NĐT cá nhân là lực mua chính bất chấp áp lực bán gia tăng từ khối ngoại, gom gần 1.000 tỷ đồng VHM phiên 18/8
Mặc dù phần lớn thời gian giao dịch trong sắc xanh, áp lực chốt lời mạnh trước phiên đáo hạn phái sinh tháng 8 khiến VN-Index quay đầu giảm điểm. Chỉ số biến động trong biên độ lớn về cuối phiên, sau pha bật mạnh lại tiếp tục cắm đầu giảm sâu và cân bằng trở lại khi đóng cửa.
Kết phiên, VN-Index giảm 2,15 điểm (0,16%) còn 1.360,94 điểm, tạo thành mẫu hình nến Doji cho thấy xu hướng lưỡng lự giữa hai chiều mua - bán. Trái lại, HNX-Index và UPCoM-Index vẫn giữ được sắc xanh khi đóng cửa.
Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường trong phiên chiều nhưng thanh khoản vẫn thấp hơn so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường là 922 triệu đơn vị, tương đương 30.184 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên HOSE giảm hơn 5% so với phiên hôm qua (17/8), còn 24.407 tỷ đồng.
Xét riêng giao dịch khớp lệnh tại HOSE, nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực mua lớn nhất trên thị trường trong phiên mua ròng thứ 9 liên tiếp. Nhóm này duy trì quy mô mua ròng lớn, gần như tương đồng với phiên trước ở mức 1.911 tỷ đồng bất chấp nhịp điều chỉnh của VN-Index.
Đồng thuận với các cá nhân, khối tự doanh công ty chứng khoán bất ngờ đảo chiều mua ròng 628 tỷ đồng sau nhiều phiên kiên trì bán ròng.
Tại chiều đối ứng, khối ngoại tiếp tục gia tăng áp lực chốt lời lên mốc 1.869 tỷ đồng, tập trung ở nhóm cổ phiếu Vingroup và chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Theo sau là các tổ chức nội với lực xả ròng 670 tỷ đồng.
Giao dịch tập trung ở nhóm bất động sản bất chấp sắc đỏ trên diện rộng
Giao dịch theo nhóm ngành không có nhiều sự biến động so với hai phiên đầu tuần khi lực mua lớn nhất vẫn tập trung tại nhóm bất động sản. Cụ thể, cổ phiếu bất động sản được mua ròng trên 1.276 tỷ đồng, giảm nhẹ 35 tỷ đồng so với phiên liền trước.
Bên cạnh đó, giao dịch bán ròng được ghi nhận tại 12 nhóm ngành khác, lần lượt là dịch vụ tài chính (264 tỷ đồng), ngân hàng (182 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (177 tỷ đồng). Trong đó lực cầu bất ngờ gia tăng tại nhóm dịch vụ tài chính đưa cổ phiếu ngành này trở lại danh mục mua ròng của các cá nhân.
Trái lại, nhóm nhà đầu tư cá nhân xả ròng tại 5 nhóm ngành, chủ yếu là tài nguyên cơ bản (82 tỷ đồng) và công nghệ thông tin (35 tỷ đồng)... Nhìn chung, chuyển động dòng tiền của các cá nhân tiếp tục có sự đối ứng với với xu hướng giao dịch của khối ngoại.
Chiều mua chiếm ưu thế với tâm điểm là giao dịch mua ròng hơn 900 tỷ đồng cổ phiếu VHM
Phiên 18/8 đánh dấu ngày giao dịch thứ 3 liên tiếp nhà đầu tư cá nhân mua ròng cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes. Lực cầu tiếp tục tăng mạnh hơn 40% lên mức 916,7 tỷ đồng so với quy mô giải ngân trong phiên trước.
Sau thông tin Tập đoàn Vingroup và quỹ ngoại liên quan tới KKR muốn bán trên 132 triệu cổ phiếu VHM từ ngày 19/8 đến ngày 17/9, khối lượng giao dịch VHM đã tăng mạnh trong những phiên gần đây lên mức 18 - 23 triệu đơn vị, vượt trội so với giao dịch bình quân khoảng 7 triệu cổ phiếu những phiên trước đó.
Mặc dù vậy, áp lực chốt lời lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn khiến giá cổ phiếu liên tục lao dốc về mức 110.000 đồng/cp, đưa VHM trở thành một trong hai mã tác động tiêu cực nhất tới chỉ số khi lấy đi 1,45 điểm của VN-Index.
Mới đây, VHM quyết định điều chỉnh phương án chia cổ tức năm 2020 cho cổ đông hiện hữu với số tiền chia cổ tức tiền mặt tăng lên thành 5.024 tỷ đồng và số lượng cổ phiếu phát hành thêm tăng lên thành 1 tỷ cổ phiếu.
Cùng chiều, cổ phiếu VIC cũng thu hút 89 tỷ đồng mua ròng. Lực cầu có phần giảm nhiệt so với quy mô 292 tỷ đồng trong phiên giao dịch không hưởng quyền 17/8 trước đó. Tuy vậy, áp lực bán mạnh từ khối ngoại khiến cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup đánh mất 1,01% giá trị về vùng 97.900 đồng/cp.
Nối tiếp, giao dịch mua ròng được ghi nhận tại SSI của Chứng khoán SSI (223 tỷ đồng). Mới đây, SSI thông báo ngày đăng ký cuối cùng phát hành tăng vốn từ nguồnvốn chủ sở hữu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là ngày 9/9.
Lực cầu cũng tìm đến cổ phiếu VNM (122 tỷ đồng), nối tiếp duy trì tại nhóm ngân hàng với các đại diện LPB (84,3 tỷ đồng), MSB (63 tỷ đồng), CTG (51,8 tỷ đồng). Một số mã cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều là NVL (73,2 tỷ đồng), DPM (50,8 tỷ đồng), NLG (42,6 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, giao dịch bán ròng có phần ảm đạm hơn khi không có cổ phiếu nào bị bán ròng trên 100 tỷ đồng trong phiên 18/8.
Sau khi mua ròng trong phiên trước, các cá nhân trong nước bất ngờ đảo chiều "xả" hơn 99 tỷ đồng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Cũng trong phiên, HOSE thông báo ông Trần Vũ Minh, con trai của tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã mua 5 triệu cổ phiếu HPG theo phương thức thỏa thuận từ một cá nhân khác.
Theo sau, lực bán ròng xuất hiện tại nhiều cổ phiếu ngân hàng thương mại như TCB (41,3 tỷ đồng), MBB (36,4 tỷ đồng), ACB (25,1 tỷ đồng). Các mã bluechips như MWG (25,1 tỷ đồng), FPT (23,3 tỷ đồng), VHC (21,7 tỷ đồng) cũng chịu áp lực chốt lời từ các cá nhân.
Nối tiếp, nhà đầu tư cá nhân bán ròng nhẹ dưới 20 tỷ đồng lần lượt các cổ phiếu DGC, VJC. SGT...