|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hãng xe điện Trung Quốc BYD 'chê' công nghệ tự lái cho ô tô là vô nghĩa

07:21 | 20/04/2023
Chia sẻ
Nhà sản xuất xe điện nội địa lớn nhất Trung Quốc, BYD tin rằng phát triển công nghệ tự lái hoàn toàn cho xe điện sẽ chẳng đi tới đâu.

Theo công ty sản xuất pin và ô tô điện BYD của Trung Quốc, sự tồn tại của công nghệ lái xe hoàn toàn tự động về cơ bản là không thể. Tuy nhiên, hãng xe điện của quốc gia tỷ dân nhận đây là công nghệ tốt cho hoạt động sản xuất, theo CNBC.

Trước khi BYD đưa ra đánh giá này, nhiều công ty công nghệ và ô tô điện đã và đang trong quá trình nghiên cứu công nghệ tự lái (Sefl-driving). Công nghệ Self-driving hỗ trợ người lái đỗ xe và thực hiện các hành động khác, đang ngày càng trở thành một tính năng được nhiều nhà sản xuất xe điện mong muốn.

Tesla cùng các thương hiệu ô tô điện ở Trung Quốc đang sử dụng thuật ngữ công nghệ tự lái để thu hút người mua. Họ hướng tới mục tiêu là lái xe tự động hoàn toàn.

Trái ngược với số đông, BYD - công ty ô tô điện nội địa lớn nhất Trung Quốc, lại có quan điểm khác. “Chúng tôi nghĩ rằng công nghệ tự lái tách biệt hoàn toàn khỏi con người là điều rất xa vời và về cơ bản là không thể,” Li Yunfei, người phát ngôn của BYD, cho biết.

 Mẫu xe điện của BYD trưng bày tại Yokohama, Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg).

“Khi chúng tôi nghĩ về [công nghệ tự lái] từ mọi khía cạnh, từ nhu cầu an toàn tâm lý của con người, từ đạo đức, quy định, từ công nghệ và cả ứng dụng trong ngành này, chúng tôi chưa tìm ra lời giải thích hợp lý nhất. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng nó có lẽ là một đề xuất sai,” Li nói với các phóng viên bên lề triển lãm ô tô Thượng Hải hôm 18/4.

Ông nói thêm: “Có thể có nhiều ngành công nghiệp và doanh nghiệp đầu tư rất nhiều tiền vào [công nghệ] này, và sau khi đầu tư trong nhiều năm, nó sẽ chứng minh rằng mọi thứ chẳng dẫn đến đâu cả."

Các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ lâu đời ở Trung Quốc đã làm việc nhiều năm để phát triển công nghệ hoàn toàn tự lái. Một số doanh nghiệp đã được chính quyền địa phương ở ngoại ô Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố khác chấp thuận để vận hành taxi tự lái.

Đối với ô tô cá nhân, phương tiện tự lái hoàn toàn chưa được phép lưu thông trên đường công cộng ở Trung Quốc. Trong khi đó, người phát ngôn của BYD cho biết khoảng 2 triệu người thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông mỗi năm và trong một kịch bản công nghệ tự lái hoàn toàn, sẽ rất khó để xác định ai là người có lỗi.

Đáp lại những lo ngại đó, nhiều nhà phát triển công nghệ hỗ trợ lái xe cho biết các tính năng có thể giúp lái xe an toàn hơn. Dù phản đối việc phát triển công nghệ tự lái hoàn toàn, BYD cũng cung cấp công nghệ hỗ trợ lái xe trong một số mẫu xe. Đầu tháng này, công ty đã thông báo sẽ phát hành công nghệ hấp thụ sốc mới cho những chiếc xe cao cấp hơn của hãng.

Mặc dù việc sử dụng công nghệ ngày càng tăng trong các nhà máy sản xuất ô tô, ông Li cho biết công đoạn lắp ráp cuối cùng vẫn dựa vào con người. Theo đó, ở Trung Quốc, mỗi công nhân sản xuất tiêu tốn khoảng 150.000 nhân dân tệ/năm, chi phí bao gồm tiền lương hàng tháng và các phúc lợi như ký túc xá tại chỗ mà công ty phải xây dựng. Ông Li nói rằng trong vòng 5 năm, chi phí lương sẽ tăng từ 600.000 nhân dân tệ đến 700.000 nhân dân tệ. 

Chính điều này đã khiến BYD quan tâm tới công nghệ tự động áp dụng cho sản xuất thay vì tích hợp trên chiếc xe điện. Theo đó, giá trị của dành cho công nghệ này khi áp dụng trong sản xuất sẽ lớn hơn nhiều so với việc được ứng dụng trong ô tô.

Một cỗ máy không cần ăn hay ngủ là một điều mà các nhà sản xuất công nghiệp mong muốn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ vẫn cần bao nhiêu vốn đầu tư và nghiên cứu công nghệ để tạo ra những robot có thể thực hiện các công việc phức tạp.

Thùy Trang