Bước vào cuộc chiến thương mại với Mỹ: Ấn Độ phải trả giá đắt?
Ấn Độ chính thức bước vào cuộc chiến thương mại đang diễn ra trên toàn cầu vào tháng 6 vừa qua khi nước này công bố mức thuế mới đáp trả động thái của Mỹ áp đặt thuế cao hơn đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Ấn Độ. Nếu mức thuế mới được áp dụng, Ấn Độ có nguy cơ đối mặt với phản ứng dữ dội từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hạnh nhân Mỹ - mặt hàng bị Ấn Độ tăng thuế. Ảnh: Greenyhouse. |
Ấn Độ đã quyết định tăng thuế đối với 29 sản phẩm của Mỹ, trong đó có hạnh nhân, táo, quả óc chó và một số sản phẩm thép không gỉ. Theo kế hoạch, các khoản thuế mới có hiệu lực từ ngày 4/8/2018, ước tính mang về doanh thu 241 triệu USD cho nước này.
Tuy nhiên, tuần trước, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã quyết định hoãn việc tăng thuế đối với các mặt hàng nêu trên của Mỹ và cho biết có thể hoãn áp đặt mức thuế mới cho đến tháng 9/2018, trong bối cảnh các quan chức Ấn Độ và Mỹ đang tiến hành đàm phán.
Trong trường hợp hai bên không thể đạt được thỏa thuận, New Delhi sẽ áp đặt mức thuế mới với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ theo đúng kế hoạch – một động thái có thể dẫn đến phản ứng đáp trả từ phía Mỹ. Giới phân tích cho rằng, điều này có thể gây ra phiền phức đối với Thủ tướng Modi khi ông đang khởi động chiến dịch tái tranh cử vào năm 2019.
Mỹ sẽ phản ứng như thế nào?
Ông Amitendu Palit, chuyên gia về kinh tế và thương mại tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết, nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump hướng sự chú ý tới các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ sang Mỹ như kim cương, hải sản, phụ kiện ô tô và dược phẩm thì đây thực sự là rủi ro đối với Thủ tướng Modi và nền kinh tế Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể gây sức ép đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến sữa của Ấn Độ, vốn là những lĩnh vực nhạy cảm tại quốc gia có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp này. Ấn Độ được biết đến là quốc gia đánh thuế cao đối với việc nhập khẩu nông sản, như một biện pháp nhằm đảm bảo kế sinh nhai của người dân. Trước đó vào tháng 2/2018, chính phủ nước này đã tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đường lên 100% và tăng thuế nhập khẩu đậu xanh lên 40%.
Ngoài nông nghiệp, Mỹ có thể nhắm vào lĩnh vực công nghệ thông tin của Ấn Độ. Ấn Độ nổi tiếng với việc cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và đây cũng là lợi thế cạnh tranh của nước này so với Mỹ. Tuy nhiên, việc xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin của Ấn Độ đang bị đe dọa khi chính quyền Tổng thống Trump thắt chặt quy định cấp visa H-1B dành cho lao động tạm thời. Hiện nay, đang có hàng chục chuyên gia về IT của Ấn Độ làm việc tại Mỹ thông qua visa H-1B và việc thắt chặt các thủ tục cấp visa này sẽ hạn chế số lượng lao động Ấn Độ tại Mỹ.
Ông Radhika Rao, nhà kinh tế học tại ngân hàng DBS lớn nhất Đông Nam Á cho biết: “Trong bối cảnh chính phủ Mỹ thắt chặt luật nhập cư và cơ chế làm việc dành cho người nước ngoài tại Mỹ, nhà chức trách Ấn Độ đã lường trước khả năng sẽ có thêm nhiều lĩnh vực nhạy cảm và chủ chốt của nước này lọt vào tầm ngắm của Mỹ, trong đó có cả dược phẩm, vốn trước đó đã bị Mỹ thắt chặt kiểm soát chất lượng”.
Tại sao Ấn Độ lại đáp trả Mỹ?
Quyết định tăng thuế đáp trả của Ấn Độ đối với Mỹ đã khiến một số chuyên gia ngạc nhiên vì nhôm và thép không phải là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này. Theo dữ liệu của tổ chức IHS Global Trade Atlas, trong năm 2017, Mỹ chỉ chiếm 2% lượng thép xuất khẩu và 2% lượng nhôm xuất khẩu của Ấn Độ.
Tuy nhiên, xét đến những mâu thuẫn trong thương mại song phương từng có trong lịch sử, động thái trả đũa của Ấn Độ không hoàn toàn bất ngờ. Mỹ và Ấn Độ đã nhiều lần chính thức kiện nhau ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Gần đây nhất vào năm 2016, Tổ chức Thương mại thế giới đã phán xử Mỹ thắng kiện trong vụ cáo buộc Ấn Độ áp đặt quy định hạn chế sử dụng các sản phẩm nhập khẩu như pin và module năng lượng trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời của nước này.
Ông Dhruva Jaishankarm, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Viện Brookings Ấn Độ cho biết: “Các vấn đề thương mại đã trở thành rào cản trong quan hệ Mỹ-Ấn Độ trong nhiều năm qua. Vì thế động thái đáp trả của Ấn Độ không phải là mới”.
“Đây cũng không phải là điều khác thường vì tất cả chính phủ của các quốc gia đều có xu hướng áp dụng chiến lược phòng vệ khi quan hệ thương mại đứng trước sức ép”.
Trước Ấn Độ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Canada đã công bố các biện pháp đáp trả đối với Washington. Trước đó Trung Quốc đã áp mức thuế 25% mang tính “ăn miếng trả miếng” nhằm vào lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Mỹ. Trong trường hợp cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang Trung Quốc có thể ra đòn nặng tay hơn, áp thuế từ 5% tới 25% đối với 60 tỷ USD hàng Mỹ. Còn Liên minh Châu Âu cũng áp đặt mức thuế mới đối với số hàng hóa Mỹ có tổng trị giá hơn 3 tỷ USD, trong đó có rượu, nước cam, bơ đậu phộng.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Các nhà phân tích cho rằng, khác với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ không leo thang thêm nữa. Trên thực tế, quyết định của Thủ tướng Modi trì hoãn áp đặt mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đã mở ra hy vọng rằng hai bên có thể đạt được một giải pháp “chấp nhận được”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AP. |
“Ấn Độ đã lựa chọn theo đuổi một lập trường đàm phán cứng rắn trong vấn đề song phương với Mỹ nhưng nước này cũng để chừa ra một khoảng trống để hai bên đạt được một sự thỏa hiệp”, ông Jaishankar nói.
Trong một động thái nhằm xoa dịu với Ấn Độ, Mỹ đã nới lỏng các quy định kiểm soát hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Ấn Độ. Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã cấp cho Ấn Độ quy chế đặc biệt có tên gọi quy chế Quyền Thương mại Chiến lược (STA1) giúp quốc gia này có thể tiếp cận với các trang thiết bị quốc phòng và các sản phẩm công nghệ cao từ Mỹ, tương tự như các nước thành viên trong NATO. Việc cấp quy chế này đã cho thấy tầm quan trọng của liên minh an ninh Mỹ-Ấn.
Cũng theo chuyên gia Amitendu Palit, Mỹ không nhìn nhận Ấn Độ theo cách mà nước này nhìn nhận Trung Quốc. Việc tôn trọng mối quan hệ song phương sẽ thúc đẩy hai bên tìm ra một thỏa thuận chung về thuế quan.