Bloomberg: Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh, nhiều rủi ro tiềm ẩn
Nhiều nhà đầu tư yêu thích thị trường Việt Nam
Theo Bloomberg, năm 2018 mới trôi qua được hơn ba tháng nhưng chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-Index đã tăng tới 22%. Kể từ tháng 1, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào hơn 440 triệu USD giá trị cổ phiếu trong nước. Năm ngoái con số này đạt mức kỷ lục 1 tỷ USD.
Giá trị cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài mua vào qua các năm (Nguồn: Bloomberg) |
Có nhiều lý do khiến cho các nhà đầu tư yêu thích Việt Nam. Trong quý I, nền kinh tế đã tăng trưởng tới 7,4%, cao nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đang bận rộn trong cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc và không có tâm trí để ý tới một quốc gia cận biên với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức hai chữ số như Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất hứng thú với việc sở hữu cổ phần lớn ở các công ty bia rượu, dầu khí và tài chính lớn của Việt Nam. Với gánh nặng nợ công lớn, Việt Nam đang rất cần thêm tiền mặt. Các cơ quan Chính phủ đã thu về khoảng 4,8 tỷ USD thông qua thương vụ thoái vốn khỏi Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB). Năm nay, Chính phủ lại có kế hoạch thoái vốn với quy mô lớn gấp 6,5 lần năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tháng 1.
Cần xem xét thăng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Các nhà đầu cơ đang xuất hiện ở khắp nơi, một số đang cố gắng vượt lên trên các quỹ đầu tư thụ động vốn chỉ mô phỏng biến động của chỉ số MSCI của các quốc gia. Việt Nam giờ đây có thanh khoản tốt hơn cả Philippines, một thị trường được coi là mới nổi. Các nhà đầu tư chứng khoán cho rằng, thị trường Việt Nam cần phải được thăng hạng, từ nhóm chỉ số thị trường cận biên lên nhóm chỉ số các thị trường mới nổi MSCI, được theo dõi bởi các quỹ đầu tư với giá trị tài sản quản lý trị giá hơn 1,6 tỷ USD.
Cho dù không được gộp vào trong chỉ số các thị trường mới nổi MSCI thì dòng vốn quốc tế có thể vẫn sẽ chảy vào Việt Nam nếu các thị trường tương tự được thăng hạng. Argentina đã ở trong danh sách theo dõi của công ty MSCI để xem xét thăng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Còn nhà tạo lập chỉ số FTSE Russell đã xếp Kuwait vào nhóm thị trường mới nổi từ năm ngoái. Việt Nam giờ đây là thị trường lớn thứ ba trong chỉ số các thị trường mới nổi MSCI.
Trọng số của Việt Nam trong chỉ số các thị trường cận biên MSCI. Pakistan được xếp hạng thị trường mới nổi vào tháng 5 năm ngoái. Số liệu tính đến ngày giao dịch cuối cùng của tháng 4 hàng năm, số liệu năm 2018 là số liệu mới nhất (Nguồn: Bloomberg) |
Thị trường tăng mạnh, nhiều rủi ro tiềm ần
Nhưng đối với các nhà đầu tư, đây có thể là một trò chơi nguy hiểm. 15 cổ phiếu trong chỉ số MSCI Việt Nam, mặc dù sẽ được lợi nhiều nhất nếu thị trường lên hạng, hiện đang có giá khá cao. Các cổ phiếu này đang giao dịch ở mức 30,5 lần lợi nhuận của 12 tháng liền trước, thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung đang giao dịch ở mức hợp lý hơn là 21 lần lợi nhuận.
Chỉ số MSCI Việt Nam gồm 15 cổ phiếu đã tăng gấp hơn 2 lần trong 2 năm qua và hiện đang giao dịch ở mức 30,5 lần lợi nhuận. Nguồn Bloomberg. |
Thị trường cổ phiếu Việt Nam cũng ngày càng chịu tác động mạnh hơn của các sự kiện kinh tế vĩ mô, làm giảm sự hấp dẫn của thị trường này đối với các nhà quản lý quỹ toàn cầu có nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư. Đầu năm nay, hệ số tương quan giữa tỷ suất lợi nhuận hàng tuần của thị trường Việt Nam và thị trưởng Mỹ tăng vọt lên mức 67%, trong khi trước đây, nhiều khi hệ số này lại âm. Nói cách khác, thị trường chứng khoán Mỹ mà cảm cúm thì chứng khoán Việt Nam cũng hắt hơi.
Hệ số tương quan giữa tỷ suất lợi nhuận hàng tuần của thị trường Việt Nam và thị trường Mỹ (Nguồn: Bloomberg) |
Trường hợp Pakistan là một tín hiệu cảnh báo đáng lưu tâm. Trong vòng ít nhất 1,5 năm trước khi thị trường này được xếp hạng thị trường mới nổi vào tháng 5/2017, các nhà đầu cơ liên tục đổ tiền vào để rồi phải nếm trái đắng khi chỉ số chứng khoán Karachi Stock Exchange 100 bất ngờ tụt điểm ngay trước ngày thị trường thăng hạng.
Chắc chắn là tình hình thị trường Việt Nam đang lạc quan hơn rất nhiều so với Pakistan. Nhưng khi thị trường giao dịch ở mức giá cao như hiện nay, các nhà đầu tư rất dễ tìm ra lý do để bán. Chỉ cần một quý GDP tăng trưởng thấp hay lạm phát trỗi dậy là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đổi chiều rất nhanh.