên 1.374,85 điểm, còn VN30-Index tăng mạnh hơn với 15,47 điểm. Tương tự, chỉ số tại HNX và UPCoM cũng ghi nhận diễn biến tích cực.
Thanh khoản cả phiên được đẩy lên cao, đặc biệt là trong phiên chiều. Giá trị giao dịch toàn sàn đạt trên 31.800 tỷ đồng, tương đương gần 996 triệu đơn vị. Trong đó, giá trị giao dịch trên HOSE là 25.511 tỷ đồng, tăng 4,5% so với phiên trước.
Thống kê giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước tiếp tục vị thế là bên mua ròng lớn nhất trên thị trường. Quy mô mua ròng đạt 546 tỷ đồng, có phần thu hẹp so với phiên trước đó. Tính cả giao dịch thỏa thuận, họ mua ròng gần 1.508 tỷ đồng.
Cùng chiều, khối ngoại bất ngờ chấm dứt chuỗi 8 phiên bán ròng liên tiếp để giao dịch đồng thuận với các cá nhân. Nhóm này đảo chiều mua ròng 150 tỷ đồng.
Trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 8, khối tự doanh công ty chứng khoán và tổ chức trong nước giao dịch cùng chiều khi đồng loạt bán ròng lần lượt 393 tỷ đồng và 303 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản tiếp tục thu hút lượng lớn dòng tiền
Tuy quy mô mua ròng thu hẹp, phiên 19/8 vẫn đánh dấu phiên mua ròng thứ 10 liên tiếp của các cá nhân, trong đó nhóm này mua ròng 9 nhóm ngành.
Là nhóm đóng góp lớn nhất cho Index với 7,35 điểm tăng, bất động sản tiếp tục là tâm điểm thu hút dòng tiền của các cá nhân trong nước. Theo thống kê, nhà đầu tư cá nhân mua ròng trên 945 tỷ đồng cổ phiếu nhóm này, chiếm phần lớn lực mua trong toàn phiên giao dịch.
Cùng chiều, lực cầu cũng xuất hiện tại các nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp (181 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (51,1 tỷ đồng)...
Trái chiều, giao dịch bán ròng xuất hiện tại 9/18 ngành. Trong đó, giao dịch đảo chiều mạnh tại nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính khiến hai nhóm này bị bán ròng tương ứng 215 tỷ đồng và 228 tỷ đồng). Cổ phiếu tài nguyên cơ bản tiếp tục bị chốt lời 111 tỷ đồng.
Điểm sáng ở chiều mua ròng là cổ phiếu VHM của Vinhomes
Nối tiếp xu hướng những phiên trước, cổ phiếu VHM có phiên thứ tư dẫn dắt chiều mua ròng của các cá nhân. Mã này được mua ròng 694 tỷ đồng, tuy đã suy giảm 222 tỷ đồng so với phiên trước nhưng vẫn áp đảo ở bên mua.
Trong tuần này, VHM đã điều chỉnh ba phiên liên tục sau thông tin Vingroup dự định bán hơn 100 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 3% vốn điều lệ của Vinhomes. Một cổ đông ngoại cũng muốn bán gần 32 triệu đơn vị VHM. Sau phiên 19/8, giá VHM hồi phục 0,9%, đóng cửa với vốn hóa gần 372.000 tỷ đồng.
Nối tiếp, lực cầu tập trung tại nhiều đại diện nhóm bất động sản khác như DIG (89,1 tỷ đồng), NVL (80,8 tỷ đồng), NLG (48,4 tỷ đồng).
Sau khi CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân liên tục thoái vốn, cổ đông lớn nhất là CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam đã bán ra 10 triệu cp DIG trong hai phiên 16 và 17/8. Đóng cửa phiên 19/8, DIG đã hồi phục 2,35% lên vùng giá 34.800 đồng/cp.
Lực cầu được ghi nhận tại nhiều cổ phiếu khác với giá trị chưa tới 100 tỷ đồng, lần lượt là ACB (71,4 tỷ đồng), GMD (67,6 tỷ đồng), GAS (61,5 tỷ đồng), LPB (49,9 tỷ đồng), PVT (33,2 tỷ đồng) và GEX (33,1 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, SSI bị bán ròng mạnh nhất với 228 tỷ đồng. Dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường phiên hôm nay, cổ phiếu của Chứng khoán SSI ghi nhận tổng giá trị giao dịch đạt 3.052 tỷ đồng và khối lượng 52,7 triệu đơn vị. Trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 971 tỷ, tương ứng với 15,7 triệu đơn vị. Phần còn lại là giao dịch thỏa thuận.
Kết phiên, SSI ghi nhận mức giá kỷ lục 62.700 đồng/cp, tăng 4,2% và tương ứng với vốn hóa hơn 41.000 tỷ đồng.
Giao dịch đảo chiều ở nhóm ngân hàng khiến nhiều cổ phiếu bị cá nhân bán ròng mạnh như VPB, VCB, MBB, STB, TCB và CTG. Lực bán ròng tại những mã này đều ghi nhận dưới 100 tỷ đồng.
Cùng chiều, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng nhẹ HPG (97 tỷ đồng), DGC (53,5 tỷ đồng) và VJC (30 tỷ đồng).