|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bong bóng du lịch - niềm hi vọng mới của châu Á

18:33 | 02/06/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 bùng phát buộc chính phủ các nước châu Á ban bố lệnh phong tỏa, vô tình kéo hoạt động du lịch xuống vực sâu. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia, doanh nghiệp, lao động xa nhà và bất kì ai có niềm đam mê du lịch, tương lai vẫn le lói những tia hi vọng với ý tưởng "bong bóng du lịch".

Ý tưởng bong bóng du lịch (travel bubble)

Ngay cả khi chính phủ các nước châu Á cảnh báo đại dịch còn lâu mới kết thúc, nhiều người đã bắt đầu nghiên cứu ý tưởng "bong bóng du lịch" cho phép công dân một nước qua biên giới nước khác với thời gian cách li tối thiểu hoặc không cách li.

Theo Nikkei Asian Review, ý tưởng này chưa thể sớm trở thành hiện thực với ngành du lịch và hàng không. Một dự báo của Liên Hợp Quốc cho hay trên phạm vi toàn cầu, lượng khách du lịch quốc tế trong năm nay có thể giảm tới 78%.

Ví dụ về tiềm năng của bong bóng du lịch khá đa dạng. Chẳng hạn, Trung Quốc và Hàn Quốc vừa thiết lập một hành lang chung vào ngày 1/5, trong đó yêu cầu giám đốc doanh nghiệp phải trải qua một cuộc kiểm dịch ngắn hoặc có ít nhất một xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 ở mỗi nước.

Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong gần đây đã thông qua thủ tục xét nghiệm trên để đến thăm một nhà máy tại Trung Quốc và chính phủ hai bên đang đàm phán để mở rộng chương trình.

Đầu tháng 6, một nhóm tư vấn sẽ đệ trình lên chính phủ Australia và New Zealand kế hoạch du lịch không kiểm dịch giữa hai nước. Singapore cũng đang đàm phán với hai nước này, cũng như với Canada và Hàn Quốc.

Tuần trước, quốc đảo sư tử vừa tuyên bố một thỏa thuận mới với Trung Quốc, nội dung tương tự với thủ tục mà Bắc Kinh thiết lập với Seoul, mở đường để khởi động một "tuyến du lịch nhanh" vào đầu tháng 6.

"Chúng tôi cần duy trì mối liên kết với thế giới, sự sống còn của Singapore phụ thuộc vào kế hoạch này", ông Gabriel Lim - Bộ trưởng Bộ Công thương Singapore, chia sẻ với Nikkei.

Bong bóng du lịch - niềm hi vọng mới của châu Á - Ảnh 1.

Một bong bóng du lịch khác tại vùng châu thổ sông Châu Giang bao gồm Hong Kong, Macau và một số thành phố của Trung Quốc đại lục cũng xuất hiện thời gian gần đây. Các quan chức ngành du lịch Việt Nam bày tỏ hi vọng rằng một số chuyến du lịch quốc tế sẽ sớm nối lại vào mùa hè năm nay.

Tại một buổi tọa đàm được tổ chức chiều 30/5 vừa qua, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ủng hộ ý tưởng về một khu vực đi lại an toàn, hay bong bóng du lịch. Một số ví dụ nổi bật hiện nay gồm sáng kiến bong bóng du lịch giữa Australia và New Zealand, hay hành lang chung giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ngoài ra, ông Cường còn cho hay Việt Nam và Pháp đang xây dựng một hành lang an toàn để thúc đẩy du lịch quốc tế.

Ông Võ Huy Cường nhấn mạnh: "Trong trường hợp Việt Nam sớm đón nhận một tin vui về thuốc điều trị COVID-19 hoặc vắc xin thì chúng ta phải làm thế nào phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng làn sóng đi lại bằng đường hàng không trỗi dậy mạnh mẽ sau dịch COVID-19".

Cũng tại buổi tọa đàm trên, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa đã đưa ra hai kịch bản về phát triển du lịch. Kịch bản một ưu tiên phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi khu vực đó. Ở kịch bản thứ hai, khách quốc tế muốn nhập cảnh vào Việt Nam phải qua ba lần xét nghiệm nghiệm.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang tiến hành đàm phán cùng chính phủ Nhật Bản. Tờ Yomiuri Shimbun dẫn lời nguồn tin từ Tokyo cho biết sẽ cho phép công dân 4 nước nhập cảnh sớm vào Nhật Bản, cụ thể gồm: Việt Nam, Thái Lan, Australia và New Zealand do 4 nước này kiểm soát dịch tốt.

"Các nước thành viên của chúng tôi nhận thấy giá trị của việc đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng", bà Rebecca Fatima Sta Maria - Giám đốc điều hành ban thư kí APEC, cho hay. "Lĩnh vực du lịch đương nhiên sẽ không giống như thường lệ nhưng không thành viên APEC nào từ chối mở cửa đất nước", bà Sta Maria nhấn mạnh.

Các điều kiện y tế tiên quyết cần để thiết lập bong bóng du lịch vẫn đang được thảo luận, tuy nhiên các điểm đến nhiều khả năng sẽ có chương trình xét nghiệm và hệ thống giám sát bệnh tương tự nhau.

Các bên đang đàm phán một số thỏa thuận có thể đảm bảo rằng du khách nhiễm COVID-19 sẽ được tiếp nhận chăm sóc y tế phù hợp khi đang ở nước ngoài, Nikkei dẫn lời quan chức chính phủ các nước cho hay.

Chương trình thử nghiệm của Đài Loan và Đại học Stanford

Một nhân tố chính cho kỉ nguyên du lịch mới có thể là Đài Loan.

Dù Đài Loan được thế giới ca ngợi vì chiến lược chống dịch COVID-19 tốt, ngành du lịch nơi đây vẫn còn khá ảm đạm. Gần đây, 6 công ty du lịch đại chúng của Đài Loan cho biết doanh thu tháng 4 lao dốc đến 95% so với cùng kì năm trước.

Tuy nhiên, Đài Loan đang phát triển một chương trình thử nghiệm với Đại học Stanford. 500 tình nguyện viên sẽ được xét nghiệm tại San Francisco trước khi được phép nhập cảnh vào Đài Bắc trong tháng 6. Các du khách này sẽ tiếp tục được xét nghiệm trong 14 ngày cách li sau đó.

Giáo sư Jason Wang của Đại học Stanford lí giải, mục đích của chương trình trên là nhằm xác định số ngày tối thiểu mà một người đã cho kết quả xét nghiệm âm tính cần được cách li vì xét nghiệm ban đầu có thể không phát hiện ra virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn đầu của bệnh.

Chính quyền bang Hawaii của Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm với chương trình thử nghiệm trên, ông Wang nói thêm.

Một số nước châu Á đang ưu tiên đàm phán nhằm hỗ trợ vấn đề di chuyển của giới doanh nhân. Trung Quốc và Singapore đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo môi trường thông thoáng cho các giám đốc cấp cao và kĩ thuật viên quan trọng đi lại giữa các nước.

Bà Sta Maria cho biết thêm rằng APEC cũng đang nghiên cứu kết hợp Thẻ Kinh doanh Du lịch với các yêu cầu về y tế để du khách di chuyển thuận lợi giữa các nước thành viên.

Khi nào bong bóng du lịch không chỉ còn là giấc mơ trên giấy?

Tuy nhiên, khi nào bong bóng du lịch có thể trở thành hiện thực là một câu hỏi mở. Dù vậy, thành công của Australia và New Zealand trong quá trình kiểm soát lây nhiễm cộng đồng sau khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa đã làm tăng hi vọng rằng bong bóng du lịch châu Đại Dương có thể thành quả ngọt trong hai tháng tới.

Bong bóng du lịch - niềm hi vọng mới của châu Á - Ảnh 2.

Ông Masato Takamatsu - một nhà tư vấn độc lập chuyên về quản lí khủng hoảng du lịch, đã gọi bong bóng du lịch là một lựa chọn "rất thực tế" nhằm mở cửa đất nước trở lại, "đặc biệt là đối với các nền kinh tế không thể trụ vững nếu không có du khách từ nước ngoài như New Zealand".

Tuy nhiên, ông Takamastu nhấn mạnh các đối tác trong bất kì thỏa thuận nào cũng đều cần phải có chương trình xét nghiệm phù hợp và chia sẻ thông tin với phía còn lại nhằm tạo lập niềm tin.

Mặc dù các khối kinh tế chung tại châu Á đang trao đổi thông tin về bong bóng du lịch trong tương lai, các thỏa thuận ban đầu nhiều khả năng là mối quan hệ hợp tác song phương thay vì theo khu vực.

"Nhìn chung, nhập cư là vấn đề mang tính chủ quyền quốc gia và mặc dù theo thời gian, các thỏa thuận có thể mở rộng ra một khu vực nhất định, khả năng đó vẫn chưa xảy ra", Bộ trưởng Lim của Singapore nhận định.

Mối bất đồng do đại dịch COVID-19 gây ra cũng khiến quá trình tái thiết một số liên kết du lịch trước đây diễn ra chậm chạp hơn. Chẳng hạn, quan hệ song phương giữa Australia và Trung Quốc đang đặc biệt xa cách sau khi chính phủ Australia yêu cầu cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch.

Đáng chú ý, Trung Quốc lại là thị trường đóng góp lượng khách du lịch lớn nhất cho Australia trong năm 2019. Bắc Kinh gần đây đã sử dụng các lệnh cấm du lịch theo nhóm để ngăn cản công dân của họ đến một số quốc gia nhất định giữa lúc nổ ra căng thẳng chính trị.

Theo Nikkei, Australia không nằm trong danh sách các nước mà truyền thông Trung Quốc gần đây cho biết sẽ được phép đăng kí các tuyến bay thuê nguyên chuyến (charter) dưới hình thức "kênh xanh".

"Tất cả các bong bóng du lịch đều gắn liền với vấn đề chính trị. Nếu khái niềm này phụ thuộc hoàn toàn vào khoa học thì đáng lí ra Đài Loan phải là bên đầu tiên được gia nhập bong bóng du lịch cùng Trung Quốc đại lục", ông Steve Tsang - Giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (London), cho hay.

Trong đại dịch vừa qua, Đài Loan và Trung Quốc đã tranh cãi một số vấn đề xoay quanh phản ứng chống dịch của Bắc Kinh.

Ngoài ra, nếu các chuyến bay chở khách được nối lại nhờ bong bóng du lịch thì cả ngành thương mại cũng được hưởng lợi nhờ công suất vận chuyển hàng hóa giá rẻ theo đường hàng không tăng lên.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.