Bộ trưởng Bộ TN&MT chỉ ra lỗ hổng trong quản lí phế liệu nhập khẩu
Phế liệu nhập khẩu: Càng siết càng... tăng vọt |
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, trả lời chất vấn liên quan việc nhập khẩu phế liệu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay: “Đây không phải là vấn đề chúng ta không biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo và nhiều nước láng giếng cũng đã cấm nhập khẩu phế liệu”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà |
Trong vòng 6 tháng qua, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có những biện pháp phòng ngừa từ xa đối với vấn đề này. Hiện nay có cả những quy định đối với lĩnh vực thiếu tài nguyên và phải nhập khẩu phế liệu phục vụ cho sản xuất.
“Chúng ta đã có Nghị định 38 của Chính phủ về nhập khẩu phế liệu, Quyết định của Thủ tướng về danh mục các mặt hàng phế liệu được nhập khẩu, Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các doanh nghiệp được phép nhập khẩu phế liệu. Như vậy, chúng ta đã có đầy đủ hành lang pháp lí về nhập khẩu phế liệu”, Bộ trưởng nói.
Nhìn nhận về những lỗ hổng trong quản lí phế liệu nhập khẩu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra rằng các cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát được hàng hóa trước khi đi vào lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay vẫn chưa có cơ chế để cơ quan gác cổng phối hợp với cơ quan quản lí để kiểm soát phế liệu trước khi vào Việt Nam.
Ngay cả khi có chỉ thị của Thủ tướng, số lượng container tồn đọng vẫn tăng lên. Hiện tại, số lượng container tồn đọng tại các cảng lên tới trên 1.400 container, trong số đó có tới 58% là không có giấy tờ hợp pháp, chưa đủ điều kiện nhập khẩu.
“Tôi cho rằng những container này là nhập lậu, chưa có chủ nhưng chắc chắn có chủ”, Bộ trưởng nhận định.
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay thực tế thời gian qua, Bộ Công an đã truy nã một số đối tượng nhập lậu phế liệu và đã xử lí.
“Với tinh thần này, việc kiểm soát phế liệu nhập khẩu là nằm trong tầm tay. Những lô hàng không đáp ứng yêu cầu, chủ lô hàng phải tự bỏ tiền để tái xuất. Đối với 58% container nhập lậu, yêu cầu Bộ Công an điều tra và áp dụng biện pháp xử lí”, Bộ trưởng phát biểu.
Theo Bộ trưởng, nhiều lô hàng phế liệu có thể chứa cả rác và không phải hàng hóa. Đối với những lô hàng này, Bộ trưởng kiến nghị cần kêu gọi các doanh nghiệp đầy đủ năng lực xử lí, phân loại: “Nếu áp dụng biện pháp này, tôi cho rằng nhà nước sẽ không phải bỏ ra một đồng nào.
Các doanh nghiệp đủ điều kiện xử lí sẽ có quyền sử dụng hoặc bán đấu giá phế liệu có thể phục vụ làm nguyên liệu sản xuất. Số tiền thu về một phần để bù đắp cho nhà nước, một phần cho chi phí xử lí chất thải […] Hiện tại đề xuất này chưa được đồng thuận nhưng tôi cho rằng nếu xử lí theo cách này thì chỉ cần 2 tháng để giải phóng cảng của chúng ta”.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tính toán đến việc trước khi các lô hàng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam, yêu cầu các tổ chức độc lập kiểm tra đồng thời Bộ cũng nghiên cứu kĩ thuật.
Về vấn đề giám định, Bộ trưởng cho rằng không được thay thế văn bản quy phạm pháp luật bằng văn bản hành chính. Hiện nay có hiện tương các lô hàng chất lên rất nhiều, các cơ quan giải quyết bằng văn bản hành chính dẫn đến tình trạng trồng tréo trong vấn đề giám đính, khiến việc xử lí trở nên chậm chạp.
“Nếu ai giám định không đúng chúng ta cần xử lí nhưng không để một doanh nghiệp cùng lúc hai cơ quan giám định. Hiện nay, tại các văn bản mới, chúng tôi tính đến giảm danh mục được nhập khẩu và không cho doanh nghiệp nhập khẩu chỉ để sơ chế mà đã nhập về thì phải sản xuất các sản phẩm có giá trị”, Bộ trưởng phát biểu.