|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Sau cơn mưa trời lại sáng với ngành du lịch Việt Nam

07:47 | 08/06/2020
Chia sẻ
Dù chỉ mới gói gọn trong lượng du khách nội địa, hoạt động du lịch tại Việt Nam cũng đang dần hồi sinh trở lại. Tuy khởi đầu này khá khiêm tốn nhưng thế giới có thể rút ra bài học đáng giá để khôi phục ngành du lịch trị giá gần 9.000 tỉ USD hậu COVID-19.

Chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam"

Sau khi tăng kỉ lục vào năm ngoái thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 năm nay đã giảm đến 98% so với cùng kì. Tuy nhiên, thành công trong chính sách phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam đồng nghĩa rằng hoạt động du lịch nội địa đã khởi động trở lại.

Trong khi đó, Thái Lan hiện còn đang duy trì tình trạng khẩn cấp và một số nước láng giềng tại khu vực Đông Nam Á chỉ mới chầm chậm nới lỏng lệnh phong tỏa.

Quá trình mở cửa đất nước theo hướng ổn định sẽ giúp Việt Nam hồi phục nền kinh tế và khuyến khích các bên liên quan tư duy lại các yếu tố cần ưu tiên trong ngành du lịch giải trí nước nhà.

Là một đất nước với gần 100 triệu dân và giáp biên với Trung Quốc, Việt Nam lại trở thành điểm sáng nổi bật trong đại dịch. Theo cập nhật của Bộ Y tế tính đến ngày 7/6, Việt Nam chỉ ghi nhận 329 ca xác nhận nhiễm COVID-19 và không có ca tử vong nào.

Bloomberg nhận xét, con số trên chính là thành quả của quyết định nhanh chóng đóng cửa biên giới với Trung Quốc, cách li hàng chục nghìn người dân, kiểm tra lịch sử dịch tễ và chương trình xét nghiệm trên qui mô hết sức ấn tượng.

Chiến dịch truyền thông minh bạch, xét nghiệm chi phí thấp và tự chủ đồ bảo hộ sản xuất trong nước đã đóng góp vào thành công của Việt Nam trong đại dịch COVID-19. Đến nay, Việt Nam chỉ thực hiện giãn cách xã hội trong vòng một tháng và từ giữa tháng 4, toàn bộ các ca nhiễm mới đều từ nước ngoài trở về.

Tình hình ở các nước láng giềng của Việt Nam lại tương phản rõ nét. Thái Lan hiện có khoảng 3.100 ca xác nhận nhiễm, Philippines ghi nhận hơn 20.000 ca và Singapore với hơn 37.000 ca, trong đó chủ yếu là người lao động nhập cư sống tại các khu kí túc xá dành cho công nhân.

Nhờ thành công trên, Việt Nam mới trở thành một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép người dân đi du lịch trở lại. Lĩnh vực du lịch chỉ chiếm khoảng 9% trong nền kinh tế trị giá 260 tỉ USD của Việt Nam - tỉ trọng này nhỏ hơn nhiều so với Thái Lan (nơi mà ngành du lịch chiếm 1/5 tổng sản phẩm quốc nội).

Dù vậy, ngành du lịch vẫn tạo thêm cho Việt Nam khoảng 5 triệu việc làm, nhiều trong số này là dành cho người lao động trình độ thấp.

Bloomberg: Sau cơn mưa trời lại sáng với ngành du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

Người dân Việt Nam đã bắt đầu đi du lịch trở lại. (Ảnh: Getty Images)

Chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" được triển khai ngay khi ngành hàng không nội địa bắt đầu khởi động lại lịch trình thường xuyên, Bloomberg chỉ ra.

Năm ngoái, Việt Nam đón khoảng 85 triệu khách du lịch nội địa - chiếm hơn 80% tổng lượng khách. Bloomberg nhận thấy đây là một con số khủng, ngay cả khi người dân Việt Nam không chi tiêu mạnh tay bằng du khách nước ngoài.

Theo ghi nhận từ Tổng cục Du lịch, các hãng lữ hành, kinh doanh ở nhiều địa phương cho biết lượng khách nội địa gần đây đã "tăng vọt", lượng khách đăng kí tour, dịch vụ,… đang tăng lên từng ngày. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy ngành du lịch đã bắt được đà hồi phục trở lại.

Ngành du lịch Việt Nam cung cấp một cái nhìn thoáng qua về hoạt động du lịch thế giới hậu COVID-19.

Theo Bloomberg, kế hoạch của Việt Nam là một phiên bản thận trọng hơn so với của các nước châu Âu vốn phụ thuộc vào khách du lịch và đang chạy đua để kéo khách trong những tháng cao điểm mùa hè.

Cho đến nay, quan sát của Tập đoàn Thiên Minh cho thấy du khách Việt Nam hiện đang ưa thích các chuyến nghỉ mát ngắn ngày gần nhà, trên bãi biển hoặc trong khung cảnh tự nhiên. Tập đoàn Thiên Minh cho hay nhiều khách du lịch vẫn còn ngại di chuyển bằng máy bay.

Giảm giá và yếu tố an toàn là hai động lực chính thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam, mặc dù có một số bằng chứng cho thấy các khách sạn thích gia tăng các khuyến mại, ưu đãi hơn là giảm tiền phòng do việc tăng giá phòng trở lại sau này sẽ khó khăn hơn việc chấm dứt ưu đãi.

Bloomberg: Sau cơn mưa trời lại sáng với ngành du lịch Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Thiên Minh Group, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB). Ảnh: Đức Quyền.

Việt Nam cần thời gian để đón khách quốc tế

Việt Nam vẫn cần thêm vài tháng nữa mới có thể đón khách du lịch nước ngoài, mặc dù các hãng hàng không trong nước đã rục rịch chuẩn bị cho các chặng bay quốc tế.

Nhìn từ ngành du lịch Việt Nam, Bloomberg nhận định đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngành du lịch toàn cầu - hiện trị giá gần 9.000 tỉ USD, phải mất bao lâu để vận hành trở lại khi mà các nước đang ra sức đàm phán các thỏa thuận song phương về du lịch. Những thỏa thuận này thường ưu tiên giới doanh nhân giàu có.

Nhà phân tích độc lập Brendan Sobie cho biết không phải thỏa thuận nào cũng đầy hứa hẹn, thậm chí còn phải đối mặt với nhiều hạn chế, chẳng hạn như thỏa thuận của Singapore với Trung Quốc, hoặc Trung Quốc với Hàn Quốc.

Nhiều khó khăn đang chờ phía trước. Những nước nào sẽ đạt được thỏa thuận du lịch trước và khi nào thì bắt đầu triển khai kế hoạch là hai trong số các điểm vướng mắc.

Ông Ken Atkinson - chuyên gia kì cựu trong ngành và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), cho rằng để tránh đụng chạm đến vấn đề chính trị, nhiều khả năng các bên sẽ đặt ra những qui định khách quan như một tháng không ghi nhận trường hợp lây nhiễm cộng đồng.

Các nước kiểm soát đại dịch hiệu quả như Hàn Quốc và New Zealand có thể sẽ nằm trong nhóm đầu tiên được nối lại hoạt động du lịch quốc tế.

Bloomberg: Sau cơn mưa trời lại sáng với ngành du lịch Việt Nam - Ảnh 3.

Nhà phân tích Steven Schipani của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Việt Nam có thể có một khởi đầu thuận lợi khi tổ chức lại các tour du lịch đến những địa điểm dễ kiểm soát dịch bệnh như Phú Quốc hay các thị trấn nghỉ dưỡng trước tiên.

Du khách sẽ không chấp nhận cách li dài ngày, tuy nhiên xét nghiệm có thể là một phần của một thỏa thuận du lịch song phương ở cả hai đầu của chuyến đi.

Nửa còn lại của trò chơi ghép hình này là điểm xuất phát của du khách. Trước đây, Trung Quốc từng sử dụng các nhóm khách du lịch cho mục đích chính trị và chỉ riêng trong năm 2019, người dân Trung Quốc đã chi khoảng 17 tỉ USD để đi du lịch tại Thái Lan.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì an toàn dường như là yếu tố quan trọng hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với các du khách Trung Quốc đi tự túc vì họ có thể sẽ rời quê nhà nhiều tháng trước rồi mới lên các tàu bay được thuê nguyên chuyến (charter) để đi tour.

Đối với Việt Nam cũng như với toàn khu vực Đông Nam Á, sau cơn mưa trời lại sáng, ngành du lịch khu vực sẽ dần đón khách quốc tế trở lại.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.