|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền cá nhân tiếp tục đổ vào nhóm bất động sản, ngân hàng trong phiên giao dịch tỷ USD

09:26 | 17/08/2021
Chia sẻ
Với sự trở lại của phiên giao dịch 1,5 tỷ USD, nhà đầu tư cá nhân có phiên mua ròng mạnh nhất từ đầu tháng 6 với 1.563 tỷ đồng. Nhóm bất động sản được mua ròng với quy mô tăng gấp đôi so với phiên trước, theo sau là cổ phiếu ngân hàng trong phiên bùng nổ dẫn dắt thị trường.

Tâm lý FOMO đẩy VN-Index bật tăng mạnh về cuối phiên và đóng cửa tại mức giá gần cao nhất trong ngày. Sự trở lại của nhóm ngân hàng, chứng khoán là một trong những động lực giúp VN-Index chinh phục ngưỡng cản mạnh 1.370 điểm.

Kết phiên, VN-Index tăng 13,91 điểm (1.03%) lên 1.370,96 điểm, HNX-Index tăng 6,56 điểm (1,95%) lên 343,53 điểm, UPCoM-Index tăng 1,87 điểm (2,03%) lên 94,04 điểm.

Thanh khoản được đẩy lên cao với tổng khối lượng giao dịch trên cả ba sàn đạt trên 1,12 tỷ cổ phiếu, tương đương gần 34.376 tỷ đồng (xấp xỉ 1,5 tỷ USD) đánh dấu mức cao nhất trong vòng một tháng trở lại đây.

Dòng tiền cá nhân đổ vào nhóm bất động sản, ngân hàng trong phiên giao dịch tỷ USD - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch theo nhóm nhà đầu tư và biến động của VN-Index trong 20 phiên gần nhất. (Nguồn: FiinPro).

Xét riêng giao dịch khớp lệnh tại HOSE, nhà đầu tư cá nhân có phiên mua ròng thứ 7 liên tiếp, đồng thời duy trì vị thế lực mua duy nhất trên thị trường. Cụ thể, nhóm này tiếp tục phá vỡ cột mốc về giá trị mua ròng trong những phiên trước đó với quy mô giải ngân ròng 1.563 tỷ đồng trong phiên, đóng góp lớn cho thanh khoản bùng nổ trên toàn sàn.

Đối ứng với các cá nhân, lực xả đồng loạt được dâng cao ở cả ba nhóm nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức nội và nhóm tự doanh công ty chứng khoán. Giá trị bán ròng lần lượt tại ba nhóm nhà đầu tư nêu trên là 960 tỷ đồng, 392 tỷ đồng và 212 tỷ đồng, đều tiếp diễn xu hướng chốt lời trong những phiên trước.

Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm bất động sản, ngân hàng

Thống kê giao dịch theo nhóm ngành, lực cầu gia tăng mạnh mẽ đưa bất động sản trở lại vị trí dẫn dắt dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Theo đó, nhóm này được mua ròng 920 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với phiên giao dịch cuối tuần trước đó. Tuy không ghi nhận mức tăng mạnh và đồng loạt như nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính, mỗi doanh nghiệp bất động sản lại có chu kỳ riêng, tăng giá mạnh dẫn dắt khối lượng giao dịch toàn ngành.

Dòng tiền cá nhân đổ vào nhóm bất động sản, ngân hàng trong phiên giao dịch tỷ USD - Ảnh 2.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Bên cạnh nhóm bất động sản, giao dịch mua ròng tập trung tại nhóm cổ phiếu ngân hàng với gần 385 tỷ đồng mua ròng, tặng mạnh so với phiên trước đó. Giao dịch tích cực với nhiều cổ phiếu ghi nhận khối lượng giao dịch khủng đưa ngân hàng trở thành nhóm ảnh hưởng tích cực nhất đến đà tăng của VN-Index, thu hút thanh khoản lớn nhất toàn thị trường với 7.325 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, các cá nhân bán ròng mạnh nhất 75,8 tỷ đồng ở nhóm tài nguyên cơ bản, theo sau xả ròng lần lượt một số nhóm như điện, nước & xăng dầu khí đốt (11,8 tỷ đồng), y tế (11,3 tỷ đồng)...

Tâm điểm mua ròng VHM, trong khi xả ròng TCB

Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes bất ngờ vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong phiên 16/8. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng trên 348 tỷ đồng cổ phiếu VHM, nối tiếp lực cầu 384 tỷ đồng trong tuần trước. Theo thông tin công bố, trong khoảng thời gian từ ngày 19/8 đến ngày 17/9, Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) cùng với đăng ký bán gần 100,5 triệu cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes. Cũng trong khoảng thời gian đó, Viking Asia Holdings II Pte. Ltd, tổ chức liên quan tới KKR muốn bán 31,9 triệu cp vì mục đích kinh doanh, ước tính thu về khoản lãi 65% so với giá mua vào. Trên thị trường, VHM đã giảm 3,33% giá trị sau thông tin trên, về mức 116.000 đồng/cp với thanh khoản cao kỷ lục trong những tháng gần đây.

Dòng tiền cá nhân đổ vào nhóm bất động sản, ngân hàng trong phiên giao dịch tỷ USD - Ảnh 3.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Không thể thiếu nhóm ngân hàng trong phiên bứt phá của VN-Idex sau khi nhóm này đóng góp cho chỉ số 0,69% tăng điểm, thu hút mức thanh khoản 7.326 tỷ đồng trong phiên 16/8.

Hai đại diện ngân hàng là VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng và MSB của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam lần lượt được mua ròng 198 tỷ đồng và 193 tỷ đồng. Theo sau,những cái tên được mua ròng nhiều nhất nhóm ngân hàng lần lượt là CTG (109 tỷ đồng), MBB (82,8 tỷ đồng), LPB (69,3 tỷ đồng), ACB (65,5 tỷ đồng).

Nối tiếp xu hướng mua ròng VHM, cổ phiếu cùng họ Vingroup là VIC cũng được mua ròng nhẹ hơn 104 tỷ đồng. Theo sau, dòng tiền tập trung hơn 157 tỷ đồng ở cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng. 

Thời gian gần đây, thanh khoản DIG đã tăng mạnh sau khi cổ đông lớn là CTCP Đầu tư và Phát triển Thiên Tân đã bán ra hơn 13,6 triệu cổ phiếu DIG trong ba phiên từ 10/8 đến 12/8. Động thái thoái vốn diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DIG liên tục tăng mạnh và phá đỉnh lịch sử. Từ giữa tháng 7 đến nay, cổ phiếu này đã có nhịp tăng gần 50%.

Giao dịch tích cực cũng được ghi nhận tại SSI khi mã này được mua ròng trở lại 72,5 tỷ đồng trong phiên các cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng trần. Sau khi liên tiếp vượt đỉnh, giá cổ phiếu SSI đang ở vùng cao nhất trong lịch sử ở 62.100 đồng/cp.

Trái lại, tại chiều bán, lực xả lớn nhất lại được ghi nhận tại đại diện TCB của nhóm ngân hàng với gần 245 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của các tổ chức trong nước, đẩy TCB tăng giá 3,45% và là mã đóng góp cho VN-Index tới 1,7 điểm tăng.

Đồng thuận với giao dịch tại cổ phiếu Techcombank, STB của Sacombank cũng chịu lực xả ròng gần 133 tỷ đồng và được hấp thụ chủ yếu bởi các tổ chức trong nước. Theo thống kê, đây là hai mã duy nhất chịu áp lực bán ròng trên 100 tỷ đồng từ các cá nhân trong nước trong phiên 16/8.

Cùng chiều, dòng vốn cá nhân cũng rút ròng nhẹ hơn khỏi HPG (53,5 tỷ đồng) và VCI (50,1 tỷ đồng), đồng thời nhóm này bán ròng dưới 20 tỷ đồng các cổ phiếu DPM, HSG, BWE, MSH, HDB, TNH...

Thảo Bùi