BMW, Volkswagen, Mercedes,... nhắm mục tiêu tăng thị phần xe điện tại Trung Quốc, sẵn sàng 'đối đầu' các đối thủ nội địa
Các công ty nước ngoài đang tranh giành lợi thế để thu hẹp khoảng cách với các nhà sản xuất phương tiện chạy bằng năng lượng mới (NEV) nội địa của Trung Quốc do nhu cầu về xe điện vẫn ở mức cao tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nơi quá trình điện khí hóa đang được tăng tốc, theo SCMP.
Mới đây, các ông lớn ô tô toàn cầu như BMW, Mercedes-Benz và Volkswagen đã giới thiệu các sản phẩm xe điện mới của họ tại một triển lãm ô tô lớn tại Trung Quốc. Riêng Volkswagen đã công bố trung tâm phát triển và đổi mới ô tô điện trị giá 1 tỷ euro ở Hợp Phì với mục đích “điều chỉnh các phương tiện của Tập đoàn nhanh hơn nữa với mong muốn của khách hàng Trung Quốc và rút ngắn thời gian đưa ra thị trường”.
Trung Quốc đã chứng kiến sự chuyển đổi nhanh chóng của ngành ô tô từ truyền thống sang xe điện. NEV chiếm 25,6% tổng doanh số bán ô tô của Trung Quốc vào năm ngoái, tăng từ tỷ lệ chỉ 4,7% vào năm 2019. Fitch Ratings dự đoán ô tô điện sẽ chiếm hơn 35% doanh số bán xe chở khách trong năm nay tại Trung Quốc.
Trái ngược với các loại xe sử dụng động cơ đốt trong, các nhà sản xuất ô tô nội địa Trung Quốc thống trị phân khúc xe điện với thị phần khổng lồ lên tới 81%, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research. Do đó, các thương hiệu nước ngoài đang tìm cách bắt kịp đối thủ nội địa tại Trung Quốc.
Nick Lai, trưởng bộ phận nghiên cứu ngnafh ô tô khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại JPMorgan, cho biết: “Quyết tâm khôi phục động lực kinh doanh xe điện và thu hẹp khoảng cách với các đối thủ Trung Quốc của một số thương hiệu nước ngoài là rất rõ ràng”.
Theo JPMorgan, những người mua ô tô ở Trung Quốc trẻ hơn khoảng 10 tuổi so với những người mua xe ở Mỹ và châu Âu, một sự khác biệt mang đến cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nhiều cơ hội. Các thương hiệu nội địa đã nhắm mục tiêu thành công tới những người mua trẻ tuổi này bằng các mẫu xe mới được trang bị các tính năng công nghệ mới nhất. Ông Lai cho biết những chiếc xe mới này cung cấp các chức năng kết nối hấp dẫn và đảm bảo trải nghiệm người dùng nâng cao cho những người lái xe trẻ tuổi.
Theo ING Research, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã bị các đối thủ từ Đức, Nhật Bản và Mỹ theo sát trên thị trường xe điện của nước này. BYD đã thống trị thị trường vào năm ngoái với thị phần hơn 30%.
Trung Quốc - thị trường xe điện "cạnh tranh"
Nỗ lực của Trung Quốc để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060 dự kiến sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện phát triển hơn. ING kỳ vọng xe điện sẽ chiếm hơn một nửa doanh số bán xe du lịch vào năm 2030.
Elon Musk cho biết Tesla sẽ ưu tiên tăng trưởng doanh số bán hàng hơn lợi nhuận, một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến giá cả có thể sắp diễn ra. Ông Lai cho biết các nhà sản xuất ô tô khác như Volkswagen và Xpeng đã giảm giá xe điện của họ tại Trung Quốc trong năm nay, qua đó ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp.
James Luu, người đứng đầu nhóm ngành công nghiệp tại châu Á của Deutsche Bank, cho biết áp lực về giá sẽ vẫn tồn tại, đặc biệt là trong phân khúc thị trường đại chúng, do chu kỳ sản phẩm ngắn hơn và chi phí đầu vào thấp hơn.
“Thị phần vẫn là ưu tiên số một của các nhà sản xuất ô tô vì đây cũng là tâm điểm của các nhà đầu tư khi doanh số bán xe điện tiếp tục tăng. Xe điện của Trung Quốc cung cấp hệ thống thông tin giải trí và kết nối mạnh mẽ, vượt trội so với các OEM [nhà sản xuất thiết bị gốc] toàn cầu”, ông Luu nói. Ông nói thêm, sức mạnh thương hiệu của các OEM toàn cầu cao cấp đã cho phép họ duy trì thị phần tại Trung Quốc, nhưng xe điện Trung Quốc đang thống trị thị trường đại chúng.
Paul Gong, nhà phân tích ngành ô tô tại UBS, cho biết thị trường Trung Quốc đang thay đổi nhanh hơn và năng động hơn so với thị trường châu Âu và Mỹ. Hơn nữa, các thương hiệu nội địa của Trung Quốc có thể so sánh với các thương hiệu quốc tế về chất lượng. “Họ cung cấp công nghệ hàng đầu và cũng tiết kiệm chi phí, giúp họ có lợi thế hơn so với các thương hiệu nước ngoài”, Gong nói.
“Mặc dù một số người có thể lo lắng về sự gia tăng cạnh tranh và nguy cơ giảm lợi nhuận do cuộc chiến giá cả, nhưng cạnh tranh thường là yếu tố thúc đẩy tiến bộ trong công nghệ. Nếu không có cạnh tranh, thị trường có thể trở nên trì trệ và không thay đổi trong nhiều năm.
Các nhà sản xuất ô tô biết rằng điều quan trọng là phải tập trung vào sự tiến bộ và phát triển bền vững. Ngay cả khi lợi nhuận ngắn hạn có thể không cao, nhưng các tài sản vô hình như tầm ảnh hưởng của thương hiệu và tiến bộ công nghệ là rất quan trọng đối với thành công lâu dài”, ông Gong nhấn mạnh.