Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây lan dịch COVID-19 rất lớn khi hết Tết
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn khi chỉ còn vài ngày nữa là hết Tết, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM khi các cơ quan, xí nghiệp và người dân sẽ đi làm trở lại.
Theo Bộ Y tế khi phát hiện trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, các địa phương cần thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý dịch nhanh hơn một mức, cao hơn một mức; khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết, phát hiện, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng, xử lý triệt để.
Mới đây nhất, Hà Nội đã phát hiện một ca COVID-19 là người Nhật Bản đã tử vong tại một khách sạn ở quận Tây Hồ, nâng tổng số ca nhiễm từ ngày 27/1 lên 637 ca. Liên quan đến ca nhiễm mới, Sở Y tế Hà Nội đã điều tra đã lấy 296 mẫu xét nghiệm, trong đó 210 mẫu là khách và 86 mẫu là nhân viên khách sạn.
Đồng thời thông báo khẩn truy tìm những người đã từng qua 7 địa điểm mà người nhiễm COVID-19 này từng đi qua.
Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 chiều mùng 4 Tết, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, nhận định tình hình chung về dịch bệnh ở Hải Dương còn phức tạp, khó lường với nhiều nguy cơ, khi sau Tết công nhân đi làm trở lại, giao thương nhiều...
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 10/12 thành phố, huyện có bệnh nhân COVID-19 với 461 ca bệnh, trong đó Chí Linh mắc nhiều nhất, tiếp đến là Kinh Môn, Cẩm Giàng và Nam Sách.
Hải Dương đã phong tỏa 66 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện, thành phố. Toàn tỉnh đã cách ly 1.630 trường hợp F1, hiện đã hoàn thành cách ly 2.004 trường hợp; tổng số F2 là 54.789 trường hợp, đã hoàn thành cách ly tại nhà 18.957 trường hợp.
Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu nhận định ổ dịch Chí Linh, Kinh Môn cơ bản đã được khống chế nhưng ổ dịch tại Cẩm Giàng, Nam Sách vẫn còn phức tạp.
Dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương ở môi trường phức tạp là khu công nghiệp đông công nhân (như như huyện Cẩm Giàng có khu công nghiệp lớn với 60.000 công nhân), lại liên quan mật thiết đến cộng đồng dân cư đông đúc và ảnh hưởng liên quan đến các địa phương lân cận. Mặt khác, thời điểm xảy ra lại là giáp tết gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh tại Hải Dương có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng vì tốc độ lây lan nhanh, hệ số lây nhiễm cao, thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng đào thải nhanh hơn. Tốc độ lây lan gấp 4 lần chủng cũ.