|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Rủi ro lạm phát còn thấp, kiểm soát được

08:29 | 15/03/2021
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rủi ro lạm phát của Mỹ vẫn trong tầm kiểm soát dù chính quyền Tổng thống Biden sắp bơm 1.900 tỷ USD cứu trợ vào nền kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Rủi ro lạm phát còn thấp, kiểm soát được - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen họp cùng Tổng thống Joe Biden. (Ảnh: Getty Images).

Chia sẻ trên đài ABC hồi cuối tuần qua, bà Janet Yellen - Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, cho hay: "Mỹ có nguy cơ lạm phát không ư? Tôi nghĩ rủi ro còn nhỏ và có thể kiểm soát được". Khi đại dịch lan rộng khắp nước Mỹ vào năm ngoái, giá một số mặt hàng đi xuống. Hiện tại, giá cả đang phục hồi, "nhưng chỉ là biến động tạm thời", bà Yellen nói thêm.

"Tôi cho rằng rủi ro lạm phát không đáng kể. Nếu rủi ro lạm phát lớn lên, chúng tôi chắc chắn sẽ theo dõi và có công cụ để kiềm chế lạm phát", bà Yellen nói tiếp.

Hôm 11/3, Tổng thống Biden đã ký ban hành gói giải cứu kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, qua đó cấp ngân sách cho chính quyền các bang và địa phương triển khai vắc xin cũng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và người lao động.

Bà Yellen cùng các quan chức chính phủ khác khẳng định nền kinh tế Mỹ đang rất cần gói cứu trợ mới, đặc biệt là những công nhân thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề trong ngành dịch vụ.

Dù tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn đang ở mức cao, thị trường việc làm đã cho thấy một số chuyển biến tích cực. Trong tháng 2, nền kinh tế Mỹ đón nhận thêm 379.000 việc làm mới, nhiều hơn so với dự đoán. Tuần trước, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm mạnh hơn dự báo xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái.

"Tôi hy vọng rằng, nếu chúng ta kiểm soát được đại dịch, chúng ta có thể đưa nền kinh tế trở lại gần mức toàn dụng việc làm vào năm tới. Gói giải cứu 1.900 tỷ USD chính là những gì chúng ta đang cần để hiện thực hóa mục tiêu đó", Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh.

Song, các quan chức và cố vấn chính phủ tại Trung Quốc lại đang công khai bày tỏ lo ngại rằng việc Mỹ bơm tiền ồ ạt vào thị trường tài chính toàn cầu có thể làm bong bóng tài sản phình to, khiến thị trường bất ổn hơn và dẫn đến lạm phát cao hơn.

Ông Huang Qifan - cựu Thị trưởng thành phố Trùng Khánh kiêm cố vấn của chính phủ Trung Quốc, mô tả gói giải cứu như "một cơn lũ dữ, một quái thú hung bạo". Ông cảnh báo gói cứu trợ có thể đặt ra thách thức lớn cho phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.

Cựu Thị trưởng Trùng Khánh nói thêm: "Dấu hiệu lạm phát đã trở nên rõ nét hơn khi trong vài ngày qua, giá chứng khoán Mỹ, trái phiếu Kho bạc Mỹ và giá hàng hóa đều biến động".

Đầu tháng 3, ông Quách Thụ Thanh - Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, đã cảnh báo về "tác dụng phụ" của đạo luật giải cứu kinh tế mà Tổng thống Biden vừa ban hành. Ông còn lo ngại bong bóng khổng lồ có thể đang hình thành trên thị trường tài chính Mỹ.

Giọt nước tràn ly

Theo Bloomberg, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã kịch liệt phản đối quy mô của gói giải cứu 1.900 tỷ USD và thậm chí một số nhà kinh tế tự do như cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Lawrence Summers đã đặt câu hỏi liệu chính phủ có nên chi tiêu quá mức như vậy khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi hay không.

"Nếu quá tay, nước sẽ tràn ly", ông Summers chia sẻ về quy mô của gói cứu trợ mới trên đài CNN. "Chúng ta đang cố rót quá nhiều nước vào ly", ông nhấn mạnh.

Bà Yellen đã thay đổi quan điểm về các chính sách tài khóa trong thời kỳ lãi suất liên tục duy trì ở mức thấp. Song, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói "về lâu dài, Mỹ cần phải kiểm soát thâm hụt ngân sách".

Cũng trên đài ABC, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng - dự án lớn tiếp theo của chính quyền ông Biden để kích thích nền kinh tế Mỹ, sẽ "cân đối về tài khóa". Tuy nhiên, bà Pelosi không cho biết liệu Washington có tăng thuế để kiếm ngân sách tài trợ cho tham vọng mới hay không.

Bà Yellen cũng cho biết "Bộ Tài chính Mỹ chưa quyết định" có nên đánh thuế người giàu theo đề xuất của các thượng nghị sĩ cấp tiến Elizabeth Warren và Bernie Sanders hay không. Một số cam kết mà chiến dịch của ông Biden từng đưa ra như đánh thuế suất cao hơn với doanh nghiệp, lãi về vốn và chi trả cổ tức "có tác động tương tự như thuế tài sản đánh vào người giàu", bà Yellen lý giải.

Khả Nhân